Lâm Đồng: Rừng thông 20 năm tuổi liên tiếp bị chặt phá do… giá đất tăng cao?

Văn Long Thứ năm, ngày 10/03/2022 14:35 PM (GMT+7)
Từ sau Tết đến nay, rừng thông 20 tuổi tại Thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) liên tiếp bị chặt phá để chiếm đất. Các đối tượng còn lợi dụng đêm tối, đưa cả phương tiện cơ giới ủi đường, đốt hàng chục khối gỗ để phi tang.
Bình luận 0

Ngày 9/3, ông Vương Hoàng Trụ - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai, chi nhánh Lâm Đồng xác nhận, tại tiểu khu 263B, lâm phần thuộc Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà quản lý (địa giới hành chính thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) vừa xảy ra một vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Phá rừng chiếm đất, bị bắt máy múc nhưng vẫn quay lại đốt gỗ phi tang - Ảnh 1.

Những cây thông 3 lá 20 năm tuổi bị cưa hạ nằm la liệt trên đỉnh đồi. Ảnh: Văn Long.

"Công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan điều tra, làm rõ vụ phá rừng tại tiểu khu trên. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng để hạn chế các đối tượng phá rừng tái lấn chiếm. Từ đầu năm 2022 đến nay, tại tiểu khu 263B đã xảy ra 3 vụ phá rừng, chủ yếu là để lấn chiếm đất lâm nghiệp do giá đất tại khu vực phá rừng tăng lên rất cao", ông Trụ cho biết.

Phá rừng chiếm đất, bị bắt máy múc nhưng vẫn quay lại đốt gỗ phi tang - Ảnh 2.

Các đối tượng phá rừng cắt sát gốc thông rồi dùng lá và đất lấp lên nhằm che mắt cơ quan chức năng. Ảnh: Văn Long.

Cụ thể, vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 26/2, lực lượng chức năng tiến hành mật phục vây bắt các đối tượng phá rừng, san ủi đất lâm nghiệp tại lô a3, khoảnh 1, tiểu khu 263B. Tuy nhiên, khi phá rừng, các đối tượng thường bố trí người canh. Chính vì vậy, khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường, các đối tượng đã nhanh chóng bỏ trốn.

Phá rừng chiếm đất, bị bắt máy múc nhưng vẫn quay lại đốt gỗ phi tang - Ảnh 3.

Những lóng gỗ được cắt ngắn để dễ dàng vận chuyển ra khỏi hiện trường. Ảnh: Văn Long.

Tại hiện trường, một chiếc máy múc vẫn còn đang nổ máy được các đối tượng phá rừng bỏ lại. Bên cạnh đó, 41 cây thông đường kính từ 15-40cm bị cưa hạ sát mặt đất. Phần thân những cây thông được cắt ngắn, đưa xuống vườn cà phê cách hiện trường khoảng 20 m.

Phá rừng chiếm đất, bị bắt máy múc nhưng vẫn quay lại đốt gỗ phi tang - Ảnh 4.

Những cây thông được trồng từ năm 2002 bị cưa hạ không thương tiếc. Ảnh: Văn Long.

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, các đối tượng phá rừng còn mở 1 con đường dài 78 mét, rộng 2,5 mét trên đất lâm nghiệp. Những gốc thông bị cắt sát gốc được các đối tượng phá rừng lấp đất lên bề mặt để che mắt lực lượng chức năng. Ngoài ra, những gốc thông nằm trên con đường mới mở đã được đào hố chôn xuống đất.

Phá rừng chiếm đất, bị bắt máy múc nhưng vẫn quay lại đốt gỗ phi tang - Ảnh 5.

Con đường giữa rừng thông được các đối tượng phá rừng san ủi nhằm mở đường chiếm đất. Ảnh: Văn Long.

Qua quá trình kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định có khoảng 10,470 m3 gỗ thông bị thiệt hại trên diện tích hơn 1.300 m2 đất lâm nghiệp. Đặc biệt, sau khi lực lượng chức năng đưa chiếc máy múc ra khỏi rừng, đến khoảng 4 giờ sáng ngày 27/2, các đối tượng phá rừng lại quay lại hiện trường dùng lốp xe đốt gỗ phi tang.

Phá rừng chiếm đất, bị bắt máy múc nhưng vẫn quay lại đốt gỗ phi tang - Ảnh 6.

41 cây thông 20 năm bị các đối tượng phá rừng cưa hạ sát gốc. Ảnh: Văn Long.

Cũng tại tiểu khu 263B, 2 vụ phá rừng khác cũng được cơ quan chức năng phát hiện với hơn 80 cây thông 3 lá 20 năm tuổi bị cưa hạ, đốt gốc. Tại hai khu vực này, các đối tượng phá rừng đã làm hơn 12 m3 gỗ thông bị thiệt hại trên diện tích hơn 1.400 m2.

Phá rừng chiếm đất, bị bắt máy múc nhưng vẫn quay lại đốt gỗ phi tang - Ảnh 7.

Hiện trường một vụ phá rừng cũng xảy ra tại tiểu khu 263B. Ảnh: Văn Long.

Ông Trần Phú Cường – Chủ tịch UBND Thị trấn Nam Ban - cho biết: "Đêm 26/2, nhận được tin báo phối hợp của Ban Quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà, chúng tôi đã huy động lực lượng hỗ trợ truy bắt các đối tượng phá rừng. Tuy nhiên, các đối tượng phá rừng thường có người cảnh giới, khi lên đến nơi thì không xác định được đối tượng. Chúng tôi đã đưa chiếc máy múc là phương tiện phá rừng về ủy ban thị trấn phục vụ công tác điều tra".

Phá rừng chiếm đất, bị bắt máy múc nhưng vẫn quay lại đốt gỗ phi tang - Ảnh 8.

Chiếc máy múc, tang vật của vụ san ủi, phá rừng trái phép được đưa về UBND thị trấn Nam Ban. Ảnh: Văn Long.

Liên quan đến vụ việc trên, UBND huyện Lâm Hà đã giao Công an huyện phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ đối tượng tổ chức san ủi lấn chiếm đất rừng, phá rừng tại khu vực trên.

Người dân địa phương cho biết, giá đất tại khu vực thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà tăng lên chóng mặt trong thời gian qua. 1.000 m2 đất tại khu vực này có giá lên đến hơn 1 tỷ đồng, chính vì vậy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp thường xuyên xảy ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem