Làm ăn èo uột, đại gia Bình Dương bán cây “vàng trắng” thu hơn 400 tỷ

Quang Sơn Thứ ba, ngày 26/02/2019 15:35 PM (GMT+7)
Giá bán mủ cao su suy giảm, các doanh nghiệp trồng cao su gặp khó trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh truyền thống.
Bình luận 0

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2018. Cao su từng một thời được ví như “vàng trắng”, tuy nhiên giá mủ cao su trong thời gian gần đây đã suy giảm mạnh khiến người dân lao đao.

Trong bối cảnh đó, “đại gia” cao su tại Bình Dương vẫn liên tục báo lãi khởi sắc và tăng trưởng mạnh. Kết quả này có được là nhờ công ty đã “kiếm đậm” từ việc thanh lý các tài sản cố định, trong đó có gỗ cao su.

Cụ thể, trong quý 4, PHR đạt doanh thu gần 674 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng mạnh 48%, PHR chỉ thu về khoản lợi nhuận gộp là gần 78 tỷ đồng, sụt giảm tới 41% so với cùng kỳ năm trước.

img

Hoạt động kinh doanh chính của Phước Hòa suy giảm mạnh trong năm 2018

Tuy nhiên, nhờ khoản lãi tiền gửi, cổ tức và lợi nhuận được chia, doanh thu tài chính của PHR tăng mạnh từ 20,9 tỷ đồng lên 108,6 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2018, PHR đang gửi ngân hàng gần 1.300 tỷ đồng ở các kỳ hạn khác nhau.

Đáng chú ý, tương tự như các quý gần đây, PHR ghi nhận khoản thu nhập khác lên tới 102,7 tỷ đồng, chủ yếu do thanh lý cây cao su.

img

Thanh lý cây cao su mang lại cho Phước Hòa khoản lợi nhuận cả trăm tỷ đồng trong năm 2018

Sau khi trừ đi các loại chi phí, trong quý 4, cao su Phước Hòa ghi nhận khoản lãi ròng 239,4 tỷ đồng, tăng gần 160% so với cùng kỳ năm 2017. Theo lý giải của công ty, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính sụt giảm mạnh là do giá bán mủ cao su giảm, tuy nhiên nhờ thu nhập cổ tức từ liên doanh liên kết tăng cao, chi phí trả lãi giảm và đặc biệt là thu nhập từ thanh lý cây cao su, nên lợi nhuận của công ty vẫn tăng mạnh.

Tính chung cả năm 2018, PHR đạt doanh thu thuần đạt gần 1.558 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2017. Cũng nhờ chủ yếu từ thanh lý cây cao su đạt 425 tỷ đồng, PHR lãi ròng 637 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 340 tỷ đồng trong năm 2017.

Theo thông tin từ Phước Hòa về tình hình kinh doanh cao su năm 2018, công ty cho biết cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã có tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ cao su, đồng thời ảnh hưởng làm giá cao su giảm 20% so với năm 2017. Bên cạnh đó, người lao động nghỉ việc nhiều, thời tiết không thuận lợi… cũng ảnh hưởng đáng kể đến kinh doanh của PHR nói riêng và toàn ngành cao su nói chung.

Tính đến hết năm 2018, vốn chủ sở hữu của Phước Hòa đạt 2.676 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 5.086 tỷ đồng, tăng 790 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Nợ phải trả của công ty là 2.410 tỷ đồng, tăng 527 tỷ đồng so với đầu kỳ, trong đó nợ vay ngân hàng là 504 tỷ đồng.

Theo thông tin từ báo cáo nhận định cổ phiếu PHR của Chứng khoán BSC, hoạt động thanh lý gỗ cao su sẽ đóng góp lớn vào lợi nhuận của công ty với giá thanh lý trung bình khoảng 280 triệu đồng/ha. Hiện Cao su Phước Hòa vẫn còn hàng ngàn ha chưa thanh lý.

Trên thực tế, kể từ năm 2014 đến 2017, PHR đã liên tục thanh lý cây cao su và thu về các khoản lời lớn hàng trăm tỷ mỗi năm, chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng lợi nhuận của công ty này. Ngoài ra, việc chuyển đổi đất trồng cao su thành khu công nghiệp cũng là hoạt động đem lại nguồn lợi nhuận tốt cho Phước Hòa.

Xếp hạng lãi ròng 2018: Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gây “choáng”

Bức tranh doanh thu và lợi nhuận của các đại gia lớn nhất trên sàn chứng khoán đã có những thay đổi trong năm 2018.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem