Trồng quýt bán được giá, vì sao người dân tại thủ phủ quýt D'ran vẫn không vui?
Lâm Đồng: Quýt đang bán được giá, vì sao người dân thủ phủ quýt D'ran phải chặt bỏ cả cây?
Văn Long
Thứ năm, ngày 13/01/2022 13:05 PM (GMT+7)
Dù giá quýt các loại tại thị trấn D'ran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đang có xu hướng tăng nhiều vào dịp cận Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 nhưng người dân tại đây vẫn đang đau đầu vì căn bệnh vàng lá, thối rễ.
Khác hẳn với cùng thời gian này 2 năm trước, phóng viên báo điện tử Dân Việt đến thủ phủ trồng quýt của thị trấn D'ran là thôn Phú Thuận thì hiện người dân tại đây khá buồn với căn bệnh vàng lá, thối rễ trên cây quýt.
Những vườn quýt vàng rực vào cuối dịp năm trước đây thì nay đã bị cắt bỏ hay nhổ cả gốc. Hiện nay, giá quýt xô được thương lái thu mua khoảng 10.000 đồng/kg, cao hơn so với năm 2021.
Chạy xe gắn máy trên con đường mòn nhỏ lên ngọn đồi cao tại thôn Hầm 2, thị trấn D'ran, chúng tôi có mặt tại vườn quýt đã hơn 20 năm của gia đình bà Lê Thị Ánh Minh (54 tuổi). Thời điểm này gia đình bà Minh đang cắt lựa quýt đường để bán cho thương lái với giá khoảng 25.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, bà Minh cũng không dám để dành quýt đến sát Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 vì giá nhân công rất đắt, lên đến 500.000 đồng/ngày công. Chính vì vậy, thời điểm này bà Minh cùng con trai vẫn cắt quýt để bán cho thương lái.
Bà Minh cho biết: "Giờ dịch như thế này, ai mua bao nhiêu thì mình bán bấy nhiêu thôi, không dám để đến Tết. Rút kinh nghiệm những năm trước, một ngày tôi phải thuê từ 10-15 công hái quýt, thu hoạch xong cũng mất hàng chục triệu tiền công, xót lắm nhưng phải chịu. Vì vậy, giờ có bao nhiêu mình cứ cắt bấy nhiêu. Giờ này mấy năm trước là các thương lái đã đi các vườn để mua quýt rồi, nhưng năm nay thì ít lắm".
"Năm ngoái, tôi phải đổ bỏ khoảng 8 tấn quýt vì dịch Covid-19. Thương lái đã vào tận vườn đặt mua quýt, hẹn cắt vào ngày 23 Tết. Thế mà đùng một cái, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến thương lái không đến cắt quýt. Thế là tôi phải để đến qua Tết rồi cắt bỏ, không thu được đồng nào", bà Minh buồn bã nói.
Gia đình bà Minh hiện nay đang trồng 2ha quýt các loại như quýt đường, quýt tiều... Với diện tích trên, gia đình bà Minh trồng được khoảng gần 1.000 cây quýt, sản lượng mỗi năm khoảng 20 tấn. Tuy nhiên, thu nhập từ cây quýt cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường.
Trong khi đó, ông Đỗ Trọng (56 tuổi, Phú Thuận, thị trấn D'ran) cũng cho hay, khoảng 2 năm nay, nhiều diện tích quýt của người dân địa phương đã bị bệnh vàng lá thối rễ khiến cây bị hỏng, không thể phục hồi phải cắt bỏ cây. Chính vì vậy, trong vùng diện tích trồng quýt đã giảm trong khoảng 2-3 năm nay.
Đối với loại bệnh vàng lá thối rễ này, ông Trọng cho biết chỉ có thể phòng trừ, nếu bị rồi thì bệnh rất dễ lây lan qua các cây khác, gây thiệt hại lớn. Vì vậy, người trồng cần làm sao để đất thoáng khí, không bị úng nước, không lạm dụng phân hóa học thì dễ dàng phòng bệnh.
Bà Minh lại cho biết, nếu cây bị bệnh trên, người trồng quýt cần cố gắng cứu bộ rễ của cây, sau đó cắt bỏ phần ngọn của cây rồi ghép mầm khác vào. Cách làm này vừa rút ngắn được thời gian trồng cây mới mà lại không tốn công chăm sóc nhiều.
Ngoài ra, trong vườn của bà Minh sử dụng những chiếc chai nhựa nhỏ treo trên cây. Bên ngoài những chiếc chai sẽ được xịt một loại keo dính, ruồi muỗi, bọ trĩ khi dính vào sẽ không thể thoát ra được.
Từ đó, cây quýt sẽ tránh được các loại sâu bệnh trên, giúp năng suất cây quýt được ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.