Báo cáo của Công ty chứng khoán CTCK TP.HCM (HSC) về lãi suất tháng 3 cho thấy lãi suất huy động bình quân tiền đồng tăng nhẹ lên 6,02% và lãi suất cho vay bình quân tăng nhẹ lên 9,42%.
Cụ thể, lãi suất huy động bình quân tiền đồng tại thời điểm cuối tháng 3 tăng nhẹ 0,06% lên so với tháng 2 và tăng 0,12% so với đầu năm (lãi suất huy động bình quân tiền đồng tại thời điểm cuối tháng 3.2015 là 5,74%).
Cùng xu hướng, lãi suất cho vay bình quân tại thời điểm cuối tháng 3 tăng nhẹ 0,06% lên 9,42% so với mức 9,36% của tháng 2; và tăng 0,15% so với đầu năm (lãi suất cho vay bình quân tại thời điểm cuối tháng 3.2015 là 9,55%).
Nhận định về xu hướng tăng lãi suất, HSC cho rằng đây là động thái tăng lãi suất cho vay đầu tiên trước xu hướng tăng lãi suất huy động (lãi suất huy động đã liên tục tăng trong vài tháng qua).
“Chúng tôi thấy các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động kể từ đầu năm. Điều này đã làm cho lãi suất tăng”, HSC phân tích.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng cũng tác động tới lãi suất. “NHNN dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay là 18-20%. Để đạt được mục tiêu này, các ngân hàng sẽ phải tăng cường đáng kể vốn huy động. Đặc biệt là khi tỷ lệ dư nợ trên huy động vốn trong hệ thống đã khá cao. Toàn bộ điều này cho thấy lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng”, HSC nhận định.
Theo nhận định của tổ chức này, có 3 nhân tố đằng sau xu hướng tăng lãi suất, đó là, xu hướng lãi suất trên thế giới trước xu hướng tăng lãi suất của Fed; những thay đổi về quy định trong ngành (cụ thể ttrong Thông tư 36) đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường vốn huy động nếu muốn tăng trưởng cho vay; lạm phát tăng.
“Cho đến nay, tốc độ tăng lãi suất huy động vẫn chậm; tuy nhiên chúng tôi cho rằng tốc độ sẽ gia tăng trong 6 tháng cuối năm. Lãi suất huy động sẽ tăng 1% trong năm nay”, HSC dự báo.
Trước đó, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cũng dự đoán, trong năm 2016, lãi suất sẽ tăng thêm khoảng 1 điểm % so với năm 2015 do: lạm phát năm 2016 cao hơn năm 2015; nhu cầu tăng vốn huy động của hệ thống TCTD (do vốn huy động những tháng đầu năm tăng trưởng chậm hơn tín dụng); tăng vốn huy động kỳ dài hạn nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 36 sửa đổi.
“Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ vẫn trong mức kiểm soát để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh.
Đây chắc chắn là thách thức đầu tiên của ông Hưng khi ngồi vào “ghế nóng” Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Bởi chủ trương của Chính phủ là lãi suất sẽ phải giữ được ổn định và lãi suất cho vay sẽ phải hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nếu có điều kiện thì sẽ giảm tiếp.
Nói về lãi suất, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nhận định vấn đề lãi suất là quan hệ cung cầu.
“Tôi hy vọng là đừng để tăng lãi suất, nhưng rất khó. Vì chừng nào thị trường tài chính đồng bộ (tức là thị trường tiền tệ thông qua ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán, vốn) phát triển hài hòa, hai chân thì lúc đó giảm áp lực trung hạn, dài hạn thì lãi suất mới giảm. Hiện nay ngân hàng vừa lo lãi suất ngắn hạn, trung hạn dài hạn, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ nên rất khó khăn”, ông Lịch phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.