Lãi suất tiêu dùng "cắt cổ" lên tới 80% /năm

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 13/07/2016 12:02 PM (GMT+7)
Đó là thông tin được Cục Quản lý cạnh tranh công bố tại Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, thực trạng và giải pháp”.
Bình luận 0

Nhiều người tiêu dùng “sập bẫy”

Ông Hồ Tùng Bách – Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh) cho biết, lãi suất người tiêu dùng hiện nay phải chịu cao nhất 80%/năm và trung bình 60 đến 70%/ năm. “Khi chúng tôi nhận được khiếu nại của người tiêu dùng thì người tiêu dùng đã ký hợp đồng với lãi suất “cắt cổ” như vậy”, ông Bách nhấn mạnh.

Để nhận diện các hoạt động cho vay tiêu dùng, ông Bách cho biết: Thông thường, các công ty cho vay tiêu dùng thường cung cấp dịch vụ ở quầy siêu thị, trung tâm mua sắm rất hoành tráng.  Ngoài ra, nhân viên tư vấn thường là các cô gái rất xinh đẹp. Người tiêu dùng nhận thấy rằng công ty cũng to, làm ăn uy tín nên đã tin tưởng và tham gia vay tiêu dùng.

img

Tuy nhiên, khi nhận được khiếu nại của người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh  muốn yêu cầu các công ty cho vay cung cấp hợp đồng nhưng các công ty này cũng đều từ chối nên để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng khó vì không có những căn cứ trong hợp đồng mà người tiêu dùng đã ký.

Một điều rất nguy hiểm cũng được Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo người vay tiêu dùng sẽ phải khai báo những người thân trong gia đình. Các công ty cho vay giải thích, thông tin về người thân thu thập để phục vụ cho việc liên hệ nhằm tìm kiếm hỗ trợ  khi cho vay, hoàn toàn không có mục đích gì khác. Tuy nhiên, khi nợ quá hạn, họ đòi nợ lại tìm đến người nhà để hăm dọa, nhắn tin đe dọa tới người thân.

Ông Bách cũng dẫn chứng một trường hợp tìm đến Cục Quản lý cạnh tranh để khiếu nại là người phụ nữ đang mang bầu 4 tháng đã bị ép ký vào giấy cam kết trả nợ thay cho chồng. Trước đó, chồng của người phụ nữ này vay tiền mua điện thoại di động, người chồng không trả nợ, bỏ trốn. Sau đó chị vợ liên tục bị số điện thoại lạ tự xưng là người của công ty đe dọa, gây áp lực bắt buộc ký vào giấy nhận nợ thay. Một ngày, chị vợ nhận được 17 cuộc gọi và 20 tin nhắn đe dọa đòi nợ và các cuộc gọi kéo dài suốt từ 6 giờ sáng tới 10 giờ đêm.  

Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, thông thường, để gửi được đơn khiếu nại cho bên công ty cũng rất khó khăn vì không cung cấp email, chỉ cho liên hệ với hệ thống chăm sóc khách hàng. Khi gọi vào tổng đài, lời nhắn tự động rất dài, hơn 1 phút mới nghe được chi tiết số điện thoại để liên hệ thành công với nhân viên tư vấn. Nhưng khi gọi người đầu tiên tư vấn thì nói “bây giờ em đã nghỉ việc rồi, anh  gọi lại cho tổng đài tư vấn”. Cứ đẩy qua, đẩy lại như vậy khiến cho khách hàng càng thêm bức xúc.

Lãi suất 20% chỉ có trong mơ

TS. Đinh Thị Thanh Nhàn – Khoa kinh tế Luật, trường Đại học Thương mại Hà Nội cho biết, hiện nay, pháp luật chưa có quy định riêng cho vay tiêu dùng nên toàn bộ vấn đề cho vay tiêu dùng đều dựa vào quy định chung tại Luật Tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, trong Luật Tổ chức tín dụng các phần liên quan tới giới hạn, hạn mức, thủ tục cho vay đối với các ngân hàng, công ty tài chính đã quá lạc hậu đối với cho vay tiêu dùng. “Các quy định về cho vay tiêu dùng thực tế là hoạt động kinh doanh có tính rủi ro rất cao, có khấu hao nhanh nên chúng tôi cho rằng cần có quy định riêng với lĩnh vực này”, bà Nhàn nói.

Bà Nhàn cũng cho biết, năm 2014 Ngân hàng Nhà nước có xây dựng Dự thảo về hoạt động tiêu dùng cho các công ty tài chính, theo dự thảo này, nếu muốn cho vay tiêu dùng các tổ chức tín dụng phải thành lập công ty tài chính. Ngoài ra, thông tư đó cũng có rất nhiều quy định để đảm bảo tính xác định lãi suất, tính minh bạch cho vay tiêu dùng nhưng đến nay thông tư này chưa được thông qua.

Cũng theo bà Nhàn, theo quy định hiện nay, lãi suất trần quy định cho vay tiêu dùng là 20% mỗi năm. Tuy nhiên, lãi suất 20% cho vay tiêu dùng là lãi suất “trong mơ”, vì trên thực tế thấp nhất vẫn là 25% và có lãi suất tới 80% như Cục Quản lý cạnh tranh đã nhận được khiếu nại. 

Còn bà Phạm Quế Anh – Chuyên gia Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng, tín dụng tiêu dùng thì nhỏ nhưng hậu quả lại không hề nhỏ, nó đã là nguyên nhân dẫn tới bong bóng bất động sản năm 2008 ở Mỹ. Đặc biệt, tín dụng tiêu dùng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn khi nhu cầu tham gia vào chi tiêu ngày càng cao. “Dù pháp luật có hoàn thiện đến đâu thì cũng khó bảo vệ được nên quan trọng nhất là người tiêu dùng vẫn phải nhận thức được quyền lợi của mình và hành xử như người tiêu dùng thông minh”, bà Quế Anh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem