Làm khó chiếc máy nông nghiệp

Thứ ba, ngày 26/03/2013 19:02 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trên nhiều diễn đàn và tại các kỳ họp của Quốc hội, có một vấn đề được đặt ra, đó là nhà khoa học Việt Nam rất nhiều, nhưng sản phẩm máy móc ứng dụng vào sản xuất phần lớn do... nông dân chế tạo.
Bình luận 0

Một thực tế khác, ngành cơ khí Việt Nam chưa thoát khỏi công việc “vặn ốc”, rất ít có sản phẩm thay thế được máy móc ngoại nhập. Một thực tế nữa, ở hầu hết các chợ cơ khí khắp cả nước, sản phẩm Trung Quốc tràn ngập. Ngay cả các loại đơn giản nhất như kìm, kéo, khóa mở ốc cũng phải mua của nước ngoài.

Cho dù Nhà nước có rất nhiều chính sách để vực dậy ngành công nghiệp cơ khí, chi phí ngân sách cho hoạt động khoa học- công nghệ không nhỏ, nhưng cũng không tạo ra được những sản phẩm cung cấp cho hoạt động sản xuất hay phục vụ cho thị trường tiêu dùng.

Vậy mà, khi có cá nhân tạo ra được sản phẩm, thì họ không được ưu đãi, hay ít nhất là tạo điều kiện để sản phẩm nhanh chóng đi vào phục vụ đời sống. Điển hình như trường hợp nông dân Trần Quốc Hải ở Tân Châu, Tây Ninh. Ông Hải từng chế tạo máy bay trực thăng, và gần đây, ông đầu tư chế tạo các loại máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như máy trồng, làm cỏ và máy bón phân. Máy của ông Hải không chỉ bán trong nước, mà còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia và Thái Lan.

Tỉnh Tây Ninh đặt ông Hải làm máy nhổ củ mì, ông đã hoàn thành từ lâu nhưng còn chờ thủ tục nghiệm thu. Rồi đến Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Tây Ninh đặt ông chế tạo máy thu hoạch mía. Ông Hải đã gần hoàn tất chiếc máy. Đúng ra, cơ quan này phải thẩm định để hỗ trợ vốn cho ông chế tạo, nhưng chuyện đó không xảy ra. Ông Hải tiếp tục chờ đợi...

Các nhà khoa học, cơ quan khoa học chưa chế tạo ra được nhiều máy móc giúp cho nông dân cơ giới hóa, thì nên xem những “nhà khoa học chân đất” là vốn quý. Họ không được đào tạo bài bản, nhưng năng khiếu bẩm sinh và sự đam mê nghiên cứu đã giúp họ chế tạo ra các công cụ, thiết bị và máy móc ứng dụng được. Đúng ra, địa phương và các ngành liên quan nên hỗ trợ, không chỉ nguồn vốn mà còn tư vấn thêm về kỹ thuật để sản phẩm sáng tạo được hoàn chỉnh hơn, nhanh chóng đưa vào phục vụ sản xuất.

Việc một chiếc máy ra đời không chỉ mang lại lợi ích cho người có công sáng chế, mà quan trọng hơn là hàng vạn nông dân có được công cụ cơ giới để tiết giảm chi phí và tăng năng suất. Đáng tiếc là thói quan liêu thâm căn đã làm cho không ít người chưa nhận thức được như vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem