Lạm phát thấp và cơ hội

Minh Huệ Thứ tư, ngày 27/08/2014 05:10 AM (GMT+7)
Các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,22%, sau 8 tháng tăng 1,84%. Đó là các tốc độ tăng thấp nhất trong 11 năm qua.
Bình luận 0

Từ diễn biến 8 tháng và lượng định các yếu tố tác động trong 4 tháng còn lại (chi phí đẩy, cầu kéo, tài chính- tiền tệ, hiệu quả đầu tư và năng suất lao động, tâm lý), các chuyên gia dự đoán CPI cả năm 2014 có thể chỉ tăng khoảng 5%. Nếu dự đoán đó là đúng, sẽ xuất hiện 4 điểm nhấn thông qua so sánh. CPI năm 2014 sẽ tăng thấp nhất so với 10 năm trước đó. Năm 2014 sẽ là năm thứ ba liên tiếp CPI tăng chậm lại, chấm dứt chu kỳ lặp lại trong 8 năm (từ 2004 đến 2011) là “cứ 1 năm tăng thấp thì có 2 năm tăng cao”. CPI tăng thấp tương đối xa so với mục tiêu theo Nghị quyết do Quốc hội đề ra (tăng 7%). Nếu tăng thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra thì đó là một thành công quan trọng; và nếu tăng trưởng GDP cao hơn năm trước và đạt được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra, thì đó là thành công kép.

Lạm phát tăng thấp trong 8 tháng và khả năng tăng thấp trong cả năm sẽ đưa đến các cơ hội cho các chủ thể chủ yếu trên thị trường.

Người tiêu dùng sau thời gian dài “thắt lưng buộc bụng”, nay có thể chi tiêu khi giá thấp; khi giá bất động sản gần chạm đáy ở phân khúc (nhà có diện tích nhỏ, có giá thấp, ở nội thành các đô thị lớn). Đối với người ít tiền, nhàn rỗi để dành…, thì tiếp tục gửi tiết kiệm, vừa an toàn, vừa có chút lãi suất thực dương…

Các nhà sản xuất kinh doanh có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay, khi lãi suất hạ, nợ được cơ cấu lại, tín dụng tăng; có cơ hội tăng tiêu thụ, giảm tồn kho.

Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô có thể yên tâm hơn với lạm phát, có dư địa để tập trung hơn cho tăng trưởng cao hơn, với việc chuyển đổi chính sách và các giải pháp quản lý, điều hành. Miễn, giảm, hoãn một số khoản thu ngân sách, hỗ trợ lãi suất đầu tư hoặc cho vay tạm trữ sản phẩm khi giá cả xuất khẩu bị sụt giảm; huy động trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp hơn để đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng nông thôn mới… Hạ lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu, tăng tốc độ tín dụng, tránh dồn cục vào những ngày cuối năm… Thực hiện lộ trình giá thị trường (kể cả tăng và giảm) đối với một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trên cơ sở giám sát kiểm tra, cân nhắc thời điểm, liều lượng... Đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu xã hội, các mục tiêu có tính dài hạn, như tái cơ cấu nền kinh tế,thực hiện 3 đột phá chiến lược… Tiếp tục mua USD tăng dự trữ ngoại hối, tăng trả nợ nước ngoài.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem