Lạm dụng thuốc “tỉnh táo” trước ngày thi: Hậu quả khó lường với sĩ tử

Tùng Anh - Diệu Linh Thứ tư, ngày 09/07/2014 07:17 AM (GMT+7)
Để tỉnh táo ôn tập và làm bài thi khi bước vào kỳ thi ĐH - CĐ, nhiều sĩ tử đã tìm đến các loại thuốc, cao dán, thực phẩm chức năng có tác dụng chống buồn ngủ, tăng cường trí nhớ, hỗ trợ thần kinh… Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc đã gây nhiều hậu quả.
Bình luận 0

Mệt nhoài vì thuốc “tỉnh táo”

Em Nguyễn Thị Hương (Nam Sách, Hải Dương) dự thi khối C vào khoa Văn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Để ôn thi các môn xã hội dài và nhiều kiến thức, mấy tháng nay, đêm nào Hương cũng phải thức học đến 1 – 2 giờ sáng.

“Học vào ban đêm khá hiệu quả, tuy nhiên em chỉ tỉnh táo được đến 23 giờ là buồn ngủ rũ rượi. Chị họ em là sinh viên năm cuối Trường ĐH Luật có đưa cho em mấy miếng cao dán chống buồn ngủ, bao bì ghi bằng tiếng Nhật. Mấy hôm đầu em dán thấy tỉnh táo, học bài rất vào, nhưng khi không dùng cao dán nữa thì em lại thấy rất ức chế và buồn bực chân tay”- Hương nói.

Tương tự, Nguyễn Văn Công – thí sinh Trường ĐH Công đoàn cũng tự tìm mua trên mạng loại cao dán chống buồn ngủ này. Tuy nhiên, Công cho biết: “Hiện em không dám dùng nữa vì sau khi thuốc hết tác dụng em lại cảm thấy mệt mỏi, uể oải và buồn ngủ hơn”.

Để “tiếp sức” cho con trai đợt thi này, chị Hoàng Thị Ái Liên (xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) được mấy phụ huynh “mách nước” mua Arcaliotin - một loại thuốc hỗ trợ thần kinh cao cấp, tăng cường trí nhớ được nhập từ nước ngoài. Chị Liên cho biết:

“Con trai cứ kêu dạo này căng thẳng quá, học trước quên sau. Lo sợ cháu sẽ vì thế mà trượt ĐH nên tôi đã tìm mua thuốc hỗ trợ tăng cường trí nhớ”.

Nhiều hiệu thuốc cũng cho biết, thời điểm này rất nhiều phụ huynh, học sinh tìm mua các loại thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ, tránh buồn ngủ, thậm chí có em còn hỏi mua thuốc an thần vì… quá căng thẳng do ôn thi.

Chủ hiệu thuốc Tùng Lâm (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Các loại thuốc phổ biến nhất thường được phụ huynh và học sinh tìm mua là glutaminol B6, Pho-L, hoạt huyết dưỡng não, arcaliotin, piracetam, duxil… Học sinh cấp 3 thì hay hỏi cao dán chống buồn ngủ”. Chủ tiệm này cũng cho biết, hầu hết người mua đều hỏi thuốc mà không có đơn.

“Con dao 2 lưỡi”

Bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 cho biết, các thuốc hay miếng dán chống buồn ngủ thường có các chất kích thích, có nguồn gốc ma túy. Thuốc có tác dụng kích thần, tạo hưng phấn, chống buồn ngủ, chống đói. Nó làm cho người sử dụng có cảm giác khỏe mạnh, phấn chấn, không buồn ngủ.

Thuốc này là thuốc được kê đơn cho những người cần phải tỉnh táo trong thời gian nhất định. Nếu học sinh tự mua uống, uống vô tội vạ với mục đích tỉnh táo, thức lâu, học được nhiều thì rất nguy hiểm.

Theo bác sĩ Cương, cơ thể cần ngủ đủ mới giữ được sức khỏe và trí lực. Nếu thức quá lâu, cơ thể sẽ bị suy nhược, tăng nhịp tim, rối loạn nhịp sinh học, mất trí và tê liệt cảm giác thèm ngủ, mất tập trung, rối loạn trí nhớ. Thậm chí, người nghiện thuốc chống buồn ngủ có thể bị hoang tưởng, rối loạn tâm thần khi thần kinh bị căng thẳng quá mức.

Bác sĩ Cương khuyến cáo: “Các em học sinh nên thận trọng khi dùng thuốc, không mua thuốc qua mạng hay tự sử dụng thuốc. Trấn áp giấc ngủ quá đáng bằng chất kích thích, thuốc gây nghiện đều không có lợi cho sức khỏe tâm thần”.

Còn PGS –TS Lê Thị Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, để tỉnh táo học tập, các em học sinh không nên lệ thuộc vào các chất kích thích. Vì các chất kích thích tuy chống lại cơn buồn ngủ nhưng lại khiến não phải làm việc quá sức.

Ngoài ra, lạm dụng chất kích thích còn làm tăng nhịp tim, khiến cơ thể bị bải hoải, mất sức, không tốt cho thi cử. Cơ thể phải ngủ đủ mới khỏe mạnh, trí não minh mẫn, tiếp thu bài mới tốt.

Vì thế, bạn trẻ khi thấy mệt, buồn ngủ thì nên đi ngủ 2-3 tiếng rồi lại trở dậy học tiếp. Nếu vẫn thấy mỏi mệt thì nên đi ra ngoài, đi bộ, vươn vai hít thở cho tỉnh táo hoặc tham gia việc nhà. Khi đó, não được nghỉ ngơi, cơ thể cũng “dãn gân dãn cốt”, thoải mái hơn.

Để tăng cường sức khỏe và trí não cho con, cha mẹ nên tăng cường bữa ăn đủ dưỡng chất, chia nhỏ làm 4-5 bữa/ngày để chất dinh dưỡng được hấp thu tốt hơn, có thể hỗ trợ con bằng 1 viên đa vi chất/ngày, đủ liều, theo khuyến cáo của bác sĩ.

 "Do có nguồn gốc từ ma túy nên các loại thuốc chống buồn ngủ có khả năng gây nghiện, khiến người sử dụng lệ thuộc vào nó, không dùng thuốc là cơ thể mệt mỏi, trì trệ, bứt rứt”.
Bác sĩ La Đức Cương

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem