Quốc Hải
Thứ hai, ngày 23/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Để “kích” tín dụng và cứu doanh nghiệp sau mùa dịch Covid-19, các ngân hàng tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay. Theo dự báo, Ngân hàng Nhà nước có thế có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng ngay trong quý 4.
Trong 3 tuần đầu tháng 11, xu hướng giảm lãi suất huy động đã biểu hiện khá rõ nét ở các tổ chức tín dụng. Theo các chuyên gia kinh tế, việc lãi suất huy động giảm liên tục trong những tháng vừa qua một mặt giúp cho các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn huy động; mặt khác tạo ra nguồn vốn rẻ, từng bước điều chỉnh chi phí đầu vào để giảm lãi vay đầu ra, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng cũng như kích cầu tín dụng những tháng cuối năm.
Ồ ạt giảm lãi suất huy động, tung ưu đãi
Trong khối ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank là nhà băng đầu tiên giảm thêm lãi suất tiền gửi. Người gửi tiền kỳ hạn 6 - 9 tháng nhận lãi suất 4%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 6%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm về 5,7%/năm và kỳ hạn 36 tháng chỉ còn 5,4%/năm. Các mức lãi suất mới này đã giảm từ 0,2% - 0,4% so với biểu lãi suất hồi tháng 10.
Tương tự, tại Agribank lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là 5,9%.
Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, hiện có hơn 10 nhà băng giảm lãi suất tiền gửi như: Techcombank, ACB, LienVietPostBank, HDBank, ABBank, SCB, VietCapitalBank, MB… Chẳng hạn, tại Techcombank, khách hàng gửi tiết kiệm 3 tỷ đồng kỳ hạn dưới 6 tháng lãi suất đã chỉ còn từ 2,65-2,95%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn khoảng 4,7-4,9%/năm.
Tương tự, MBBank cũng giảm lãi suất huy động từ 0,1% - 0,2% đối với hầu hết các kỳ hạn so với tháng 10, lãi suất tiền gửi từ 36 - 60 tháng hiện chỉ còn 6,3%/năm.
Không chỉ giảm lãi suất huy động, các ngân hàng cũng bắt đầu tung các gói vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, Vietcombank vừa giảm lãi suất 1% cho khách hàng tại 10 tỉnh miền Trung với thời gian 3 tháng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ. Ngoài ra, từ cuối tháng 10, VietcomBank đã áp dụng mức lãi suất 5,9%/năm đối với các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vay vốn lưu động.
Agribank cũng thông báo giảm thêm 0,3% lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó với dịch Covid-19.
Tại HDBank, nhà băng này mới đây cũng thông báo đưa lãi suất của gói Swift SMEs trị giá 5.000 tỷ đồng, dành cho khách hàng có nhu cầu bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các điều kiện tín dụng chuẩn doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuống còn từ 6,2%/năm. ABBank cũng thông báo mang đế chương trình "SME – Tiếp vốn đầu tư" với thời gian triển khai kéo dài đến 30/06/2021 và lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,5%/năm.
"Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn mua ô tô để sử dụng và phục vụ kinh doanh dịp cuối năm sẽ được hưởng những ưu đãi vượt trội về lãi suất, kỳ hạn vay, thời gian xét duyệt từ 4 - 8 giờ với lãi suất chỉ từ 5,9%/ năm trong 3 tháng; 6,9%/năm trong 6 tháng và 8,3%/năm trong thời gian 12 tháng. Lãi suất có hiệu lực kể từ ngày giải ngân, áp dụng cho các khoản vay có kỳ hạn từ 48 tháng trở lên", đại diện VPBank cho hay.
Sau thời gian ưu đãi, mức lãi suất cho vay được điều chỉnh cộng biên độ chỉ từ 3,2%/năm. Đặc biệt, VPBank còn hỗ trợ hạn mức cho vay lên đến 100% giá trị xe thông qua việc chấp nhận thế chấp chính chiếc xe mà khách hàng mua (xe du lịch, xe tải, xe khách…) hoặc thế chấp bất động sản…
Tín dụng ra sao trong những tháng còn lại của năm 2020?
Các chuyên gia tài chính, công ty chứng khoán đều đưa ra dự báo: Tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt tới 9% - 10%, do mặt bằng lãi suất đang đứng ở mức rất thấp, qua đó sẽ kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân trong những tháng cuối năm. Theo báo cáo về ngành ngân hàng mới đây của SSI Research, ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ đạt từ 9% -10% so với đầu năm. Đặc biệt, đơn vị này cũng dự báo, Ngân hàng Nhà nước có thế có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng vào quý 4/2020.
Trên thực tế, theo khảo sát của SSI Research, tổng tín dụng tại các ngân hàng đã tăng trưởng rất tốt, tăng thêm khoảng 153,3 nghìn tỷ đồng trong quý 3 - cao hơn khoảng 19% so với mức tăng trong quý 2. Nhờ vậy, tín dụng tại cuối quý 3 tăng 2,9% so với quý trước và tăng 7,5% so với đầu năm. Các ngân hàng thương mại nhà nước tăng trưởng khá khiêm tốn (+1,1% so với quý trước và +3,4% so với đầu năm). Trong khi tốc độ giải ngân tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (+5,3% so với quý trước và +12,9% so với đầu năm).
Đặc biệt, trong quý 3, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với nhiều ngân hàng cổ phần, trong đó mức cao nhất hiện nay là 23% ở TCB, TPB và VIB.
"Triển vọng chung của ngành ngân hàng tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19, chúng tôi điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận trước thuế cho các ngân hàng chúng tôi nghiên cứu lên +9,2% và +10,5% cho năm 2020 và 2021, tương ứng đạt 110,7 nghìn tỷ đồng (+2,7% so với cùng kỳ) và 129,3 nghìn tỷ đồng (+16,8% so với cùng kỳ)", SSI Research tính toán.
Đồng thời, đơn vị này cũng cho biết: "Ước tính lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ giảm -6,2% trong năm 2020, và sau đó phục hồi +21,8% trong năm 2021. Trong khi đó, ước tính lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tăng trưởng + 9,3% trong năm 2020 và tăng +13,7% trong năm 2021".
Trong khi đó, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 17/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8.790 nghìn tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,28%); trong đó tín dụng bằng VNĐ tăng 7,76%, tín dụng ngoại tệ giảm 0,69%. Dự kiến, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 10% vào cuối năm 2020.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.