10 sản phẩm lợi thế
Bơ 034 - sản phẩm có thể nói là đặc sản của huyện Bảo Lâm. Hiện nay, giá loại bơ này liên tục tăng cao, người dân trồng có thể bỏ túi từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng sau mỗi vụ thu hoạch. Đến các xã của địa phương, nhiều hộ dân đã chuyển đổi thay thế các cây trồng có giá trị thấp để trồng bơ, chủ yếu là giống bơ 034 được thị trường ưa chuộng.
Ông Đậu Văn Xuân – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Bảo Lâm cho biết: “Trong số các loại cây trồng đang được nông dân chuyển đổi tại địa phương thì cây bơ có diện tích tăng với tốc độ nhanh nhất. Hiện toàn huyện có gần 1.100ha bơ, diện tích trồng mới tăng hơn 200ha mỗi năm. Nguyên nhân là do giá bơ luôn được bán với mức giá cao, từ 50.000 - 150.000 đồng/kg, thời điểm trái mùa là 200.000 đồng/kg. Tính ra, 1ha bơ trưởng thành có thể cho thu hoạch 20 tấn quả, với giá bán cao, người nông dân có thể thu nhập hàng tỷ đồng sau khi trừ chi phí đầu tư”.
Ông Nguyễn Văn Dậu bên những quả bơ 034 đầu dòng - đặc sản của huyện Bảo Lâm. (ảnh: Văn Long)
Ông Xuân cũng cho biết, huyện Bảo Lâm đã tổ chức hội đồng đánh giá sản phẩm tham gia chương trình OCOP để chấm điểm, phân hạng sản phẩm theo bộ tiêu chí OCOP theo quy định của Thủ tướng Chính phủ với 10 sản phẩm thuộc 9 chủ thể đăng ký tham gia. Sau khi chấm điểm cho các sản phẩm ngành thực phẩm tươi sống thuộc phân nhóm rau, củ, quả, hạt tươi, cà phê và ca cao thì có 4/10 sản phẩm đạt từ 50 điểm trở lên, còn lại 6/10 sản phẩm không đạt 50 điểm.
Cụ thể, 2 sản phẩm bơ 034, bơ booth 7, cà phê rang xay được Phòng NNPTNT đề nghị UBND huyện gửi hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Dậu (51 tuổi, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) phấn khởi cho biết, hơn 2.000 cây bơ 034 đầu dòng của gia đình ông trồng với sản lượng trên 40 tấn/năm. Nếu tính giá trung bình khoảng 70.000 đồng/kg thì ông Dậu thu về khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm.
Nâng cấp sao
Trưởng Phòng NNPTNT huyện Bảo Lâm cho biết, hiện nay với 6 sản phẩm như chanh dây, sầu riêng, chăn tự dệt tơ tằm, 2 loại cà phê rang xay, macca địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để cho cá nhân, tổ chức đăng ký để nâng cấp đủ sao cho các sản phẩm trên. Bên cạnh đó, đơn vị cũng hoàn thiện hồ sơ đề nghị Sở NNPTNT tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đối với 4 sản phẩm từ 3 sao trở lên.
“Với những sản phẩm mang tính mùa vụ, các địa phương cần thu thập thông tin trước, đến mùa vụ phải làm ngay để đáp ứng yêu cầu của chương trình”- Ông Phạm Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng). |
Ngoài ra, ông Xuân cũng trăn trở không ít khó khăn trong quá trình chấm điểm, nâng cấp sao cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương. “Hiện nay, địa phương đã đề xuất và hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, tuy nhiên nhiều đơn vị, cá nhân lại không tự làm hồ sơ và thiếu vốn nên chưa nhiệt tình tham gia.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị hồ sơ cho các chủ thể gặp khó khăn, đa số cán bộ của Phòng đều phải làm thay. Tuy nhiên, hiện công việc của Phòng rất nhiều nhưng nhân lực lại thiếu, không thể làm thay hết cho các chủ thể được”- ông Xuân nói.
Ngoài ra, theo ông Xuân, đối với những sản phẩm trái cây, việc chấm điểm, đánh giá gặp khó khăn do tính mùa vụ. Chẳng hạn, đối với cây bơ 034 của huyện, nếu không đúng mùa vụ, một số chủ thể sẽ không có bơ để cho các đơn vị chức năng thẩm định, đánh giá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.