Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng Big 4 sẽ giảm 6,2% trong năm 2020?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 20/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Ước tính lợi nhuận trước thuế của các NHTM Nhà nước sẽ giảm 6,2% trong năm 2020, và sau đó phục hồi 21,8% trong năm 2021. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của các NHTM cổ phần tư nhân sẽ tăng trưởng 9,3% trong năm 2020 và tăng 13,7% trong năm 2021.
Bình luận 0
Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng Big 4 sẽ giảm 6,2% trong năm 2020? - Ảnh 1.

Ước tính lợi nhuận trước thuế của nhóm Big4 sẽ giảm khoảng 6,2% trong năm 2020

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), tổng tín dụng các ngân hàng được theo dõi đã tăng thêm khoảng 153.300 tỷ đồng trong quí 3, cao hơn khoảng 19% so với mức tăng trong quí 2/2020. Nhờ vậy, tín dụng tại cuối tháng 9 tăng 2,9% so với quí trước và tăng 7,5% so với đầu năm.

Cụ thể, tín dụng các NHTM Nhà nước tăng trưởng khá khiêm tốn (+1,1% so với quí trước và +3,4% so với đầu năm) trong khi nhóm NHTM cổ phần tư nhân chứng khiến sự gia tăng tốc độ giải ngân (+5,3% so với quí trước và +12,9% so với đầu năm). Cho vay doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt trong khi cho vay bán lẻ có dấu hiệu phục hồi ở BIDV, MB và HDBank.

Trong quí 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với nhiều NHTM cổ phần, trong đó mức cao nhất hiện nay là 23% ở Techcombank, TPBank và VIB.

Trên cơ sở đó, SSI Research ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ đạt 9% -10% so với đầu năm và cho rằng NHNN có thể có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng vào quí 4/2020.

Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng Big 4 sẽ giảm 6,2% trong năm 2020? - Ảnh 2.

Tăng trưởng tín dụng các ngân hàng tính đến tháng 9/2020 (SSI Research)

Về phía lợi nhuận, 13 ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI Research đạt kết quả kinh doanh đáng khích lệ trong quí 3 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 29.700 tỷ đồng (tăng 6,6% so với cùng kì).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng được SSI Research nghiên cứu đạt 86.200 tỷ đồng (+11% so với cùng kì). Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức tăng lợi nhuận trước thuế là 26,9% của cùng kì năm 2019, hoạt động của ngành vẫn vượt trội so với các ngành khác.

Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng Big 4 sẽ giảm 6,2% trong năm 2020? - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh quý III của các ngân hàng (SSI Research)

Trong đó, khối NHTM cổ phần tư nhân là động lực chính của lợi nhuận trước thuế với mức tăng 18,6% so với cùng kì, trong khi lợi nhuận trước thuế của các NHTM Nhà nước chỉ tăng 0,9%.

Theo SSI Research, triển vọng chung của ngành ngân hàng tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19. Do đó, đơn vị phân tích này điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận trước thuế cho các ngân hàng nghiên cứu tăng lên 9,2% và 10,5% cho năm 2020 và 2021, tương ứng đạt 110.700 tỷ đồng (+2,7%) và 129.300 tỷ đồng (+16,8%).

"Tác động của dịch Covid-19 dần dần được phản ánh trong số dư nợ xấu của các ngân hàng", báo cáo của SSI Research nhận định.

Diễn giải về vấn đề này, SSI Research cho hay, mặc dù chi phí dự phòng trong quý III/2020 tăng 18% so với quý trước, phần lớn trong số đó được sử dụng cho mục đích xóa nợ nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng lên 1,77% (Q3/2020) từ 1,68% (Q2/2020). Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu chỉ nhích nhẹ lên 90,6% (Q3/020) từ 90% (Q2/2020).

Ngoại trừ TCB có tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,6%, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại khác đều tăng từ 0,2% -0,7%; Tổng nợ xấu tại ngày 30/9/2020 là 91,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý trước.

Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng Big 4 sẽ giảm 6,2% trong năm 2020? - Ảnh 4.

Tổng quan dư nợ tái cấu trúc của các ngân hàng (SSI Research)

Một vấn đề cũng cần lưu ý, đó là dư nợ tái cấu trúc giảm trong quý 3/2020, và hiện ở mức bình quân là 2,2% trong tổng dư nợ và giảm so với mức 2,7% vào cuối quý 2/2020. Số liệu này khá khác biệt so với công bố của NHNN là dư nợ tái cấu trúc tăng từ 177 nghìn tỷ đồng (tại ngày 22/6/2020) lên 321,4 nghìn tỷ đồng (tại ngày 14/9/2020).

"Theo Thông tư 01, lãi dự thu liên quan đến dư nợ tái cấu trúc được theo dõi ngoại bảng cho đến khi thu được thực tế. Theo đó, tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản sinh lãi trong quý 2/2020 đối với các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của chúng tôi giảm mạnh xuống 1,26% - mức thấp nhất trong nhiều quý gần đây. Trong quý 3, lãi dự thu trên bảng cân đối kế toán ngân hàng tăng +6,4% so với quý trước và chiếm 1,31% tổng tài sản sinh lãi. Điều này phù hợp với mức sụt giảm của dư nợ tái cấu trúc. Nếu lãi dự thu tiếp tục tăng, chất lượng tín dụng sẽ trở thành một vấn đề thách thức lớn", SSI Research kết luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem