Lâm nghiệp xuất siêu cao kỷ lục 14,10 tỷ USD, dẫn đầu toàn ngành nông nghiệp

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 30/12/2022 10:36 AM (GMT+7)
Năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước khoảng 2,82 tỷ USD. Như vậy xuất siêu lĩnh vực lâm sản đạt tới 14,10 tỷ USD, cao kỷ lục và dẫn đầu toàn ngành nông nghiệp.
Bình luận 0

Lâm nghiệp xuất siêu cao kỷ lục 14,10 tỷ USD

Nhiều năm gần đây, lĩnh vực lâm nghiệp luôn dẫn đầu ngành nông nghiệp về xuất siêu với giá trị cao, đặc biệt là từ năm 2019, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản luôn đạt trên 10 tỷ USD. Thông tin trên được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) tổ chức sáng 30/12. 

Ngành lâm nghiệp xuất siêu cao kỷ lục 14,10 tỷ USD, dẫn đầu toàn ngành - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Tổng cục Lâm nghiệp.

Theo báo cáo tại Hội nghị, về khai thác lâm sản, năm 2022 cả nước đã khai thác 19,7 triệu m3 gỗ, sản lượng củi đạt 18,6 triệu ste. Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2022 ước đạt khoảng 16,928 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, còn lại là lâm sản ngoài gỗ đạt 1,1 tỷ USD.

Cả nước đã thu được hơn 3.686 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 122,9% kế hoạch thu năm 2022, bằng 120,6% so với năm 2022. Trong đó Quỹ Trung ương thu được 2.285 tỷ đồng, còn lại là quỹ tỉnh.

Trong năm 2022, Quỹ tỉnh đã thực hiện chi 2.804 tỷ đồng tiền năm 2021 (đạt hơn 108% kế hoạch) và tạm ứng 961,24 tỷ đồng tiền năm 2022 cho các chủ rừng. Điều này đã góp phần kích thích các chủ rừng tích cực bảo vệ rừng và nhân rộng diện tích rừng trồng. 

Theo đó, đến nay đã có 334 chủ rừng xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt với tổng diện tích khoảng 4 triệu ha, đạt 48,53% so với tổng diện tích rừng được giao. Còn lại 195 chủ rừng đang xây dựng phương án, 212 chủ rừng chưa có phương án với tổng diện tích khoảng 4,2 triệu ha. 

Ngành lâm nghiệp xuất siêu cao kỷ lục 14,10 tỷ USD, dẫn đầu toàn ngành - Ảnh 2.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 ước đạt 15,85 tỷ USD, trong đó Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ảnh: Cao Cẩm

Tại Hội nghị, ông Bùi Chính Nghĩa – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, vẫn còn một số điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên. 

"Đây là địa bàn nóng nhất về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép chưa được phát hiện sớm để có biện pháp chỉ đạo, ngăn chặn và giải quyết kịp thời. Kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp hạ tầng cơ sở yếu kém, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy. Thực trạng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới" - ông Nghĩa nói.

Các chính sách liên quan đến đầu tư lâm nghiệp không hấp dẫn để thu hút người dân và doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng thâm canh. Thống kê cho thấy thu nhập trên mỗi ha rừng trồng là rất thấp, chỉ đạt bình quân 10 triệu đồng/ha/năm, dẫn đến thu nhập của người trồng rừng thấp, chỉ chiếm 25% tổng thu nhập.

Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn rất ít, kinh phí nhà nước cấp hàng năm giảm, nơi có nơi không, cấp không kịp thời theo kế hoạch làm cho nhiều chủ rừng phải ký nợ tiền khoán bảo vệ rừng với người dân. Thực tế mức khoán bảo vệ rừng trung bình khoảng 300.000 – 400.000 đồng/ha, trong khi nhu cầu tối thiểu phải trên 1.000.000 đồng/ha.

Về vấn đề nguồn nhân lực cho ngành lâm nghiệp, PGS.TS Phạm Minh Toại - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp cũng chỉ rõ: Việc tuyển sinh các ngành kiểm lâm, lâm sinh rất khó khăn, tuyên truyền nhiều nhưng các ngành ngày chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các em học sinh. Thậm chí có năm, chỉ có 8-10 em học ngành lâm sinh. 

Để thu hút các em thi tuyển vào ĐH Lâm nghiệp, ông Toại cho biết đơn vị sẽ xây dựng hình mẫu trường THPT trong trường ĐH Lâm nghiệp; thực hiện các chế độ ưu đãi về học phí, kết nối với Hiệp hội Gỗ và lâm sản để bảo trợ đầu ra cho các em học ngành này. 

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, ông Bùi Chính Nghĩa cho hay, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5-5,5%; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định khoảng 42%; trồng rừng tập trung 245.000 ha, trong đó, có 240.000 ha trồng rừng sản xuất; trồng cây phân tán 140 triệu cây; thu dịch vụ môi trường rừng 3.000 tỷ đồng. Ngành lâm nghiệp phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2023 đạt 17,5 tỷ USD. 

Để đạt được mục tiêu đề ra, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị lãnh đạo Bộ xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phê duyệt Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014-NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; 

Đề nghị phê duyệt Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu; Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem