Lạm phát thực sự là bao nhiêu?

Thứ tư, ngày 27/04/2011 11:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một số ý kiến cho rằng, mức lạm phát thực tế còn cao hơn rất nhiều so với các con số được cơ quan thống kê công bố. Lấy dẫn chứng cho nhận định này, nhiều ý kiến đưa ra so sánh, lạm phát của tháng 4.2011 thực chất đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận 0

“Khác với mọi năm, mức độ tăng giảm của lạm phát năm nay sẽ phức tạp và khó dự đoán” là ý kiến của hầu hết các chuyên gia kinh tế trước việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng đến... giật mình.

Đã xác lập đỉnh lạm phát hay chưa?

Với mức tăng CPI tháng 4 của cả nước là 3,32% đã gây bất ngờ ngoài dự đoán. Câu hỏi đang đặt ra lúc này không chỉ với giới chuyên gia kinh tế, mà cả với người dân là liệu mức tăng này có phải là “đỉnh” lạm phát của năm 2011 hay không (?). Bởi theo nhiều chuyên gia cho rằng, với độ trễ của các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô mức tác động của các chính sách kiềm chế lạm phát dường như chưa rõ ràng.

img
Giá cả các mặt hàng thực phẩm trong tháng 4.2011 tăng ngoài dự kiến.

Như vậy, nếu theo suy đoán thì dường như đỉnh của lạm phát chưa chắc đã rơi vào tháng 4. Với độ trễ của các chính sách thì nhiều ý kiến dự báo biểu đồ lạm phát năm nay sẽ phá vỡ quy luật mọi năm, và quan trọng hơn cả là khả năng lạm phát sẽ vẫn tiếp tục xu hướng tháng sau tăng cao hơn tháng trước.

Phân tích về nguyên nhân khiến CPI liên tục tăng cao, không chỉ bắt nguồn từ việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu, nhiều ý kiến cho rằng: Ngoài hai nguyên nhân chính là "cầu kéo" và "chi phí đẩy", thì còn có một nguyên nhân có ảnh hưởng không kém, đó là tâm lý của người dân.

img Giải pháp để kiểm soát lạm phát thành công, hiện các bộ, ngành đang triển khai cắt giảm chi tiêu công, mức độ cắt giảm mới trên dưới 3.000 tỷ đồng chưa phải là nhiều, và cần phải cắt giảm nhiều hơn nữa để chính sách tài khóa và chính sách chi tiêu công liên kết được với chính sách tiền tệ. img

Với nền kinh tế nhỏ, tâm lý "tiền mất giá" ngày càng chiếm xu thế, vì vậy trước mọi biến động về giá của một mặt hàng chủ yếu như xăng dầu, điện, tiền lương và lương thực đều kéo theo rất nhiều mặt hàng khác tăng, mặc dù các mặt hàng này không chiếm quá nhiều chi phí trong giá thành.

Bình luận về mức lạm phát tháng 4 liệu đã phải là “đỉnh” của lạm phát năm 2011 hay chưa, TS Vũ Đình Ánh - Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định: “Không thể đưa ra một dự báo chính xác bởi diễn biến của lạm phát năm 2011 sẽ rất phức tạp. Nó sẽ rất khó để dự đoán, không như diễn biến thông thường mọi năm”.

Tuy nhiên, nhận xét về nhận định được Bộ Công Thương mới đưa ra là CPI tháng 5 tới đây sẽ giảm, ông Ánh cho rằng: Thị trường thế giới biến động rất mạnh, đồng thời với những bất ổn ở Trung Đông và sóng thần ở Nhật Bản, đã tác động lớn đến thị trường Việt Nam. Bên cạnh hàng loạt các chỉ số phức tạp khác mà chúng ta không thể lường hết được, thì chỉ một ví dụ đơn giản về giá dầu thô chúng ta cũng không biết sắp tới sẽ ra sao. “Nếu nói lạm phát sẽ giảm trong tháng 5, là thiếu căn cứ” - ông Ánh nhấn mạnh.

Lạm phát thực sự là bao nhiêu?

img Mặc dù mức lạm phát cao nhưng công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu về các chính sách của Nhà nước đã được thực hiện tốt nên đã tránh được tâm lý cuống cuồng đầu cơ, tích trữ đẩy giá hàng hóa lên cao, gây nhiễu loạn thị trường như đã từng xảy ra trước đây. img

Một số ý kiến cho rằng, mức lạm phát thực tế còn cao hơn rất nhiều so với các con số được cơ quan thống kê công bố. Lấy dẫn chứng cho nhận định này, nhiều ý kiến đưa ra so sánh, lạm phát của tháng 4.2011 thực chất đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số này tuy chưa cao tới mức bằng năm 2008 (xấp xỉ 20%) nhưng cũng là một con số đáng giật mình bởi vẫn chưa thấy xu hướng giảm.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong -Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng:

Mức lạm phát của tháng 4 mặc dù đã được “cảnh báo” trước nhưng vẫn gây sự bất ngờ bởi đây là một trong những “đỉnh” cao của nhiều chục tháng nay. Nó là hệ quả của một loạt các chính sách điều chỉnh và hiện vẫn đang đặt ra những yêu cầu hết sức nặng nề trong việc ổn định kinh tế xã hội đối với cả Chính phủ và người dân, nhất là người thu nhập thấp.

“Nhìn vào con số lạm phát tháng 4 và 4 tháng đầu năm với mức trên 3% và xấp xỉ 10%, cho thấy khả năng mức lạm phát năm nay ít nhất cũng gấp đôi dự kiến đề ra” - TS Nguyễn Minh Phong nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem