Ông thứ tư, nên người dân ở đây quen gọi là Tư Thành. Người dong dỏng cao, nước da ngăm đen rắn chắc, trông Tư Thành chẳng ra dáng nông dân chút nào… ”Em đến ngã tư thị trấn Tân Hưng cạnh Ngân hàng Nông nghiệp, quẹo phải rồi đi hoài đến cột mốc cây số 10, gọi điện thoại, anh cho ghe qua rước”.
|
Tư Thành ngồi chễnh chệ trên chiếc máy cày. |
Nhà Tư Thành bên kia kênh. Ghe nhấn ga một chút là tới bờ. Cơ ngơi Tư Thành trông như một cơ sở công nghiệp. Bên này máy cày, bên kia máy đập liên hợp, có cả nhà máy chà gạo…
- Còn ruộng ở đâu?
- 60 mẫu (hécta) rải rác chứ đâu tập trung một chỗ, em. Mà khoan nói chuyện đó, cứ nhắm rượu đế thứ thiệt từ gạo anh làm.
Chỉ trong 30 phút, bà xã Tư Thành đã bưng ra nào ốc bươu hấp gừng, vịt luộc và một lít rượu đế đục mà thơm nồng mùi gạo.
- Thằng em ở nước ngoài cho chai rượu ngoại, nhưng chẳng ngon như rượu đế anh làm.
- Ruộng anh ở đâu nhiều vậy?
- Bắt đầu là khai hoang sau đó đưa vào tập đoàn, rồi tập đoàn rã đám lại chia, sau này anh “mua” thêm, đến nay là 60 mẫu.
- Ai cũng nói làm ruộng không lời thậm chí lỗ, còn anh?
- Anh chẳng tính toán gì nhiều, chỉ biết làm nhiều diện tích mới giảm chi phí, mà giảm chi phí mới không lỗ và có lãi.
- Tài sản của anh hiện trị giá bao nhiêu, nếu quy thành tiền?
- Anh có 60 mẫu ruộng, một mẫu bây giờ giá chuyển nhượng khoảng 250 triệu, được 15 tỉ. Hai máy cày, hai máy gặt đập liên hợp, hai nhà máy chà và các thứ linh tinh khác, chắc cỡ 3 tỉ nữa, tổng cộng là 18 tỉ.
- Một năm anh làm ra bao nhiêu tiền?
- Trừ hết chi phí giống, phân, thuốc, nhân công… còn dư 300 triệu/vụ. Một năm được 600 triệu. Tiền thu từ các dịch vụ khác như cày thuê, chà gạo… 200 triệu đồng nữa là 800 triệu.
- Nông dân hay bị cảnh “được mùa mất giá”, anh có tính đến những rủi ro?
- Mình làm ra nhiều lúa gạo được lợi lắm em ơi! Nếu không được giá thì ngu gì bán.
- Nhưng kho đâu để chứa?
- Trời, anh đem lúa tới, nhà máy chà mê liền. Bao nhiêu kho cũng cho chứa không lấy tiền, miễn chà gạo tại nhà máy nó thôi. Bao giờ được giá, anh bán.
- Đã giảm chi phí tối đa chưa?
- Chưa. Địa hình ở đây chưa bằng phẳng lắm. Cứ 2 mẫu phải phân thành một thửa, do đó công cày chưa giảm.
- Có doanh nghiệp nào đến bàn chuyện làm ăn với anh?
- Có, nhưng không đi đến đâu. Họ bảo anh làm giống jasmine theo đúng quy trình của họ đưa ra. Làm thí điểm 2 mẫu, nhưng khi thu hoạch thì họ bắt bẻ đủ chuyện, không mua. Không mua thì không mua, sợ gì. Anh đem ra thị trường bán cũng lời chán. Từ đó chẳng thấy họ đâu nữa.
- Đồng Tháp Mười có mấy người làm lúa nhiều như anh?
- Khoảng 100 người, chưa kể những người thuê ruộng làm.
- Thuê ruộng?
- Ừ. Có thể nói họ là những người làm ruộng chuyên nghiệp, thuê 10 triệu đồng/mẫu/năm, nhưng năm nào cũng có lãi.
- Lạ vậy? Nông dân làm lúa không khá nổi, còn họ trả được tiền thuê, lại có tiền vào túi?
- Họ tính toán hay lắm, tận dụng đất. Nào làm lúa, trồng màu, nuôi vịt, thả trâu… cộng tất cả lại họ vẫn lời.
- Nếu coi anh là một doanh nghiệp với tài sản 18 tỉ, một năm thu 800 triệu lợi nhuận, tức chỉ hơn 4,3% (đó là chưa tính hết tiền công trong gia đình) hiệu suất ấy chỉ ở mức yếu thôi!
- Thây kệ em ơi! Cả đời anh chỉ biết làm lúa, không biết cái gì khác, quen tay rồi. Mà này, thu nhập gần 70 triệu/tháng với một hộ nông dân là ngon rồi. Đừng so sánh chỗ khác. Em thấy không, mồi nhậu này đáng bao nhiêu. Vịt vườn, rượu gạo, còn ốc rẻ lắm, bên Campuchia đem qua bán. Cả tháng nhà anh tiêu thoải mái cũng chỉ 10 triệu là ngon. Mà em thấy nhà anh có thua gì thành thị. Cũng điện, điện thoại, internet như ai…
- Nhưng mà buồn...
- Không buồn đâu.
Nói rồi Tư Thành gọi anh chủ tịch Hội Nông dân xã chuẩn bị xe máy mời tôi... qua Camuchia chơi. Cách chưa tới 7 km - anh nói - nhưng qua cho biết thôi, đừng sa vào cờ bạc, gái gú, xong trở về biên giới phía mình có một quán nhậu, mồi rất ngon.
Chúng tôi băng qua cánh đồng mới gặt. Tư Thành phanh ngực để gió thổi phành phạch…
Lê Minh Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.