Nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh
OCOP là Chương trình quốc gia về tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm hàng hóa, sản phẩm dịch vụ, du lịch đặc trưng có lợi thế của từng địa phương, đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của chương trình, được đánh giá và xếp hạng sản phẩm theo bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP theo cấp độ từ 1 đến 5 sao.
Hồng sấy gió (theo công nghệ Nhật Bản), sản phẩm đặc trưng của TP.Đà Lạt. V.L
Chương trình OCOP tại Lâm Đồng được thực hiện với tổng số vốn khoảng hơn 13 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 8 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các đơn vị tham gia với khoảng 5,5 tỷ đồng (chiếm 49,9%).
|
Từ kinh nghiệm và thành công của Chương trình OCOP thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh, Ban chỉ đạo T.Ư các chương trình mục tiêu quốc gia nâng cấp thành chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm và triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Trong đó, Lâm Đồng là 1 trong 9 tỉnh, thành phố đại diện cho vùng kinh tế được chọn chỉ đạo điểm triển khai thực hiện OCOP giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2030.
Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 được phê duyệt kế hoạch thực hiện với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Ông Phạm Hưng - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Từ mục tiêu của chương trình tại tỉnh, chúng tôi xác định phát triển các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh để thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm”.
Ông Hưng dẫn chứng, qua kết quả khảo sát, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 85 sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có hơn 40 loại sản phẩm đặc trưng thuộc các nhóm như thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, đồ lưu niệm - nội thất - trang trí.
Được biết, phần lớn các sản phẩm có thế mạnh, truyền thống của tỉnh được tiêu thụ ở thị trường nội địa chiếm khoảng 80%, trong đó tại TP.HCM chiếm 50%, còn lại là một số tỉnh miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, cà phê Arabica của TP.Đà Lạt được đánh giá là cà phê ngon nhất Việt Nam và đã được Công ty Starbucks lựa chọn và bán ra thị trường với thương hiệu Starbucks Reserve Viet Nam Đà Lạt từ tháng 1/2016.
Doanh thu bình quân giai đoạn 2014 - 2017 của nhóm sản phẩm này đạt trên 2.700 tỷ đồng (chiếm 4,7% tổng mức bán lẻ hàng hóa).
Phải liên kết với dân
Cũng theo ông Hưng, mục tiêu của Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 của Lâm Đồng là đánh giá, cấp chứng nhận và xếp hạng ít nhất 20 loại sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm của 12 huyện, thành phố. Trong đó, chủ thể thực hiện là lấy kinh tế hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm nòng cốt liên kết với tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất kinh doanh.
“Khi thực hiện chương trình phải đảm bảo theo 3 nguyên tắc. Một là, hành động địa phương đến toàn cầu: Sản phẩm được chấp thuận ở cấp độ toàn cầu phản ánh niềm tự hào của văn hóa, tính đặc trưng của địa phương. Hai là, tự lực, tự tin, sáng tạo: Lựa chọn sản phẩm phù hợp và tổ chức sản xuất theo cách đặc trưng nhất của địa phương, khuyến khích tính sáng tạo, phát huy tối đa từ lợi thế cộng đồng. Ba là, đào tạo nguồn nhân lực: Trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các đơn vị tham gia chương trình từ khâu tạo vùng nguyên liệu, xây dựng ý tưởng, tổ chức sản xuất, chế biến, thiết kế bao bì, quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm…” - ông Hưng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.