Quảng Nam: Dân làng này “chạy nước rút” giáp Tết làm ra sản phẩm nhà giàu nhà nghèo đều dùng
Quảng Nam: Dân làng này “chạy nước rút” giáp Tết làm ra sản phẩm nhà giàu nhà nghèo đều dùng
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Thứ sáu, ngày 30/12/2022 06:08 AM (GMT+7)
Về thăm làng nghề làm hương thuộc thôn Bàn Tân, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam những ngày cận Tết, chúng tôi thấy đâu đâu cũng đỏ rực những giàn phơi hương, thơm ngát mùi của hương trầm, hương quế. Người dân trong làng đang tất bật sản xuất, để kịp hàng phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2023.
Làng hương thuộc thôn Bàn Tân có hàng chục cơ sở lớn, nhỏ sản xuất quanh năm. Nhờ nghề truyền thống này mà nhiều hộ gia đình dần khấm khá, ổn định đời sống, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn tại địa phương.
Tranh thủ tiết trời hanh khô, nắng nhẹ những ngày cận Tết, người dân trong làng mang hương ra sân phơi. Sắc đỏ thắm của chân hương và mùi thơm của bột trầm, bột quế thoang thoảng khắp các ngõ ngách.
Clip - người dân làng nghề làm hương ở thôn Bàn Tân, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam những ngày cận Tết.
Các cơ sở sản xuất hương quanh năm, nhưng mùa thu nhập chính của làng nghề là vụ Tết. Lúc này mọi người có nhu cầu tiêu thụ cao, thắp hương trên bàn thờ để cúng kiếng, tưởng nhớ ông bà tổ tiên.
Công việc làm hương khá đơn giản và nhẹ nhàng, nên già trẻ, gái trai ai cũng làm được. Người nhào bột, người se hương, người phơi, đóng gói, mọi người khẩn trương hoàn thành những đơn đặt hàng cuối năm, chuẩn bị đón Tết.
Được xem là địa chỉ sản xuất hương trầm lớn nhất làng, cơ sở của anh Nguyễn Đình Kỳ Nam có 3 xưởng hoạt động liên tục, với hơn 10 nhân công làm việc. Sản xuất nhiều dòng sản phẩm gồm: trầm nụ, hương cây, hương vòng, giác xông, nhang trầm cao cấp không tăm.
Anh Nam chia sẻ: "Cơ sở của tôi hoạt động quanh năm nhưng rầm rộ nhất là vào dịp cận Tết, phải tăng cường sản xuất cả ngày lẫn đêm để kịp cung ứng hàng cho thị trường. Lúc trước, hương được làm thủ công nên rất nhọc công, năng suất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nhưng hiện nay, hầu hết các cơ sở đã trang bị máy móc để làm hương vừa đẹp lại đều, cho chất lượng và năng suất cao. Riêng cơ sở của tôi đã đầu tư máy móc khoảng 400 triệu đồng để phục vụ sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, gồm: máy nghiền bột, máy phóng hương, máy làm hương vòng, máy làm hương trầm cao cấp, máy ép trầm nụ".
Phấn khởi đón Tết
Thông thường người dân vẫn phơi khô hương dưới nắng để đảm bảo độ cháy đều. Dịp cận Tết thời tiết mưa lạnh, ít nắng, nên người dân phải dựng giàn trong nhà để bật quạt, hong khô, tranh thủ lúc trời nắng ráo thì mang hương ra phơi khắp các đường làng, ngõ xóm.
Chị Thảo (vợ anh Nam) cho biết, với phương châm mang những sản phẩm hương trầm sạch đến với khách hàng, cơ sở sản xuất các nguyên liệu từ tự nhiên. Bột hương trầm được làm từ trầm hương miếng hoặc từ gỗ trầm hương được nghiền nát và xay mịn. Sau đó trộn cùng bột cây bời lời có chất keo tự nhiên, giúp kết dính các nguyên liệu lại với nhau theo tỷ lệ 85% bột trầm và 15% keo kết dính.
Đối với trầm nụ, sau khi được ép thành phẩm sẽ được sấy khô trong hệ thống rồi tiếp tục ủ để làm dịu hương trong vòng 1 tuần, tiếp đó đóng gói, dán nhãn mác.
Mỗi ký nhang trầm cao cấp không tăm, tùy theo hàm lượng giác trầm, bời lời trong sản phẩm mà loại rẻ nhất có giá thành hơn 1.000.000 đồng/kg, đắt nhất lên tới 25.000.000 đồng/kg.
Cạnh đó, cơ sở sản xuất hương Phú An của chị Võ Thị Diệu cũng đang hoạt động hết công suất. Chị Diệu nói: "Làm hương thì phụ thuộc phần lớn vào thời tiết, nên vào mùa nắng tôi làm hương cất trữ đầy nhà, đến mùa Tết thì mang ra bán và tập trung nhân lực, tăng cường sản xuất cho kịp hàng. Để chuẩn bị hàng cho dịp này, cơ sở đã nhập hàng tấn nguyên liệu dự trữ, sản xuất đa dạng sản phẩm hương trầm, hương quế, hương nụ".
Hương sản xuất phục vụ Tết nếu phơi không đủ nắng sẽ mất mùi thơm, còn gặp mưa để trong nhà vài giờ cũng coi như hỏng. Vì thế, người dân làm hương ở Bàn Tân hi vọng thời tiết sẽ nắng nhiều hơn để công đoạn sản xuất không bị gián đoạn, nhà nhà cùng nhau tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, đón Tết sung túc hơn.
Sản phẩm hương trầm các loại ở Bàn Tân không chỉ cung ứng cho thị trường địa phương, mà còn được khách hàng trên cả nước ưa chuộng. Sản phẩm hương cây có giá từ 80.000-200.000 đồng/kg, loại đắt lên đến 2.000.000 đồng/kg, riêng đối với hương trầm nụ có giá từ 500.000-5.000.000 đồng/kg (tuỳ loại).
Chị Thảo vui vẻ nói: "Cơ sở của tôi sản xuất hương trầm quanh năm, dịp Tết thu lãi khoảng 500 triệu đồng do sản lượng tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Đặc biệt hương cây các loại làm ra không sợ ế, vì nén hương thắp trên bàn thờ ông bà tổ tiên là điều không thể thiếu trong phong tục tâm linh của người Việt mỗi dịp cúng kiếng, lễ Tết. Dù giàu hay nghèo thì con cháu cũng phải thắp hương cho bàn thờ ông bà thêm ấm cúng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.