Những ngày gần đây, chùa Bồng Lai (Đức Hòa, Long An) bỗng náo nhiệt hơn bình thường do có sự ghé thăm của các phật tử và nhiều vị khách đường xa. Họ đến để tận mắt nhìn thấy loài hoa ưu đàm trong truyền thuyết nhà Phật được cho là đang xuất hiện ở nhiều chỗ trong chùa.
Sư thầy Thích Tâm Đức chia sẻ chùm hoa đầu tiên được thầy tìm thấy ở tượng Phật phía sau
Trước đó, vào khuya 22.5, trong lúc thắp nhang bái Phật, sư thầy Thích Tâm Đức phát hiện ra một đám cây thân trong suốt, mỏng manh như sợi tơ, bông trắng li ti mọc dưới tòa sen. “Mới đầu, tôi còn tưởng đó là chùm bụi nên định lấy tay quẹt đi rồi. Trước đây, tôi nghe nhiều nơi khác có loài hoa này, không ngờ ở nơi đây hoa cũng mọc. Ngoài dưới tòa sen, hoa còn mọc ở 14 chỗ khác trong chùa như tượng Quan Âm, trên trái cây nhựa, trên mút xốp...", sư thầy Thích Tâm Đức kể lại. Sau đó, sư thầy đã chia sẻ hiện tượng lạ này với một vài đệ tử thân thiết.
Hoa mọc trên là cây trang trí ở chùa
Trời nhá nhem tối, chiếc xe 16 chỗ đỗ các vị khách đường xa đến thăm chùa. Bà Huỳnh Thị Cúc cho biết: “Chúng tôi nhà ở quận 5 (TP.HCM). Mới chiều hôm qua nghe tin từ một phật tử là chúng tôi rủ nhau đi liền. Hồi nào giờ chỉ toàn thấy hoa ở trên mạng, nay mới có dịp đi thực tế, có lẽ đây là cơ duyên”.
Hay phải mất hơn hai tiếng, một chiếc xe khác chở tiểu thương ở chợ Kinh Nước Mặn Cần Đước (Long An) mới tới được chùa. Bà Vương Thị Tơ, cho hay: “Mặc dù tôi không theo đạo Phật nhưng tôi vẫn muốn nhìn tận mắt một lần loài hoa này. Sống hơn sáu chục tuổi, đây là lần đầu tiên tôi được thấy hoa, chắc hẳn đây là cái duyên, điềm lành sắp đến với mình".
Sau khi ngắm hoa, anh Cao Trần Vinh tỏ vẻ ngạc nhiên: “Lúc mới nghe giới thiệu về hoa ưu đàm, tôi tưởng hoa phải bự chừng ba tấc, tròn cao như hoa huệ, té ra nó chỉ như cọng tóc”.
Người dân hiếu kỳ đến xem hoa ưu đàm 3.000 năm mới nở một lần ra sao
Trước đó, chùm hoa nhỏ li ti được cho là hoa ưu đàm cũng được phát hiện ở Hàn Quốc và sau đó là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan... Những năm gần đây, loài hoa này cũng nhiều lần xuất hiện ở khắp nơi như trên thân cây, cửa kính, tủ gỗ trên khắp các tỉnh thành của trong cả nước như Nghệ An, Quảng Ngãi, Hải Phòng, TP.HCM...
Hoa ưu đàm hay còn gọi là ưu đàm Bà La hoa với ý nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ trời”. Theo truyền thuyết của Phật giáo, hoa chỉ khai nở theo chu kì 3.000 năm một lần.
Tuy vậy, lại có tài liệu cho rằng, hoa ưu đàm trong Phật giáo chỉ được coi là một loại hoa trong truyền thuyết, thậm chí chưa có ai từng nhìn thấy. Loại cây này có tán đủ lớn để con người có thể ngồi được dưới gốc. Một số ý kiến cho rằng loài hoa nhỏ li ti được cho là ưu đàm thực chất chỉ là một loài nấm hoặc trứng của một loài côn trùng nào đó.
Chùm hoa li ti mọc nhiều nơi trong chùa
Theo Đại đức Thích Quảng Tánh, chuyên gia tư vấn Báo Giác ngộ, ưu đàm (tiếng Phạn là udumbara), Hán phiên âm là ưu đàm ba la, ô đàm bát la, uất đàm … dịch nghĩa là linh thụy hoa (điềm lành linh thiêng), không khởi hoa.
Theo một số kinh điển Phật giáo Bắc truyền, ưu đàm là một loại cây thiêng, ba ngàn năm mới nở một lần, mỗi lần hoa nở báo hiệu điềm lành Phật ra đời hay Chuyển luân Thánh vương xuất hiện. Từ điển Phật học Huệ Quang ghi: “Ưu đàm, tên khoa học Ficus Glomerata, thực vật ẩn hoa thuộc họ Cây dâu. Thân cây cao hơn 3 mét”.
Còn trong từ điển Phật học Hán Việt (NXB Khoa Học Xã Hội) ghi: “Cây ưu đàm mọc ở các nơi như núi Himalaya, cao nguyên Deccan và nước Sri Lanka … Thân cây cao hơn một trượng. Lá có hai thứ: một thứ phẳng trơn, một thứ thô nhám, cả hai thứ đều dài khoảng 4,5 tấc, nhọn đầu. Hoa lưỡng tính rất bé, mọc kín ở lõm sâu trong đài hoa, nên thường nhầm là loại cây không hoa. Hoa xếp như nắm tay hoặc như ngón tay cái, thành chùm hơn chục đóa, ăn được nhưng vị không ngon”.
Trong Kinh tạng Pàli, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch và chú giải ưu đàm là cây sung, nên những cái gọi là “hoa ưu đàm” mọc khắp nơi hiện nay chắc chắn không phải là hoa ưu đàm theo như kinh Phật đã nói. "Khi các nhà khoa học chưa nghiên cứu và định danh “hoa” lạ thì chúng ta cũng không nên tùy tiện gọi chúng là hoa ưu đàm, một biểu tượng thiêng liêng trong Phật giáo", Đại đức Thích Quảng Tánh chia sẻ.
Một số hình ảnh về hoa được cho là ưu đàm ở chùa Bồng Lai:
Nhiều người dân hay tin đến để xem hoa 3.000 năm mới nở một lần
Hoa có hình chuông, màu trắng thân mảnh như sợi tơ
Hoa mọc trên là cây trang trí ở chùa
Vì hoa rất nhỏ nên cần phải rọi đèn mới thấy tỏ
Tuyền Lâm (PLO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.