Trong khi các nhà kinh tế đang mải tính các con số, thì có mấy con số từ một điều tra xã hội học cho thấy, có từ 16,4-60,6% công nhân bị stress ở dạng thường xuyên hoặc thỉnh thoảng, mà nguyên nhân cụ thể gây stress nhiều nhất chính là do thu nhập thấp (75,1%), đời sống vật chất thiếu thốn (81,1%), lo sợ về cuộc sống (61,7%).
Những “bất bình thường” trong cuộc sống của công nhân hầu hết đều xuất phát từ một vấn đề rất bình thường, đó là thu nhập thấp, giá cả tăng, đời sống quá kham khổ, và không biết thoát ra khỏi tình trạng bế tắc này bằng cách nào!
Nếu bằng sự nhịn ăn nhịn tiêu thì họ đã nhịn tới gần tận cùng giới hạn rồi, nhưng lương thấp và không tăng mà vật giá thì leo thang mỗi ngày. Đời sống người công nhân đã bị bức bách về vật chất, lại còn nghèo nàn về tinh thần.
Họ không có bất cứ sinh hoạt văn hoá hay giải trí nào ngoài xem TV trong giờ nghỉ, mà TV nhiều khi cũng không sắm nổi để xem hay mệt quá không xem nổi. Với cuộc sống như thế mà đòi hỏi công nhân phải làm việc có năng suất và chất lượng thì quả là khó khăn.
Các “ông bà chủ” không phải không biết điều đó, nhưng sự cạnh tranh trong sản xuất công nghiệp bây giờ bắt đầu bằng cạnh tranh giá nhân công rẻ. Nhiều xí nghiệp hay doanh nghiệp rất thiếu nhân công nhưng không dám tăng lương để thu hút lao động vì sợ sản phẩm đội giá thành.
Chính cái “lợi thế nhân công giá rẻ” là nguyên nhân chủ yếu khiến thu nhập của công nhân thấp như vậy. Gặp thời buổi “thóc cao gạo kém” nữa thì đời sống công nhân “bất bình thường” cũng là chuyện “bình thường”-một chuyện “bình thường” vô cùng xót xa!
Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp để kéo lạm phát và giữ “ở một con số”, nhưng cùng với điều đó thì những biện pháp nhằm tháo gỡ bớt khó khăn trong đời sống hàng ngày của công nhân không thể không tính đến.
Những xe hàng “bình ổn giá” phải đến trước nhất với những “làng công nhân” và cung cấp những nhu yếu phẩm với giá hạ hơn giá thị trường cho công nhân. Chính quyền phải phối hợp với các chủ doanh nghiệp để tìm những biện pháp nhằm giữ ổn định đời sống công nhân (vốn xuất thân hầu hết từ nông thôn, là nông dân), không để công nhân đời sống vốn đã khổ đã khó nay lại khó thêm khổ thêm.
Thanh Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.