Lâm Đồng: Mua bò gầy về chăm cho béo, nông dân thoát nghèo mà còn có tiền tỷ
Lâm Đồng: Mua bò gầy về chăm cho béo, nông dân thoát nghèo mà còn có tiền tỷ
Văn Long
Thứ sáu, ngày 09/10/2020 19:39 PM (GMT+7)
Từ việc nuôi vài cặp bò vỗ béo của người dân địa phương, nông dân huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã thành lập tổ hợp tác nuôi bò vỗ béo gồm 9 tổ viên. Từ đó, người dân đã tăng đàn bò lên đến gần 100 con, có thu nhập cao, phát triển kinh tế nhờ mô hình hiệu quả này.
Được sự giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà, Lâm Đồng), phóng viên Báo NTNN tìm được đến nhà ông K'Hùng (ngụ tổ dân phố Kon Tách Đăng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà). Ông Hùng được xem là người tiên phong làm mô hình nuôi bò vỗ béo tại địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao.
Được biết, ông Hùng bắt đầu nuôi bò vỗ béo từ năm 2015. Sau khi tìm hiểu các mô hình trên cả nước, ông Hùng dùng số vốn mà gia đình tích góp để mua 5 con bò đầu tiên. Sau 8 tháng chăn nuôi, ông Hùng bán bò và thu lời mỗi con 15 triệu đồng. Chính vì thấy hiệu quả từ mô hình này, ông Hùng đã bàn bạc với vợ, thế chấp sổ đỏ, tài sản vài 900 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi.
"Sau khi vay được vốn, tôi bắt tay vào phá 2ha cà phê để trồng cỏ nuôi bò. Lần đầu làm với số lượng bò lớn như vậy nên gặp khá nhiều khó khăn, từ kỹ thuật, phương pháp trồng cỏ rồi đến kỹ thuật xây chuồng bò. Nhưng mình đã bỏ một số vốn lớn ra để đầu tư thì không thể bỏ cuộc giữa chừng. Tôi bắt đầu lên các trang mạng để tìm hiểu kĩ thuật nuôi bò vỗ béo. Tích lũy kinh nghiệm dần dần rồi thành quen và thành thạo các kỹ thuật đó.
Đến nay, mỗi năm tôi xuất bán khoảng 80-100 con bò với mức giá bình quân 45 triệu đồng/con, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư con giống, thức ăn, ông lãi hơn 1 tỷ đồng"- ông Hùng chia sẻ.
Là người học hỏi được kinh nghiệm từ ông Hùng, ông Phan Đức Dũng (50 tuổi, ngụ thị trấn Đinh Văn) cũng đã có "của ăn, của để" nhờ chăn nuôi bò vỗ béo. Hiện nay, trong chuồng của gia đình ông Dũng luôn có từ 15-20 con bò.
Khi lựa chọn giống, ông Dũng thường chọn những giống bò như bò lai ngoại nhập siêu thịt như 3B (BBB), Brahman và Red angus thuần chủng của Úc và bò Chorolais của Pháp. Những loại bò này thường phát triển nhanh và có khả năng kháng bệnh tốt.
Ông Dũng cho biết thêm, hiện nay dịch bệnh khá nhiều nên người nuôi phải chú trọng khâu phòng trừ dịch bệnh, mỗi tuần phun khử trùng chuồng trại một lần, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải đóng bao để bón cho diện tích cỏ voi, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Việc xuất bán trong thời gian bao lâu hay tiền lời như thế nào sẽ phụ thuộc và thể trạng, khung xương của từng con bò. Vì vậy, người nuôi thường sẽ có cách chọn mua bò giống riêng của mình để hướng tới lợi nhuận cao nhất.
Mô hình hiệu quả
Nói về mô hình chăn nuôi bò vỗ béo này, ông K'Bin - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn nhận định: "Đây là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, xuất phát từ ông K'Hùng. Đến nay, trên địa phương đã có nhiều người dân học được cách làm hay này và thoát nghèo, xây dựng kinh tế. Chúng tôi cũng phối hợp với trung tâm khuyến nông để hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả cao nhất".
Ông K'Bin cũng cho biết, hiện Hội Nông dân thị trấn đã thành lập tổ hợp tác nuôi bò vỗ béo tại địa phương. Tổ hợp tác với 9 thành viên cùng hàng trăm con bò của các tổ viên. Trong thời gian tới, tổ hợp tác sẽ tiếp tục hướng dẫn về kỹ thuật, cách thức chăm sóc bò cho những hộ dân có ý định chuyển đổi, phát triển kinh tế.
Ông Phan Đức Dũng cũng là tổ trưởng của tổ hợp tác này cho hay, hầu hết các hộ dân trong tổ đều là người chăn nuôi tằm, nuôi lợn và làm cà phê. Nhưng vì giá trị kinh tế không cao nên đã chuyển đổi qua nuôi bò vỗ béo. Đây là hướng đi mới và có triển vọng tại địa phương. Vì vậy, người dân mong các cấp chính quyền hỗ trợ hơn nữa về các mặt để người dân làm giàu, phát triển kinh tế.
Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo
Tin cùng chủ đề: Truyền thông về giảm nghèo năm 2020
Vui lòng nhập nội dung bình luận.