Với mong muốn thay đổi cuộc sống và làm giàu ở nông thôn, trải qua nhiều lần chuyển đổi các mô hình kinh tế khác nhau, năm 2010 anh Đỗ Quốc Bình ở Tổ dân phố 2 Tân Sơn, Phường Lương Sơn, TP Sông Công đã lặn lội lái xe máy đi khắp một số tỉnh thành trong cả nước để học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao.
Trang trại thỏ của gia đình anh Đỗ Quốc Bình ở Phường Lương Sơn, TP Sông Công, Thái Nguyên
Sau một quá trình dài tìm hiểu và trau dồi kiến thức từ nhiều mô hình kinh tế, nhận thấy việc nuôi thỏ có thể mang lại giá trị kinh tế cao đến năm 2012 anh chính thức bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi thỏ New Zealand.
Ban đầu khi mới bắt tay vào thực hiện mô hình này, theo anh Bình, anh đã gặp phải không ít những khó khăn. Khó khăn chủ yếu là do chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, hơn nữa dịch bệnh lại luôn đeo bám. Bởi vậy có những lúc thỏ chết rất nhiều, nhưng không vì thế mà anh nản lòng.
Anh Bình vẫn quyết tâm thực hiện bằng được mô hình nuôi thỏ. Khi mới bắt đầu nuôi, do nguồn vốn ít và kinh nghiệm chưa có nhiều nên gia đình anh chỉ nuôi với số lượng nhỏ và thị trường chủ yếu là bán lẻ. Dần dà khi đã có nhiều kinh nghiệm anh quyết tâm đầu tư với quy mô lớn hơn, đến năm 2013 anh đã thành lập Hợp tác xã Nông sản Lương Sơn nhằm mục đích cung ứng các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường.
Một con thỏ khi trưởng thành có thể đạt cân nặng tối đa 6kg/1con.
Đến thời điểm hiện tại, qua chia sẻ của anh Bình, riêng trang trại thỏ của gia đình anh có quy mô dao động trong khoảng từ 3.500 – 4000con/năm và bắt đầu từ năm 2015 cho đến nay anh đã ký hợp đồng mua bán thỏ với Công ty NIPPON ZOKI Việt Nam thuộc Tập đoàn Dược phẩm NIPPON ZOKI Nhật Bản chứ không còn bán lẻ như trước nữa.
Cũng theo chia sẻ của anh Bình thì điểm khác biệt với các giống thỏ cỏ thông thường là thỏ New Zealand có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng phát triển nhanh, cân nặng tối đa có thể đạt tới 6kg/1con. Đây là giống thỏ sinh sản nhiều, năng suất cao, thịt thơm ngon, hấp dẫn và là giống thỏ được nuôi phổ biến để lấy thịt.
Ngoài ra phân thỏ còn có thể dùng làm phân bón rất tốt cho các loài hoa và cây cảnh, lông và da của loài thỏ này còn là nguyên liệu quý cho ngành sản xuất thuộc da cũng như dược liệu. Có một điều đặc biệt là loại thức ăn dùng cho thỏ này là loại cám chuyên dụng được chỉ định từ phía công ty Nhật chứ không phải những loại thức ăn thông thường.
Thông thường mỗi một năm, theo anh Bình thì một con thỏ sẽ sinh sản từ 7 - 8 lứa, trung bình mỗi lứa từ 8 – 10 con. Thời gian từ lúc thỏ con ra đời cho đến lúc xuất bán trung bình khoảng 3 tháng.
Thỏ con sau khi được tách ra khỏi mẹ
Một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình chăm sóc thỏ, theo như anh Bình là giai đoạn sau khi thỏ được tách ra khỏi mẹ. Bởi giai đoạn này nếu không được chăm sóc tốt thỏ sẽ rất dễ bị đi ngoài và ốm sốt. Chính vì thế để hạn chế việc thỏ bị ốm thì cần phải tiêm thuốc định kỳ, đồng thời phun thuốc sát trùng và rắc vôi bột, tẩy rửa chuồng trại hàng tuần.
Bên cạnh đó để giúp cho thỏ sinh trưởng và phát triển tốt nhất thì cần duy trì nhiệt độ ổn định trong khoảng từ 15 – 20oC. Anh Bình cho biết thêm theo yêu cầu từ phía công ty Nhật Bản thì chỉ tiêu cân nặng mà họ sẽ thu mua là từ 2,3kg/1con trở lên với giá 178.000đ/1con, còn giá bán lẻ ra thị trường dao động từ 70.000 – 100.000đ/1kg.
Anh Bình đang kiểm tra cân nặng và sức khỏe của đàn thỏ tại trang trại của gia đình
Ngoài việc nuôi thỏ tại trang trại của gia đình mình, anh Bình còn là Hội trưởng hiệp hội nuôi thỏ của tỉnh Thái Nguyên và thực hiện việc ký hợp đồng chuyển giao công nghệ chăn nuôi thỏ cũng như bao tiêu đầu ra sản phẩm cho hơn 40 trang trại thỏ trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận với sản lượng 3.500 con/tháng.
Theo tính toán của anh Bình, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 180 triệu – 200 triệu đồng từ việc nuôi thỏ tại trang trại của gia đình sau khi đã trừ hết chi phí. Theo anh Bình cho đến thời điểm hiện tại, hợp tác xã của anh là hợp tác xã duy nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và là một trong số 11 hợp tác xã của cả nước kí hợp đồng mua bán thỏ với Công ty NIPPON ZOKI Việt Nam thuộc Tập đoàn Dược phẩm NIPPON ZOKI Nhật Bản.
Hiện nay, trang trại thỏ của gia đình anh Bình đã có thể tự sản xuất và cung cấp giống ra thị trường với số lượng lớn. Trong tương lai, với mong muốn giúp cho nhiều hộ gia đình có kinh tế và thu nhập ổn định anh Bình sẽ tiến tới mở rộng mô hình chăn nuôi thỏ này ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Bởi đây là 1 trong những mô hình làm giàu ở nông thôn. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.