Hút cát đến đâu, sạt lở đến đó
Hơn 1 tháng trở lại đây, trên sông Đồng Nai đoạn qua các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), tình trạng hút cát của các doanh nghiệp, cá nhân đã tái diễn trở lại khiến nhiều diện tích đất của người dân bị sạt lở, cuốn trôi xuống nước.
Những ngày giữa tháng 9, mưa lớn cũng là thời gian các thuyền hút cát hoạt động hết công suất, uy hiếp trực tiếp đến diện tích đất của các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ sông.
Nhiều diện tích đất của người dân hai huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh bị nước cuốn trôi khi tàu cát hoạt động trở lại.
Tại xã Đức Phổ (huyện Cát Tiên), bà Nguyễn Thị Ấn cho biết: “Cách đây không lâu, tàu cát hút chỗ vườn của tôi, tôi có mời đến ủy ban làm việc và đuổi họ đi, nhưng họ đi chỗ khác hút thì chỗ đó bị sạt lở ngay”.
Một phần diện tích đất của gia đình bà Ấn bị sạt lở do tàu hút cát tái hoạt động.
Không chỉ xã Đức Phổ mà tại xã Phước Cát 2, tình trạng này cũng đang diễn ra tràn lan. Bà Nguyễn Thị Phú (thôn Vĩnh Ninh) bị sạt lở gần 5 sào đất trồng dâu tằm và trồng cỏ nuôi bò, bức xúc nói: “Gia đình người ta thì có người canh tàu cát để xua đuổi, còn gia đình tôi thì chỉ có hai mẹ con. Cách đây khoảng 1 tuần, khi nghe người dân thông báo có tàu hút cát dưới vườn thì tôi liền về xua đuổi tàu cát. Về tới vườn nghe máy của ghe tàu nổ ầm ầm, trước mắt là 3 con tàu hút cát cỡ lớn thọc vòi thẳng vào đất vườn để hút cát mà tôi có xua đuổi cỡ nào bọn chúng cũng không đi”.
Người dân cho rằng đất nông nghiệp của họ bị sạt lở là do các tàu cát hút quá gần bờ.
Còn tại huyện Đạ Tẻh, ông Nguyễn Văn Nghĩa (thôn 9, xã Đạ Kho) bức xúc cho biết: “Từ khi các tàu hút cát trở lại, nhà tôi có đến 1.000m2 đất bị cuốn trôi xuống sông. Giờ ở cuối vườn dâu của gia đình đã hình thành một hàm ếch dài khoảng 10m”.
Ông Nghĩa cho biết thêm, trước kia khi các doanh nghiệp bị cấm khai thác cát thì vườn của gia đình ông không sao, sau khi các tàu cát được cấp phép hoạt động trở lại khiến vườn của nhà ông liên tục bị sạt lở. Ông Nghĩa cho rằng, nguyên nhân là do các tàu thọc ống vào sát mép vườn của ông để hút cát.
Vườn dâu của ông Nguyễn Văn Nghĩa (Đạ Tẻh) cũng bị sạt lở do các cá nhân, doanh nghiệp được cấp phép hút cát trở lại.
Theo tìm hiểu của PV, riêng huyện Cát Tiên có 5 đơn vị (4 doanh nghiệp, 1 cá nhân) có giấy phép khai thác \thời hạn đến cuối năm 2018, gồm DNTN Xuân Trường, DNTN Xuân Hà, Công ty TNHH Mạnh Hà, Công ty TNHH TM-SX-DV Thanh Hằng, ông Nguyễn Tiến Dương với công suất khai thác 65.100 m3/năm.
Được biết từ tháng 5.2018, 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước đã thống nhất cho phép 16 giấy phép khai thác cát còn hiệu lực hoạt động của các doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai ở vùng giáp ranh đến hết năm nay. Khi người dân kiến nghị, Công an và Phòng TNMT các huyện tới kiểm tra nhưng không giải quyết được, doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác cát.
Cho vét đến hết năm
Ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, cho biết: "Ngày 22.6.2017, Sở đã có báo cáo đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tạm dừng khai thác cát trên sông Đồng Nai (3 tháng đối với đoạn qua huyện Đạ Tẻh và 2 tháng đối với huyện Cát Tiên). Mục đích tạm dừng để khảo sát, đánh giá, xác định trữ lượng còn lại, độ sâu, hiện trạng khu vực (khu vực nào sạt lở, khu vực nào có nguy cơ sạt lở, khu vực nào không bị sạt lở)… làm cơ sở cho phép tiếp tục khai thác".
Trên cơ sở báo cáo đánh giá của đơn vị tư vấn (Đoàn Địa chất I - Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường), tỉnh Lâm Đồng cùng 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước đã họp, thống nhất cho tiếp tục khai thác đến 31.7.2018 (đối với những đoạn sông còn trữ lượng, không bị sạt lở).
Sau đó kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định, yêu cầu. Trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp, nếu vi phạm sẽ thu hồi giấy phép, nếu không vi phạm sẽ cho tiếp tục khai thác đến tháng 12.2018. Giấy phép do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp hạn chế phương tiện bơm hút, chỉ cho phép 1 tàu bơm hút cát/giấy phép.
Tuy nhiên, trên thực tế thì không như vậy. Ông Đoàn Ngọc Nam - Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên), cho rằng: Cấp phép là thế nhưng không có đơn vị nào giám sát trữ lượng khai thác của các công ty, vì vậy rất khó xử lý, mặc dù lúc cao điểm có tới hàng chục tàu hút cát trên sông.
Một tàu hút cát ngay cạnh bờ sông khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Ông Nam cũng cho biết, trên địa bàn xã có tới hơn 100 vị trí sạt lở. Đơn cử như tại thôn Vĩnh Ninh có tổng diện tích sạt lở hơn 10.000 m2. Tại thôn Phước Thái cũng xuất hiện tàu hút cát trái phép khai thác vào ban đêm và gây sạt lở 14 vị trí của 9 hộ, với tổng diện tích thiệt hại 4.479 m2.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho biết từ tháng 2 – 7.2018, huyện đã xử phạt 26 trường hợp vi phạm khi khai thác cát trên sông với tổng số tiền gần 120 triệu đồng. Các trường hợp bị xử phạt đều có giấy phép, chỉ một trường hợp tàu không số khai thác trái phép và mắc lỗi giao thông.
“Đối với các giấy phép còn hạn sẽ cho khai thác đến hết năm 2018 và sẽ không cấp mới, gia hạn thêm cho các doanh nghiệp cá nhân nào nữa”, ông Phúc nói.
Còn ông Nguyễn Duy Thái – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đạ Tẻh cho biết, đoạn sông Đồng Nai được phép khai thác kéo dài khoảng 19km, đi qua địa bàn các xã Đạ Kho, Đạ Lây, Hương Lâm, An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh. “Khi nhận được phản ánh của người dân, phòng đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, ghi nhận và cũng lập biên bản nhắc nhở một doanh nghiệp vi phạm tăng thêm 1 tàu hút cát so với quy định”, ông Thái nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.