Lâm Đồng: Thôi dạy nhạc về nuôi hươu, làm thế nào mà cựu thầy giáo tạo ra doanh thu 80 tỷ đồng/năm?

Văn Long Thứ bảy, ngày 12/03/2022 17:27 PM (GMT+7)
Từ công việc ổn định là giáo viên dạy âm nhạc, nhưng anh Lê Xuân Sinh (40 tuổi, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) lại chọn cách về liên kết với người dân nuôi hươu, tạo ra doanh thu 80 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Bước ngoặt trong đời

Dù đã biết thầy giáo Lê Xuân Sinh từ trước, nhưng sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, phóng viên mới có cơ hội cùng anh đến một trang trại của người dân đang liên kết với anh nuôi hươu. 

Được biết, hiện nay anh Sinh là chủ của trang trại nhung hươu Trường Sinh (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng). Trang trại đang có chuỗi liên kết với người dân tại 12 huyện thành phố của Lâm Đồng và 20 tỉnh thành lân cận nuôi hươu lấy nhung.

Thôi dạy nhạc, về nuôi hươu, nên tỷ phú xứ hoa - Ảnh 1.

Anh Lê Xuân Sinh bên một chú hươu chuẩn bị cho cắt nhung tại trang trại của mình. Ảnh: V.L

Dẫn phóng viên đến trang trại của anh Bùi Thanh Liêm (xã Gia Hiệp, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), một gia đình liên kết với công ty của anh để nuôi hươu, anh Sinh cho biết: "Chuồng trại nuôi hươu khá đơn giản, thức ăn lại càng đơn giản, được tận dụng triệt để những cây trong vườn.

Vì vậy, chi phí khi nuôi hươu của người dân tại Lâm Đồng khá thấp, nhưng giá bán nhung trên thị trường lại ổn định và cao nên người dân có lợi nhuận khá lớn".

Anh Bùi Thanh Liêm cũng cho biết, hiện nay tại Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, có rất nhiều mô hình chăn nuôi và trồng cây nông nghiệp. Tuy nhiên, mô hình nuôi hươu đang rất ổn định, lợi nhuận cao mà ít rủi ro.

Chỉ một chú hươu có cặp nhung sắp đến ngày cắt, anh Sinh tâm sự: "Trước đây tôi là giáo viên dạy âm nhạc. Sau khi thi đậu ngành âm nhạc, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt năm 2003 nhưng tôi lại cảm thấy lo lắng và có đôi lúc nghĩ sẽ nghỉ học. Tiền ăn, tiền học phí và đủ thứ tiền khác khi đi học trong khi gia đình còn khó khăn. 3 năm sau tôi ra trường và xin được đi dạy môn âm nhạc. Công việc này thời điểm đó đối với tôi và gia đình khá là ổn định. Thế nhưng đến giờ tôi vẫn không ngờ mình lại nghỉ dạy".

Anh Sinh tiết lộ, năm 2008, khi vẫn đang đi dạy thì có cơ hội đến thăm nhà của một người bạn học tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) có nuôi 4 con hươu. Nói chuyện thì mới biết giá bán nhung hươu khá cao vào thời điểm đó, hươu lại khỏe mạnh, dễ nuôi.

"Sau khi tìm hiểu khá kỹ, năm 2009, tôi đã quyết định làm chuồng trại, vay mượn người thân để mua 30 con hươu trưởng thành về nuôi. Trong năm đó, tôi đã thu được 300 triệu đồng từ đàn hươu ban đầu. Tiếp đà chiến thắng, năm 2010, tôi tiếp tục dồn toàn bộ vốn vào mở rộng trang trại lên 200 con. Quá đam mê với nghề nuôi hươu, mùa hè năm 2012, tôi đã làm đơn xin nghỉ dạy để tập trung làm kinh tế. 

Đến nay, sau 14 năm bắt đầu với những con hươu đầu tiên, tôi đã thành lập được trang trại nhung hươu Trường Sinh với hàng chục cơ sở tại Lâm Đồng"- anh Sinh phấn khởi nói.

Cho hươu ăn lá dược liệu

Thôi dạy nhạc, về nuôi hươu, nên tỷ phú xứ hoa - Ảnh 3.

Anh Liêm bẻ những cành lá đinh lăng trồng trong vườn của mình về cho đàn hươu ăn. Ảnh: V.L

Tại trang trại của anh Bùi Thanh Liêm, phóng viên tận mắt được chứng kiến những chú hươu ăn lá đinh lăng, chùm ngây, lá mít, lá chuối...

Anh Sinh cho biết: "Vào mùa sinh sản của hươu cái và mùa cắt nhung của hươu đực thì tôi bổ sung thêm cho chúng ăn các loại tinh bột như ngô, đậu tương, gạo nếp, đậu xanh để tăng sức đề kháng cho hươu. Đặc biệt hơn, 8 năm trở lại đây, toàn bộ các cơ sở, chi nhánh của trang trại đã bổ sung thêm cho hươu ăn các loại lá dược liệu để tăng chất lượng của nhung hươu khi đưa ra thị trường".

Trao đổi với phóng viên, anh Bùi Thanh Liêm cho biết: "Cách đây 5 năm, tôi đang là một kỹ sư xây dựng. Thế nhưng, tình cờ biết đến chuỗi liên kết nuôi hươu của trang trại nhung hươu Trường Sinh, tôi đã quyết đi tìm anh Sinh để chuyển hướng. 

Sau khi bàn bạc, tôi quyết định nghỉ việc về huyện Di Linh nuôi hươu trên diện tích hơn 1ha đất trồng cà phê của gia đình. Hiện nay, với 60 con hươu (hơn một nửa đang cho khai thác nhung) thì mỗi năm tôi có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài nuôi hươu lấy nhung, trong thời gian sắp tới, tôi sẽ thuần hóa hươu nhỏ để làm "thú cưng" cho khách hàng có nhu cầu".

Anh Liêm cũng cho biết, hiện nay tại Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, mô hình nuôi hươu đang rất ổn định, lợi nhuận cao mà ít rủi ro. Thời điểm hiện tại, một cặp hươu giống con có giá thành khoảng hơn 20 triệu đồng, 1 cặp hươu trưởng thành sẽ có giá khoảng 50 triệu đồng. 

Tuy nhiên, anh Lê Xuân Sinh luôn tư vấn người dân chọn hươu trưởng thành để dễ chăm sóc, không bị bệnh, nhanh thu hoạch.

Ngoài cung cấp nhung hươu tươi cho thị trường trong nước, anh Sinh hiện đang xuất khẩu nhung hươu sang Nhật Bản qua một công ty trung gian. Bên cạnh đó, ông chủ 8X này còn chế biến các sản phẩm như nhung hươu ngâm rượu, nhung hươu sấy và nhung hươu cắt lát.

Hiện, toàn bộ số lượng nhung hươu tươi trong toàn hệ thống trang trại Nhung hươu Trường Sinh đều được đặt trước từ 1-2 tháng nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Chính vì vậy, anh Sinh luôn luôn muốn mở rộng các chi nhánh, cơ sở liên kết để có thêm nhung hươu cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. 

Đến nay, với tất cả các chi nhánh tại Lâm Đồng và 20 tỉnh lân cận thì toàn trang trại của anh Sinh có doanh thu khoảng 80 tỷ đồng/năm. Trong những năm sắp tới, doanh thu của trang trại nhung hươu Trường Sinh sẽ tiếp tục tăng lên với số lượng hươu trưởng thành đang lớn mạnh.

"Hươu là loài động vật khỏe mạnh, thế nhưng có hai bệnh tiêu chảy và khô mũi là chúng thường gặp. Bệnh khô mũi thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi đột ngột, người nuôi phải dùng chính những lá dược liệu kể trên để xông hơi mũi cho hươu, không được sử dụng thuốc kháng sinh. Còn bệnh tiêu chảy ở hươu là do thức ăn của chúng thay đổi đột ngột, ẩm ướt nhiều. Chính vì vậy, toàn bộ các cơ sở phải tuân thủ nghiêm ngặt việc không sử dụng cám công nghiệp và thuốc kháng sinh" - anh Liêm vừa cầm cành lá mít cho hươu ăn vừa chia sẻ.

Theo anh Lê Xuân Sinh, nhung hươu tươi có rất nhiều tác dụng đối với người sử dụng như tăng cường sinh lý nam nữ, bổ thận, bổ máu, làm chậm quá trình lão hóa các tế bào, chữa bệnh khó ngủ ở người cao tuổi. Bên cạnh đó, nhung hươu còn giúp trẻ em tăng cân tự nhiên, phát triển cơ thể và trí tuệ, lọc máu, tăng cường hệ miễn dịch.

Các nghiên cứu cho thấy, nhung hươu còn bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết như canxi giúp cho hệ xương khớp luôn chắc khỏe, giúp tái tạo phần sụn khớp. Ngoài ra, nhung hươu còn giúp hạn chế nguy cơ loãng xương, giảm thiểu tổn thương cho hệ xương khớp, giúp xương thêm chắc khỏe và dẻo dai. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem