Làm Chủ tịch Hội vẫn sản xuất giỏi

Thứ bảy, ngày 26/05/2012 09:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 8 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, anh Lò Văn San (ở bản Búc B, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) không chỉ là một cán bộ hội gương mẫu, mà còn là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Bình luận 0

Hết lòng với công tác hội

Sinh năm 1967, khi đất nước có chiến tranh, anh nông dân Lò Văn San xung phong vào bộ đội. Năm 1989, San trở về từ chiến trường Lào, với ước mơ sẽ đóng góp xây dựng kinh tế quê hương... Anh đã tích cực tham gia công tác xã và liên tục được bầu làm trưởng bản, rồi bí thư chi bộ. Làm bí thư được 2 năm, anh thấy cuộc sống của bà con nông dân trong xã vẫn còn nhiều khó khăn.

img
Với cách nuôi trâu rẽ, anh San đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo.

"Vài năm trước đây, để đi từ xã ra trung tâm huyện cực lắm. Cuộc sống của bà con chỉ phụ thuộc vào nương rẫy, nước không có để cấy lúa" - anh San bày tỏ.

Hiểu được những khó khăn của bà con, anh xin sang làm công tác ở Hội ND và được bầu làm Chủ tịch Hội ND xã. Những ngày đầu làm công tác hội, khó khăn với anh không ít. Xã Chiềng Sung có 26 bản với 3 dân tộc sinh sống, trong đó có 6 bản người Mông, còn lại là người Kinh và Thái, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 26%. Để truyền đạt những chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con thật không dễ dàng, trong khi anh lại chưa qua một trường lớp đào tạo nghiệp vụ nào.

"Tôi luôn trăn trở làm thế nào để mình có thể đến gần dân nhất, để dân bản hiểu và nghe theo lời mình nói. Và tôi nhận ra là nếu nhiệt tình và gắn bó với dân thì việc gì cũng làm được" - anh San tâm sự.

Để làm được điều này, anh San thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Công ty Cung ứng giống... tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho đồng bào cách làm ăn mới. Từ đó, bà con luôn tin, làm theo anh.

Nông dân sản xuất giỏi

Dù cuộc sống của người dân Chiềng Sung đã thay đổi, nhưng Chủ tịch Hội ND Lò Văn San nhận thấy, nếu bà con cứ loay hoay mãi với việc nương rẫy phụ thuộc vào trời đất như vậy thì sẽ không bao giờ thoát nghèo. “Cái khó ló cái khôn", anh San đã nghĩ ra cách làm rất hiệu quả là liên kết "nuôi trâu rẽ". Với hình thức này, anh sẽ bỏ vốn mua trâu rồi chia cho các hộ dân nuôi, số tiền thu được sẽ chia đôi.

Những năm tới, anh San dự định sẽ mở rộng dự án nuôi trâu rẽ, để tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ dân ở Chiềng Sung.

Ông Giàng Pa Bo - người dân tộc Mông ở bản Cả Nam (Chiềng Sung), người đầu tiên nuôi trâu theo hình thức này, cho biết: "Đối với những dân nghèo không có vốn như chúng tôi thì đây quả thật là cách làm hay và thiết thực.

Chúng tôi vừa có việc làm lại có thêm thu nhập, cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn". Cùng với ông Bo còn có 7 hộ bên huyện Sông Mã liên kết với anh San để nuôi trâu rẽ. Anh giao trâu cho các hộ nuôi, hàng tháng đến kiểm tra chất lượng và hướng dẫn bà con cách thức chăm sóc, phát hiện kịp thời bệnh cho vật nuôi.

Không chỉ vậy, anh San còn mạnh dạn đầu tư nuôi nhím. Lần đầu nghe chồng bàn nuôi nhím, vợ anh tỏ ra ái ngại và nhiều lần can ngăn, nhưng anh vẫn quyết làm, vì "không thử sao biết được". Lúc đầu chỉ nuôi 1 đôi, sau đó anh tự nhân giống và hiện gia đình anh đang nuôi 30 đôi nhím. Mỗi năm anh bỏ túi gần 100 triệu đồng. Còn với 3ha nương rẫy của gia đình, anh trồng ngô và trồng đậu xen canh, năm vừa rồi cũng thu được 27 tấn ngô và 1 tấn đậu. Như vậy, mỗi năm gia đình anh thu nhập 300- 400 triệu đồng.

Với những cống hiến và thành tích đạt được, anh San là 1 trong 4 nông dân của tỉnh Sơn La được mời tham dự Đại hội Đại biểu ND sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem