Lãi suất lý thuyết

Thứ năm, ngày 16/12/2010 09:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Càng hô hào, càng cho thấy nạn “hai giá” đang đè nặng lên các DN và càng làm cho sự minh bạch trên thị trường tài chính trở nên xa vời. Thật chua xót khi lãi suất tăng quá cao đang hành hạ các doanh nghiệp.
Bình luận 0

Một lần nữa, và là lần thứ ba chỉ trong chưa đầy 6 tháng, lại có một cuộc họp, một lời cam đoan được đưa ra về việc thống nhất lãi suất huy động bắt buộc. Con số là bao nhiêu: 10% huy động, 12% cho vay; hay 14-18% có lẽ bây giờ không quan trọng nữa. Câu hỏi đặt ra là liệu có ngân hàng thương mại nào huy động đúng với mức cam kết? Và lớn hơn, có bao nhiêu trong số khoảng 400.000 doanh nghiệp được vay đúng với mức lãi suất lý thuyết đó?

Khi Techcombank công bố mức lãi suất huy động lên tới 17,6% và tạo ra một cú sốc trên thị trường, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhìn nhận dấu hiệu tích cực. Đó là việc lần đầu tiên mức lãi suất huy động thật được công bố công khai (mà sự minh bạch nào chẳng bắt đầu từ việc công khai). Nhưng Techcombank đã chịu không ít “đòn roi”, mà hậu quả nhãn tiền là án kỷ luật cho cả Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc. 6 tiếng sau khi công khai, lãi suất lại rút vào bí mật với truyền thống "thoả thuận ngầm": Huy động đúng mức lãi suất đã cam kết, nhưng khách hàng được "khuyến mãi" ngay lập tức 1-2, thậm chí 3% lãi suất. Các doanh nghiệp (DN) chạy vạy, ngoại giao để được vay với mức lãi suất "thoả thuận". Từ lâu nay, giống hệt tỉ giá, lãi suất vẫn tồn tại tình trạng “lãi suất lý thuyết” (thể hiện trong các bảng niêm yết của ngân hàng), và lãi suất thực tế (tức là tỉ lệ % mà giới ngân hàng huy động), và tương ứng là mức cho vay.

Bởi vậy, bất cứ DN nào cũng chỉ quan tâm nhiều hơn đến tỉ lệ % họ phải vay trong thực tế, hơn là đọc những thông tin lãi suất ảo trên giấy. Ít nhất là trong 6 tháng qua, các cuộc họp, tràn đầy những lời hứa và cam kết, đã không thể xoá bỏ nạn "hai giá" trong lãi suất. Càng hô hào, càng cho thấy nạn “hai giá” đang đè nặng lên các DN và càng làm cho sự minh bạch trên thị trường tài chính trở nên xa vời. Thật chua xót khi lãi suất tăng quá cao đang hành hạ các doanh nghiệp.

Lãi suất tỉ lệ thuận với lạm phát. Khi mà lạm phát tăng cao, khi mà tiền đồng mất giá hơn thì lãi suất cũng sẽ tăng, không lệ thuộc vào mệnh lệnh hành chính. Uỷ viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bà Phạm Thị Loan cho rằng đang có 2 vấn đề xảy ra quanh câu chuyện lãi suất. Thứ nhất, dù 14 hay 15% thì dân cũng không ham gì chuyện gửi tiền. Họ giữ vàng và ngoại tệ khi niềm tin vào tiền đồng đang xuống thấp trước lạm phát. Thứ 2, doanh nghiệp đang rất khó trong việc vay vốn, dù với lãi suất cao. Và vì vậy, càng để tồn tại lâu tình trạng "hai giá" trong lãi suất, thì cái lợi càng chỉ thuộc về ngân hàng. Vậy thì, muốn có một mức lãi suất ổn định để tiến tới hợp lý cho sức chịu đựng của DN và cả ngân hàng, thì việc đầu tiên là phải bỏ bằng được tình trạng "hai giá".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem