Đất không phụ công người
Trước khi “bén duyên” với cây trà hoa vàng, anh Quy từng là chủ 1 doanh nghiệp xây dựng có tiếng, đã từng thi công nhiều công trình khắp mọi miền đất nước. Năm 2013, anh Quy nghe báo, đài nói nhiều đến giá trị dược liệu của cây trà hoa vàng. Huyện Hải Hà quê anh có loại cây này. “Trà hoa vàng sống ở trong rừng sâu, nhưng đang bị săn lùng đào bán sang Trung Quốc để kiếm lời cao. Trăn trở với loài cây dược liệu quý có nguy cơ bị tận diệt, tôi quyết định bỏ nghề xây dựng về quê mua đất tìm cách trồng, khôi phục lại giống cây này”, anh Quy thổ lộ.
Anh Quy có được “lợi ích kép” từ trồng trà hoa vàng xen lẫn cây hòe. Ảnh: Đức Thịnh
Anh Quy cho biết, khi biết anh quyết định mua lại 3ha đất đồi hoang hóa để đầu tư 3 tỷ đồng trồng hoa vàng, vợ anh suýt “nổi đóa”. “Vợ tôi phản đối cũng có lý của cô ấy. Chỗ đất này lâu nay bị bỏ hoang vì đất sỏi đá quá xấu, đến nỗi cây cỏ cũng không mọc nổi thì sao mình trồng được. Nhưng tôi quan niệm rằng không có đất đai xấu, chỉ có người sử dụng không biết cải tạo mới để đất xấu, đất vô giá trị”, anh Quy tâm sự.
“Trồng trà hoa vàng cũng lắm công phu. Giống cây này tuy sống trong rừng sâu nhưng nếu mình chỉ vài ngày lơ là chăm sóc, nhất là khi thời tiết nắng nóng, tiền tỷ sẽ biến thành củi khô ngay. Tôi chăm cây còn vất vả hơn nuôi con mọn…”.
Anh Lê Mạnh Quy.
|
Bắt tay vào cải tạo đất, anh thuê người, thuê máy móc đào bới, san lấp. Anh đặt mua hàng chục tấn phân chuồng trộn vào đất. Vừa cải tạo đất, anh vừa tìm thu gom cây trà hoa vàng để trồng trên đất đồi nhà mình. Anh còn sang tận Trung Quốc để thu mua lại với giá đắt, mỗi cây hàng triệu đồng. Độ “chịu chơi” của anh Quy là đề tài bàn tán của bà con suốt một thời gian dài. Nhiều người ác ý còn bảo anh là “gã khùng” thích ném tiền qua cửa sổ.
Dẫn chúng tôi thăm vườn trà hoa vàng, cây nào cây nấy đều xanh bóng, khỏe mạnh, anh Quy phấn khởi nói: “Lúc đầu đưa trà hoa vàng từ rừng sâu về trồng trên đất đồi nhà khó khăn trăm bề. Cây quý bạc triệu chết thành củi khô nhiều không kể xiết. Nhiều ngày tôi ăn ngủ trên đồi trà hoa vàng này. Tôi chăm cây còn vất vả hơn nuôi con mọn. Đến giờ cả đồi trà hoa vàng đều bật rễ xanh tốt, khỏe mạnh, tôi mới yên tâm phần nào”.
“Nhạc” nào cũng… nhảy
Theo anh Quy, cây trà hoa vàng vốn sống ở trong rừng sâu và ưa bóng râm. Hiểu cây, nên để tránh rủi ro, anh Quy trồng cây hòe xen lẫn trà hoa vàng. Anh Quy phân tích: “Trồng xen có 2 cái lợi, cây hòe chịu được nắng nóng, tỏa tán rộng, hấp thu ít chất dinh dưỡng, thích hợp để tạo độ che phủ tốt cho cây trà hoa vàng. Thứ 2 là trà hoa vàng phải trồng từ 3 – 4 năm mới cho thu hoạch. Thời gian ấy nếu không tính toán “lấy ngắn nuôi dài” sẽ rất khó khăn. Cây hòe chỉ cần trồng 1 năm là cho thu hoạch. Hiện, 1.800 gốc hòe của gia đình tôi đã cho nhập hơn 200 triệu đồng/năm”.
Đến nay, quy mô vườn trà hoa vàng của anh Quy đã phát triển lên hơn 10.000 cây giống huyện Hải Hà và hơn 10.000 gốc lấy giống từ huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh). Một số cây trà hoa vàng đã cho thu bói. Dự kiến, sau 1 năm nữa đồi trà hoa vàng của gia đình anh Quy sẽ cho thu hoạch đại trà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.