Lầm người cho đến bây giờ...

Thứ sáu, ngày 26/04/2013 06:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuộc đời trải 3 chế độ, chiêm nghiệm một cách tự thân để nhận ra lẽ sống, ông Ksor Mal (buôn Broai, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa Gia Lai) đã ví mình như một thân cây, chỉ trở nên hữu ích khi cắm rễ vào rừng đất mẹ...
Bình luận 0

Lối rẽ trên con đường chết

“Đêm tháng 5 ngằn ngặt những tầng sao. Màn đêm trôi nhẹ nhàng như một cánh bướm đen. Một đêm bình thường như mọi đêm trong đời, vậy mà lần đầu tiên tôi mới nhận ra vẻ đẹp thanh bình của nó… Ngày mai – chỉ ngày mai thôi, tôi sẽ bước sang một cuộc sống khác. Một cuộc sống thanh thản, không có cái chết rình rập bên mình…”.

 img
Cụ Ksor Mal với các bằng khen về bảo vệ trật tự an ninh.

 Ksor Mal mở đầu câu chuyện bằng những dòng hồi ức trong đêm cuối của ông ở trại cải tạo sĩ quan chế độ cũ 35 năm về trước. Cũng trong cái đêm ấy, ông đã lần giở hết lại những trang u ám của cuộc đời mình… Vốn quê ở Ma Drăk (Đăk Lăk), vì cha mất sớm, Ksor Mal phải xin vào trường thiếu sinh quân của Pháp. Coi những đối tượng như Ksor Mal là công cụ tin cậy, họ nuôi ông học hết phổ thông rồi đưa vào Thủ Đức đào tạo sĩ quan pháo binh.

Năm 1955, công cụ của “nước mẹ” được sang tay cho người Mỹ… Lính pháo vẫn thường cho mình là thứ “công cụ sạch sẽ”, nhưng với Ksor Mal, đó là những kẻ giết người mang găng trắng. Biết vậy mà chẳng thể thoát được bàn tay kẻ mướn, vẫn phải thực thi phận sự. Thâm tâm vẫn linh cảm sự phải đạo này sẽ phải kết thúc, Ksor Man vẫn không thể ngờ nó vượt quá những gì mình tưởng tượng vào cái ngày 16 tháng 3 năm 1975 ấy…

Con lộ 7 hoang tàn bỗng chốc trở thành dòng thác hỗn mang. Rùng rùng xe pháo, rùng rùng những thác lính như đàn kiến cuống cuồng trong chảo nóng… Gần hai chục năm trời, qua đủ “vùng chiến thuật”, Ksor Mal chưa bao giờ thấy cảnh tháo chạy quân hồi vô phèng thế này… Mãi theo dòng cảm thán, ngoảnh lại đã thấy đám lính quanh mình trốn gần hết tự khi nào. Mấy đứa còn lại thì nhớn nhác chẳng để ý gì đến chỉ huy nữa. Một linh cảm mách bảo Ksor Mal tốt nhất là hãy nhanh chân chuồn khỏi đám hỗn quân hỗn quan này…

Trung úy Ksor Mal ra trình diện và xin được đi cải tạo đầu tiên. Ý nghĩ ban đầu chỉ là để được yên ổn mà làm ăn. Cứ đinh ninh sẽ bị bắt lao động khổ sai để trả thù, nào ngờ trại chỉ bố trí lao động vừa đủ, thời gian chủ yếu là lo truyền đạt cách sử dụng các loại pháo Mỹ cho bộ đội.

“ Không phải số phận mình may mắn, đó là sự nhân đạo của chế độ này”. Một niềm tin bừng sáng, Ksor Mal biết ngả rẽ cuộc đời mình đã bắt đầu từ đây…

Đang miên man với những dòng hồi ức, Ksor Mal bỗng nghe vách phòng rung động. Chưa kịp định thần, 2 bóng đen đã xán vào ông. “ Chúng tao là Fulro đây. Mày là sĩ quan, hãy theo anh em lấy lại Tây Nguyên cho người Thượng. Chúng tao đã có bản đồ, ngày mai mày ra trại hãy đưa anh em đến Campuchia, chỉ huy sẽ đãi ngộ mày xứng đáng”.

Ksor Mal ngẩn người. Thì ra là mấy tên Fulro đang cải tạo ở phòng bên. Mấy hôm trước chúng đã mò sang phòng ông dụ dỗ…“Chúng mày định làm loạn mà bản đồ cũng không biết đọc thì làm nên trò gì. Tao đã đến được đường sống, chúng mày lại định dắt tao trở lại con đường chết hay sao”. Thấy Ksor Mal im lặng, nghĩ là ông đồng ý, bất ngờ một tiếng quát “cút đi” của Ksor Mal rung cả vách. Hai tên hốt hoảng lủi về phòng…

Giữa tâm sóng cả

Việc “Cách mạng” đầu tiên Ksor Mal được giao là làm tập đoàn trưởng sản xuất; tiếp đó lại được xã giao làm công an thôn. Chuyển từ “kinh tế sang an ninh quốc phòng” như bà con nói vui, không ngờ chỉ một thời đoạn – nhất là khi ông gánh thêm công tác Mặt trận - dù “chính danh” thì ông là Chủ tịch Hội Người cao tuổi Ia Broái đã hơn 10 năm nay…

- Thì có biết bao chuyện đáng nhớ, đáng kể với gần hai chục năm gánh việc khó ấy – Ksor Mal mỉm cười ý nhị. Dẫu sao thì điều đáng nói vẫn là quãng thời gian 2001 – 2004 khi Tây Nguyên xảy ra sự kiện bạo loạn mang màu sắc chính trị. Bởi Ia Broái là quê, mẹ và các em y đang sống ở đây, Ksor Kớk và đám tay chân muốn dưng lên một “điển hình”.

Hàng tháng trời, gần như không đêm nào Ksor Mal được yên giấc. Đầu đêm thì cùng cán bộ họp phát động quần chúng; giữa đêm cầm loa men sông Ba phát lời kêu gọi những người lẩn trốn trở về… Quả là điều không thể ngờ đối với đám phản động: Cứ ngỡ người như ông, gặp “thời cơ” hẳn là sẽ đứng về phía chúng ? Nhưng bao nhiêu là sự căm ghét, cay cú với chúng thì ngược lại, với những người nhẹ dạ, lời lẽ của ông lại đầy sức thuyết phục bấy nhiêu.

Sức thuyết phục của Ksor Mal càng tăng khi Ksor Nhớk – em trai Ksor Kớk được ông vận động cũng tự giác từ bỏ con đường lầm lạc… Buôn Broăi tiếng là quê Ksor Kớk trở lại bình yên nhất xã. Điều này đã khiến nhiều nhà “nhân quyền” tò mò đến. Cuộc “khẩu chiến” giữa Ksor Mal với các “nhà” ấy, bà con buôn vẫn nhớ như một câu chuyện đầy thú vị…

Họ tìm đến nhà ông vào lúc vắng người (ý hẳn để ông tự do bày tỏ chính kiến ). Câu mở đầu của một vị: “Các ông có đất không?”, Ksor Mal mỉm cười thủng thẳng hỏi lại: “Các vị đến nhà tôi bằng phương tiện gì?”. Hơi ngạc nhiên nhưng một vị cũng đáp “Chúng tôi đi máy bay đến Plei Ku rồi đến nhà ông bằng ô tô” – như vậy là để đến được đây, các vị phải qua cầu, qua đường.

Tất cả đều là của chúng tôi nhưng Nhà nước lại bỏ tiền ra làm đấy! Trước năm 1975, cảnh sống của dân chúng ở đây thế nào, xin các vị so sánh ? Lờ đi sự lúng túng của họ, ông tiếp: “Các vị đang ngồi trong nhà tôi đây, không có đất thì nhà đứng vào đâu? Mà vườn lại còn rất rộng nữa phải không ? Nói thêm để các vị hay, tôi còn 3 mẫu đất lúa hai vụ nữa. Năm vừa rồi phải bỏ hoang 8 sào vì không đủ sức làm”.

Cứng cựa, vị kia “lật bài”: “Ông Kớk làm như vậy, đồng bào ông có hưởng ứng không?” – “Ông Kớk là kẻ mưu toan ngồi mát ăn bát vàng. Ông ta lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ của một số người để mưu lợi riêng. Nếu ông Kớk về đây, tôi tin chắc đồng bào tôi không những không ai hưởng ứng mà còn xử ông ta tội gây nên cảnh gia đình ly tán”.

Vị kia dường như đã quá “nóng” ngắt lời: “Ông có nhân quyền không?”. Ksor Mal cười to “- ông đã nghe lúc đầu rồi đấy: Tôi có đất, có nhà, có Nhà nước quan tâm. Nãy giờ ngồi nói chuyện với các ông thoải mái mà đâu có ai theo dõi. Như thế chưa phải là nhân quyền sao?”. Bà con trong buôn ngồi hóng chuyện nghe vậy khoái chí vỗ tay khiến hai vị đỏ mặt tháo lui…

Chuyện lớn chẳng kể, chí như là việc lùi cái bờ rào cho rộng đường, tưới nước giành nhau, vợ chồng cãi lộn… bà con cũng đến nhờ ông phân xử… Gánh ba “chức” nhưng phụ cấp mỗi tháng vỏn vẹn có 500.000 đồng, nhiều lúc hết cả tiền đổ xăng phải xin con để chạy cho kịp việc.

…Trò lừa mị nhạt phèo của bọn Fulro lưu vong giờ đã lùi vào quá khứ, song cuộc sống thường nhật thì có bao giờ hết những khúc mắc… Chuyện lớn chẳng kể, chí như là việc lùi cái bờ rào cho rộng đường, tưới nước giành nhau, vợ chồng cãi lộn… bà con cũng đến nhờ ông phân xử…

Gánh ba “chức” nhưng phụ cấp mỗi tháng vỏn vẹn có 500.000 đồng, nhiều lúc hết cả tiền đổ xăng phải xin con để chạy cho kịp việc… Điều khiến tôi ngạc nhiên là ông còn làm cả 1ha lúa nước. Việc nhà, việc công, đã sắp vào “bát thập” mà trông ông vẫn còn tráng kiện lắm?

Ông cười “con người ta một khi biết sống có ý nghĩa thì tuổi già đến chậm”. Chỉ tay vào những bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an treo trang trọng giữa nhà, ông thêm: và cũng nhờ những phần thưởng này nữa !

… Ksor Mal cất tiếng cười sảng khoái. Hoàng hôn yên tĩnh. Vòm cây vú sữa trước hiên nhà ông tiếng ve ngân trong vắt… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem