Việc chuyển đổi này đã được thực hiện từ cách đây khoảng 7 năm. Hiện tại, nhiều vườn tái canh cà phê từ 5 – 7 năm trước ở Bảo Lâm, Di Linh… đã minh chứng cho hiệu quả của việc “đi trước đón đầu” của tỉnh Lâm Đồng.
Tại Bảo Lâm, nhiều vườn cà phê sau tái canh đã cho năng suất tăng từ trên dưới 2 tấn trước đó lên 5 – 7 tấn/ha hiện nay; cá biệt có vườn đạt đến trên 8 tấn/ha. Tuy nhiên, cũng là vườn tái canh những năm trước nhưng ở một số địa phương, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rải rác vẫn có những hộ chỉ thu hoạch được với năng suất trên dưới 2,5 tấn/ha. Theo các cán bộ phòng nông nghiệp, nguyên nhân chính khiến cho cà phê sau cải tạo vẫn cho năng suất thấp là do bà con tự túc cây giống, chất lượng nguồn cây giống không đảm bảo.
Không ai đảm bảo năng suất cà phê trong dân được trồng bằng giống trôi nổi.
Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, để cải tạo 23.000ha cà phê, cả tỉnh cần đến 41,3 triệu chồi giống và 11,3 triệu cây giống robusta (cà phê vối) chất lượng cao. Trong khi đó, hiện 80 cơ sở sản xuất cây giống (có chứng nhận) trên địa bàn tỉnh này mỗi năm chỉ sản xuất được 3,5 triệu cây giống các loại.
Gần đây, thực hiện chương trình phát triển cây giống công nghiệp của tỉnh, trên địa bàn Lâm Đồng đã hình thành 8 điểm vườn sản xuất chồi giống và 8 vườn sản xuất cây giống với năng lực mỗi năm cung cấp cho thị trường 1,2 triệu chồi giống và 1 triệu cây giống cà phê các loại.
Như vậy, theo cách tính của các chuyên viên của Sở NNPTNT Lâm Đồng thì mỗi năm cả tỉnh chỉ cung cấp cho thị trường khoảng 6 triệu chồi giống và cây giống cà phê – một con số khá thấp so với nhu cầu thực tế (17 triệu chồi giống và cây giống). Bởi vậy, việc tự túc giống cà phê trong dân là điều không quá khó hiểu.
Võ Khắc Dũng (Võ Khắc Dũng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.