chiến sự Nga - ukraine đẩy lạm phát Nga tăng vọt và đời sống cơ cực của người dân
Lạm phát lên mức cao nhất trong 5 năm và sự cơ cực của người dân Nga trước các lệnh trừng phạt
Huỳnh Dũng
Thứ sáu, ngày 18/03/2022 08:03 AM (GMT+7)
Theo Bộ Kinh tế Nga, lạm phát hàng năm đã tăng lên 12,5% vào ngày 11/3 từ mức 10,4% của tuần trước đó. Chiến sự Nga - Ukraine đang cho thấy sự thất bại của nền kinh tế Nga và sự cơ cực của người dân Nga trước lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Người Nga bắt đầu cảm thấy bị chèn ép kinh tế sau khi các nước phương Tây áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với chiến sự Nga - Ukraine. Sau nhiều tuần căng thẳng gia tăng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tiến hành một cuộc chiến trên bộ, trên biển và trên không vào ngày 24/2, gây ra làn sóng hạn chế tài chính khiến giá trị của đồng rúp giảm xuống, lạm phát tăng vọt và khiến nhiều người thất nghiệp.
Trong bài phát biểu trước các bộ trưởng chính phủ Nga được phát sóng vào đầu tháng 3, Tổng thống Putin khẳng định, Nga có thể chống chọi với "cơn bão kinh tế". Tuy nhiên, mới đây mức lạm phát hàng năm ở Nga đã tăng lên 12,5% vào ngày 11/3/2022, mức cao nhất kể từ cuối năm 2015 và tăng từ 10,42% của một tuần trước đó.
Bộ Kinh tế Nga cho biết hôm 16/3 rằng, giá đồng rúp suy yếu thê thảm trong bối cảnh các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây. Lạm phát tăng mạnh khi đồng tiền nội tệ Nga (Rub) giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại trong bối cảnh nhu cầu tăng đối với nhiều loại hàng hóa, từ thực phẩm đến ô tô, các chuyên gia dự đoán giá của chúng sẽ còn tăng thêm nữa.
Dữ liệu của Rosstat cho thấy, giá của hầu hết mọi thứ từ thức ăn trẻ em đến dược phẩm đều tăng mạnh trong tuần trước, với giá đường và cà chua tăng hơn 12%. Ngân hàng trung ương Nga đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát hàng năm ở mức 4%, nhưng họ tăng tỷ lệ chủ chốt này lên 20% vào cuối tháng 2 vừa qua.
Các nhà phân tích của Raiffeisen Bank cho biết: "Các điều kiện tiền tệ thắt chặt tạo điều kiện cho lạm phát tăng tốc và theo quan điểm của chúng tôi, Nga sẽ không thể cứu đất nước mình bởi mức tăng vọt lạm phát có thể còn đạt hơn trên 20% trong năm nay".
Dưới đây là cái nhìn về cách các lệnh trừng phạt đang tàn phá cuộc sống hàng ngày của người dân Nga:
Một người dùng mạng xã hội đến từ thành phố Samara, miền tây nam nước này, người tự nhận mình là Ivan cho biết, một hộp cá ngừ hiện có giá từ 160-180 rúp, so với mức trước đây là 130 rúp. Ông cũng nói trong một bài đăng trên Twitter rằng, không thể tìm thấy đường ở nhiều cửa hàng tại Nga.
Trong khi đó, đồng rúp của Nga đã mất khoảng 20% giá trị trong ba tuần qua, khiến nhiều nhà bán lẻ tăng giá. Một trong số đó là Procter & Gamble, họ đã tăng giá trung bình 40%, theo báo cáo của Kommersant do chi phí hậu cần, vật liệu cao hơn mà giá trị đồng rúp lại giảm. Hãng thông tấn TASS đưa tin để đối phó với sự gia tăng chi phí, các nhà bán lẻ cam kết tăng 5% cho các mặt hàng cơ bản, bao gồm các sản phẩm từ sữa và một số loại rau quả.
Khan hiếm thuốc
Sasha, một phụ nữ sống ở Saint Petersburg yêu cầu được giấu tên mô tả một "hàng người xếp dài vô tận" trước các hiệu thuốc với giá thuốc ngày càng tăng. Cô nói, hai người bạn của cô đang cân nhắc đến Phần Lan để lấy thuốc cần thiết.
Trong khi ngành bán thuốc, dược phẩm không bị trừng phạt, nhưng giá dự kiến sẽ tăng mạnh, mặc dù mức tăng sẽ không bằng các mặt hàng khác, sau khi các công ty vận chuyển lớn tạm dừng dịch vụ của họ đến Nga. Truyền thông địa phương Nga còn đưa tin, giá thuốc ở vùng Saratov tăng từ 2,3-6,7%.
Andrey Baratov, người đứng đầu bộ phận khu vực của Roszdravnadzor - cơ quan liên bang giám sát chăm sóc sức khỏe nói rằng, họ không mong đợi một sự tăng giá thuốc, bởi điều này sẽ "gây hệ lụy" nghiêm trọng, mặc dù ông cho biết chính quyền đã nghe thấy những lời phàn nàn từ người dân về việc thiếu thuốc quan trọng tại các hiệu thuốc, và nghi ngờ về tính phù hợp của thuốc Nga trong việc thay thế thuốc ngoại.
Thất nghiệp gia tăng
Sau một số do dự, các quốc gia phương Tây đã đồng ý loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, có nghĩa là các công ty như Visa, Mastercard và các công ty khác sẽ hạn chế rất nhiều dịch vụ của họ.
Theo Elina Ribakova, một nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế, một động thái như vậy cùng với các lệnh trừng phạt khác có thể khiến nền kinh tế Nga suy giảm 10%.
Mặc dù chưa có con số chính thức, nhưng việc đóng cửa hoặc rời đi của một số lượng lớn các công ty đa quốc gia như Apple và IKEA được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến số liệu việc làm. Công ty nhượng quyền thức ăn nhanh McDonald của Mỹ đã "lo lắng" cho số phận hiện tại đối với khoảng 62.000 nhân viên làm việc tại 850 nhà hàng ở Nga, sau khi công ty tạm dừng hoạt động kể từ ngày 8/3.
Một nhà phân tích được trang Kommersant trích dẫn ước tính mức lương việc làm ở Nga giảm là "không thể tránh khỏi", và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng khoảng 7% vào cuối năm 2022.
Sergei Grishunin, giám đốc điều hành của Cơ quan xếp hạng quốc gia Nga nói với trang tin tức địa phương Gazeta.ru rằng, ông dự đoán sẽ có "sự tăng trưởng bùng nổ" về số vụ phá sản vào năm 2022 ở Nga, tăng hơn gấp đôi so với năm trước.
Những hậu quả kinh tế có thể xảy ra sau khi chiến sự Nga – Ukraine bùng nổ, và phản ứng của cộng đồng quốc tế là gì? Mới đây, công trình Nghiên cứu Sáng kiến về Thị trường Toàn cầu đã khảo sát các nhà kinh tế Hoa Kỳ và Châu Âu tại các trường đại học hàng đầu, bao gồm Christopher Pissarides và Ricardo Reis của LSE. Họ bày tỏ quan điểm của mình về nguy cơ suy giảm tiềm năng đối với nền kinh tế Nga, nền kinh tế châu Âu, cũng như tăng trưởng và mức lạm phát toàn cầu.
Tuyên bố 1. Hậu quả từ chiến sự Nga - Ukraine sẽ làm giảm đáng kể mức tăng trưởng toàn cầu, và làm tăng lạm phát toàn cầu trong năm tới.
Hơn 3/4 thành viên hội đồng đồng ý với tuyên bố này, và phần còn lại là không chắc chắn. Dựa trên mức độ tin cậy của mỗi chuyên gia đối với câu trả lời của họ, 16% hội đồng của Hoa Kỳ hoàn toàn đồng ý, 65% đồng ý, 19% không chắc chắn và 0% không đồng ý. Trong số các hội đồng châu Âu, 34% rất đồng ý, 44% đồng ý, 22% không chắc chắn và 0% không đồng ý.
Trong số các bình luận ngắn mà các chuyên gia đưa vào câu trả lời của họ, Karl Whelan tại Đại học College Dublin, người hoàn toàn đồng ý với tuyên bố trên nói: 'Đây là một cú sốc tiêu cực cổ điển. Như chúng ta đã biết từ những năm 1970, những cú sốc này làm tăng lạm phát và giảm sản lượng". Larry Samuelson tại Yale, người đồng ý với tuyên bố trên nhận xét: "Một cuộc xung đột kéo dài, cùng với những tai ương hiện có của chuỗi cung ứng sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế thế giới".
Còn Christopher Pissarides tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) giải thích: "Hậu quả sẽ là thông qua dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác. Nguồn cung sẽ giảm nên giá cả và chi phí sản xuất sẽ tăng lên". Franklin Allen tại Đại học Hoàng gia London lưu ý thêm: "Cuộc chiến sự đang ảnh hưởng đến lạm phát với dầu, khí đốt và nhiều mặt hàng khác đang ở mức cao; Nền kinh tế Nga không lớn, nhưng việc tăng giá năng lượng sẽ có tác động tiêu cực đến một số thị trường mới nổi và Liên minh châu Âu".
Tuyên bố 2. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đã được thực hiện sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái sâu sắc ở Nga.
Về tuyên bố này, hơn 90% thành viên tham gia hội thảo đồng ý và không có ai không đồng ý. Được tính theo độ tin cậy của từng chuyên gia đối với câu trả lời của họ, 16% hội đồng của Hoa Kỳ đồng ý, 77% đồng ý, 8% không chắc chắn và 0% không đồng ý. Trong số các hội đồng châu Âu (lại được tính theo độ tin cậy của từng chuyên gia đối với câu trả lời của họ), 45% rất đồng ý, 49% đồng ý, 6% không chắc chắn và 0% không đồng ý.
Ý kiến từ những người đồng ý bao gồm Larry Samuelson, người này nói: "Nước Nga đã xuất hiện dần dần các dấu hiệu của sự gián đoạn kinh tế, mặc dù hậu quả sắp tới sẽ là một cuộc suy thoái sâu sắc".
Còn Jan-Pieter Krahnen gợi ý: 'Mặc dù tôi dự đoán rằng sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái do toàn cầu rút khỏi Nga, nhưng cũng có một số tác động ngược lại từ việc tăng doanh thu năng lượng". Franklin Allen nói thêm: "Vẫn chưa chắc chắn về mức độ hiệu quả của các biện pháp trừng phạt và mức độ Trung Quốc giúp Nga có tránh được các hậu quả hay không. Nhưng có vẻ như sản lượng sẽ giảm".
Một số tham luận viên cũng đồng ý về tầm quan trọng của phạm vi áp dụng từ các biện pháp trừng phạt và khoảng thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt. Kenneth Judd tại Stanford tuyên bố: 'Đúng, NẾU chúng ta duy trì chúng. Chúng ta không thể rút lui. Chúng ta phải duy trì sự siết chặt đoàn kết này đối với Putin". Daron Acemoglu tại MIT nói: 'Có, nhưng hãy nhớ lại rằng các trừng phạt chưa hoàn toàn toàn diện. Phương Tây nên ngừng mọi hoạt động nhập khẩu khí đốt và loại trừ tất cả các ngân hàng Nga khỏi Swift".
Tuyên bố 3. Nhắm mục tiêu vào nền kinh tế Nga thông qua lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu dầu và khí đốt mang lại nguy cơ suy thoái cao ở các nền kinh tế châu Âu.
Được tính theo độ tin cậy của mỗi chuyên gia đối với câu trả lời của họ, 19% hội đồng của Hoa Kỳ đồng ý mạnh mẽ, 42% đồng ý, 40% không chắc chắn và 0% không đồng ý. Trong số các hội đồng châu Âu, 16% hoàn toàn đồng ý, 61% đồng ý, 19% không chắc chắn và 3% không đồng ý.
Trong số những người đồng ý hoặc đồng ý mạnh mẽ, Luigi Guiso tại Viện Kinh tế và Tài chính Einaudi lưu ý: "Châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, việc thay thế cần có thời gian đáng kể". Chuyên gia Christopher Pissarides cũng đồng tình: "Đức hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Một cuộc suy thoái trong đó và một số khác sẽ mang lại suy thoái cho châu Âu". Tương tự, chuyên gia Lubos tại Chicago chỉ ra rằng: "Một số nền kinh tế lớn của châu Âu, bao gồm cả Ý và Đức phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga".
Những người khác không chắc chắn thừa nhận những mặt trái và cũng không chắc rằng chúng sẽ dẫn đến suy thoái ở châu Âu. Daron Acemoglu nói: "Tất nhiên, nó sẽ tốn kém hơn cho châu Âu, nhưng không rõ liệu nó có đẩy Châu Âu vào cuộc suy thoái trầm trọng hay không". Jean-Pierre Danthine tại Trường Kinh tế Paris gợi ý: "Rõ ràng sẽ dẫn đến sự suy thoái, có thể là suy thoái nhưng chỉ ở một số nền kinh tế phụ thuộc quát sát vào Nga mà thôi". Và Karl Whelan trả lời: "Không chắc. Đó là một yếu tố tiêu cực nhưng sự phục hồi sau đại dịch đã rất mạnh mẽ và bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình Châu Âu đang rất tốt".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.