Làm báo cùng Dân Việt: Xót xa nhìn "bạn của nhà nông" bị tận diệt

Phúc Lộc Thứ hai, ngày 24/02/2020 07:02 AM (GMT+7)
Gần đây, tôi có dịp đi qua nhiều vùng nông thôn thấy mà xót xa cho những chú chim nhỏ bé - thiên địch của các loại sâu bệnh, bạn của nhà nông đang bị người ta dùng nhiều thủ đoạn để săn bắt, sát hại một cách không thương tiếc.
Bình luận 0

Trước đây tôi cũng từng chứng kiến các tay bẫy chim đã sử dụng nhiều  phương tiện đánh bắt tinh vi như bẫy lưới, bẫy giật, súng săn, hoá chất, cắm câu … kể cả phương tiện hiện đại như máy khuếch đại âm thanh để dụ chim. Nhưng hồi đó chim đầy đồng, còn bây giờ thì khác, các loài chim đều hiếm hoi, đặc biệt là các loài có ích cho nhà nông. 

img

Chim bẫy được bán cho khách hành hương mua phóng sinh.

Đáng quan ngại nhất là hiện nay, nhiều tay bẫy chim đã bày ra những cách  bắt tuy đơn giản nhưng vô cùng nham hiểm, đó là cách sử dụng keo dính chim, con nào đụng tới là tiêu đời. Với cách “sát thủ” này, mỗi ngày một người có thể tóm cổ trên 100 con chim nhỏ bé, nhiều nhất là chim sẻ, chim sâu, chim yến, chim lá rụng, trao trảo, cú lý, vồng vộc, áo già, chìa vôi, hít cô… Đây là những loài chim tuy nhỏ bé nhưng có bộ lông đẹp, hót hay và có nhiều loài là thiên địch của sâu bệnh giúp nông dân bảo vệ mùa màng. 

Tôi hỏi một anh bẫy chim ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) tên Khánh: "Chim bắt được anh bán cho ai?". Anh cho biết bán cho các quán nhậu hoặc khách hành hương mua phóng sinh.

img

Chim sẻ bẫy được bán cho các quán nhậu.

img

Chim trời chở xe đi bán dạo khắp miền Tây.

Người bẫy chim chỉ cần một hũ keo mua ngoài chợ hoặc tự chế biến, một cây sào dùng chét keo vào, một con chim mồi rồi tìm nơi thanh vắng để cắm sào chờ chim bay đến nạp mạng. Có người còn sử dụng casette để phát ra âm thanh dụ chim. Cách nào cũng nham hiểm, con nào mê hoặc tiếng kêu đồng loại đáp vào cây sào tìm bạn coi như bước vào cửa tử.

Đáng buồn hơn nữa là hiện nay trên mạng người ta quảng cáo đủ các loại keo và lưới bẫy chim. Không những vậy, người bán keo còn hướng dẫn sử dụng cách hủy diệt các loài chim muông khiến ai xem qua cũng xót lòng. 

img

Cảnh tượng bẫy chim bằng keo dính chim.

Ngoài bẫy chim bằng keo, hiện nay nhiều nơi, nhất là ở nông thôn còn xuất hiện những dụng cụ sát hại chim như ná thun (nạng giàng thun) đủ loại, từ đơn giản đến “ná thái bắn siêu chuẩn”, có lực đàn hồi rất mạnh khiến cho viên đạn bắn ra rất nhanh, rất xa, có thể trúng đích ở cự ly 10 mét. Người bán gọi là ná Thái vô cùng nguy hiểm khiến cho loài chim không còn chốn dung thân.

Mỗi địa phương đều có chỉ thị nghiêm cấm săn bắt, vận chuyển, buôn bán và giết mổ động vật hoang dã trái phép, trong đó có các loài chim nhưng vì mục đích kinh doanh hoặc vì lợi nhuận cá nhân mà các tay bẫy chim cứ ra tay tàn sát khiến cho môi trường sinh thái mất cân bằng. Nay mai, lấy đâu ra thiên địch để đối phó với sâu bọ phá hoại mùa màng?

img

Các loại ná chim bày bán công khai dọc đường.

Chúng ta biết rằng một khi chim muông không còn nữa, cuộc sống sẽ trở nên buồn tẻ biết bao! Mong rằng các ngành chức năng hãy lên tiếng và có hành động ngay từ bây giờ trước khi quá muộn để cứu nguy cho những loài chim có ích, hiếm và quý, những sứ giả của miền quê thanh bình.  

Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt. 

Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; email: bandocdanviet2010@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0982340700.

Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ. 

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 5 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 01 giải ba trị giá 2 triệu đồng. Mỗi tháng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn tác phẩm có chất lượng của tháng để trao thưởng 1 triệu đồng/01 giải xuất sắc, 2 giải bài viết chất lượng 500.000 đồng/giải (Tổng giải tác phẩm chất lượng mỗi tháng là 2 triệu đồng).

Các bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem