Lạm phát năm 2010 lên mức 11,75%

Thứ bảy, ngày 25/12/2010 06:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tổng cục Thống kê hôm qua (24-12) đã công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 12 đã tăng tới 1,98%, kéo theo lạm phát năm 2010 lên mức 11,75%.
Bình luận 0

Như vậy, tháng 12 đã là tháng có chỉ số CPI tăng mạnh nhất trong năm. So với tháng trước, chỉ số giá tháng 12 của nhóm hàng tăng cao nhất là lương thực (tăng 4,67%), tiếp đến là thực phẩm (tăng 3,28%), nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 2,53%).

 img
Giá cả tăng cao đã khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh chụp tại một chợ quê ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Nặng về hành chính...

Việc CPI năm nay tăng ở mức 2 con số không nằm ngoài dự báo khi từ tháng 9 đến nay chỉ số này đã liên tục tăng mạnh. Song năm nay có thể coi là một năm chỉ số giá diễn biến khá phức tạp. Ông Nguyễn Đức Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại dịch vụ và giá cả (Tổng cục Thống kê) cho biết, chỉ riêng 3 tháng đầu năm, CPI đã tăng 4,12%, gây sức ép lớn lên mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Bộ Công Thương đã nhiều lần khẳng định giá cả tăng không phải do cân đối cung - cầu; nói cách khác về cơ bản, chúng ta đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, xi măng, sắt thép...). CPI năm nay tăng mạnh được cho là do giá cả thế giới tăng, trong khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân. Dịch bệnh trong chăn nuôi trong nước diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới tăng trưởng khu vực này; lũ lụt, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi với mức độ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn...

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, đến nay chúng ta vẫn chưa "cắt nghĩa" đúng được tình hình lạm phát nên các giải pháp điều hành thời gian qua vẫn nghiêng về "giải pháp để bình ổn giá" mà không phải là để "kiểm soát lạm phát". "Tất cả các biện pháp đối phó của ta đều được đưa ra khi giá cả đã biến động rồi, nên hiệu quả không cao. Minh chứng là chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp tập trung vào quý IV của năm nay, trong khi trước đó đều không có hoặc chưa quyết liệt" - ông Ánh nói.

Theo TS Nguyễn Minh Phong-Viện Kinh tế xã hội Hà Nội, các giải pháp bình ổn giá thời gian qua vẫn "nặng về hành chính" nên đã hạn chế tác dụng. Ví dụ, để kiểm soát giá, chúng ta cũng yêu cầu tiểu thương tại các chợ niêm yết giá bán. Tuy nhiên, tiểu thương có hàng nghìn lý do như vàng, tỷ giá tăng, bão lụt… để tăng giá mà các cơ quan chức năng không thể làm gì được.

Sức ép tăng giá vẫn rất lớn

Nếu so sánh với tháng 12-2009, thì tháng 12- 2010 nhiều nhóm hàng đã có mức tăng rất mạnh như chỉ số giá vàng đã tăng 30%, USD Mỹ tăng 9,68%, giáo dục tăng 19,38%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 16,18% , thực phẩm tăng 16,69%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 11,83%...

Có thể nói, sức ép tăng giá vẫn rất lớn từ nay đến Tết Nguyên đán và cả đầu năm 2011. Bộ Tài chính ngày 24-12 đã ban hành một chỉ thị về các giải pháp cấp bách về bình ổn giá.

Theo đó, sẽ tiếp tục dãn thời gian điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ nhà nước còn định giá. Các địa phương phải tăng cường quản lý thu, chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm. Chính phủ đã quyết định trong quý I-2011 tiếp tục giữ ổn định, không điều chỉnh tăng giá đối với xăng dầu, điện và than...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết, Bộ này đã yêu cầu kiểm tra chặt chẽ các kênh phân phối, lưu thông và tiêu thụ cuối cùng của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh buôn bán, bán lẻ hàng hóa để kịp thời phát hiện những hành vi nâng giá bất hợp lý.

Kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ; kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng; bịa đặt loan tin thất thiệt không có cơ sở để tăng giá, ép giá... Bình luận về các giải pháp trên, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cùng với các giải pháp này phải có "những bước đi vĩ mô căn cơ" hơn nữa.

Đó là các giải pháp về tiền tệ, tỉ giá: Tiếp tục có giải pháp xử lý để tổng tín dụng không được tăng cao. Ngân hàng Nhà nước cần tính toán để điều chỉnh tỉ giá vào thời điểm phù hợp để làm sao giảm bớt sức ép cho lạm phát cho cả năm sau.

Ông Trần Vinh Nhung - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM:

Muốn kiểm soát giá phải kiểm soát tốt giá đầu vào (điều mà lâu nay chúng ta chưa làm được) và áp dụng công cụ thuế. Cụ thể như tại thị trường TP.HCM, giá rau- củ- quả tại 3 chợ đầu mối ổn định, hàng hóa đầy đủ nhưng các mặt hàng này vào chợ lẻ thì đã bị tăng giá. Theo tôi, cần kiểm soát được lợi nhuận của thương nhân bằng chính sách thuế. Lợi nhuận tăng thì thuế tăng. Muốn vậy, công cụ thuế phải thực sự “nhạy bén” và cần được hoàn thiện để quản lý giá tốt hơn.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội:

Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… nên tạo điều kiện, "mở cửa" cho các tiểu thương từ ngoại tỉnh vào buôn bán tại các chợ truyền thống với mức thuế, phí bằng 0% để khơi thông nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường. Với tình hình giá cả tăng như hiện nay thì doanh nghiệp khó giữ giá bình ổn thấp như trước, ngân sách nhà nước cũng khó có thể hỗ trợ thêm tiền để bình ổn giá tiếp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem