Lâm Đồng: Mời chuyên gia, về xã vùng sâu mở lớp dạy nghề

Phong Lâm Thứ tư, ngày 20/11/2019 05:05 AM (GMT+7)
Với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo nghề cho 300.000 lao động nông thôn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi ngành nghề tại chỗ, cung ứng cho các khu công nghiệp, các ngành sản xuất phi nông nghiệp và xuất khẩu lao động, tỉnh Lâm Đồng sẽ đào tạo nghề cho 26.000 - 27.000 lao động/năm.
Bình luận 0

Bà Nguyễn Thị Tường Vi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc làm vừa cấp bách vừa lâu dài. Cấp bách vì kỹ năng nghề của bà con quá thấp, không đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất; lâu dài vì việc đào tạo không thể trong ngày một ngày hai mà là một quá trình”.

img

   Công nhân hái dâu tại vườn dâu Thắng Thịnh (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng).  Ảnh: P.L

Cũng theo bà Vi, trên cơ sở chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, hàng năm, trung tâm đã xây dựng kế hoạch mở lớp với nội dung và thời gian phù hợp với yêu cầu của từng địa phương theo phương châm linh hoạt.

Hầu hết học viên là các hội viên nông dân, con em nông dân vừa tham gia sản xuất vừa học các lớp dạy nghề nên tùy vào điều kiện, trung tâm dạy nghề sẽ tiến hành mở lớp theo 2 hình thức khác nhau. Đối với những huyện, thành phố gần, trung tâm sẽ mở các lớp tập trung. Ngược lại, với các xã vùng sâu, vùng xa, trung tâm sẽ mở các lớp lưu động nhằm tạo điều kiện thuận lợi về ăn, ở, đi lại cho học viên, đồng thời gắn với mô hình thực tiễn tại các cơ sở.

“Hiện nay, cán bộ của trung tâm vẫn còn ít, chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được, vì vậy đơn vị phải liên kết, hợp đồng, mời giáo viên các các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp kỹ thuật, cao đẳng nghề… về đào tạo nghề cho người dân. Tại địa phương, từ nay đến năm 2020, chúng tôi sẽ đào tạo nghề cho 300.000 lao động nông thôn. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 26.000 - 27.000 lao động, trong đó 40% để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, 60% để chuyển đổi ngành nghề tại chỗ, cung ứng cho các khu công nghiệp, các ngành sản xuất phi nông nghiệp và xuất khẩu lao động” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết.

Được biết, từ năm 2012 - 2018, Trung tâm Đào tạo nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp phối hợp Hội Nông dân các huyện, thành phố, các ban, ngành mở 186 lớp dạy nghề ngắn hạn với hơn 14.000 học viên tham gia. Trong đó, đơn vị đã trực tiếp cấp chứng chỉ cho 182 học viên, cấp chứng nhận cho hơn 1.700 học viên, chủ yếu là các nghề sửa chữa máy nông nghiệp, cách ủ phân, bón phân, trồng dâu nuôi tằm, trống nấm… Trong số đó có hơn 2.000 học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 17% tổng số học viên).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem