Làm phim mới về nông thôn: Từ "hết hồn" đến "sướng phát điên"

Khánh Linh - Hồng Liên (thực hiện) Thứ ba, ngày 22/03/2016 07:34 AM (GMT+7)
"Tôi đã "hết hồn" bởi toàn bộ bối cảnh đã quay trước đó bây giờ chẳng còn lại gì, đường làng bê tông hóa, đình làng cổ bị "dẹp sạch"... Nhưng có lẽ do ông trời thương mình vất vả quá nên run rủi thế nào trong dịp về quê một người bạn chơi tôi đã gần như "sướng phát điên" khi tìm thấy nơi có bối cảnh vẫn nguyên vẹn không khí xưa"...
Bình luận 0

"Từng làm nhiều phim về đề tài nông thôn nên khi đọc xong kịch bản phim này tôi đã rất yên tâm khi nghĩ rằng bối cảnh quay vẫn còn nguyên ở đó... nhưng đến khi đi thực tế chọn cảnh tôi đã "hết hồn" bởi toàn bộ bối cảnh đã quay trước đó bây giờ chẳng còn lại gì, đường làng bê tông hóa, đình làng cổ bị "dẹp sạch" ... Nhưng có lẽ do ông trời thương mình vất vả quá nên run rủi thế nào trong dịp về quê một người bạn chơi tôi đã gần như "sướng phát điên" khi tìm thấy nơi có bối cảnh vẫn nguyên vẹn không khí xưa. 60% cảnh quay được thực hiện ở xã Thanh Bình, huyện Ý Yên, Nam Định - nơi vẫn còn lưu giữ được khá nguyên vẹn không gian làng quê Bắc bộ xưa", đó là chia sẻ của đạo diễn Trần Quốc Trọng khi nói về quá trình thực hiện "Gia phả của đất" - bộ phim truyền hình 38 tập tái hiện lại cuộc sống ở một vùng quê với những xung đột ngầm trong vẻ bề ngoài yên ả.

img

Đạo diễn Trần Quốc Trọng (trái) chỉ đạo một cảnh quay. 

Đạo diễn Trần Quốc Trọng đã dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện xung quanh bộ phim mới nhất của ông:

Xin đạo diễn cho biết điểm mới mẻ và khác biệt nhất của "Gia phả của đất" so với những bộ phim về đề tài nông thôn cũng đã rất thành công trước đó như "Ma làng", "Bão qua làng", "Bí thư tỉnh ủy"...?

-  Quả thực, "Gia phả của đất" với tôi là một bộ phim rất đau đầu bởi tôi đã làm quá nhiều phim về đề tài nông thôn từ "Hương đất" đến "Bí thư tỉnh ủy" rồi đến "Bão qua làng"... Rất nhiều bộ phim về đề tài nông thôn mà câu chuyện nông thôn với quan niệm của khán giả thì chuyện làng chuyện xóm nó cũng đến thế. Thế nhưng, nếu người làm biết khai thác thì nó sẽ có muôn hình vạn trạng những câu chuyện, những góc khuất. Mình phải chỉ ra được những điểm khác ở những góc khuất đó.

Làm bộ phim "Gia phả của đất" này tôi có một vài lợi thế. Phim dựa trên cuốn tiểu thuyết của tác giả Hoàng Minh Tường - người được mệnh danh là “cây bút của làng quê viết về nông thôn có hạng”. Trên cơ sở đó, khi làm "Gia phả của đất", tôi có thể làm khác với những bộ phim khác ở chỗ, câu chuyện của những bộ phim khác gần như đó là những tình huống của cuộc sống và thay đổi quan niệm của một cộng đồng. Ở "Gia phả của đất", nội dung chủ yếu bám vào thân phận của các nhân vật, có chiều sâu. Còn những chuyện khác như chuyện làng, chuyện xóm, chuyện lúa thì chỉ là phông nền, chỉ có thân phận của mỗi nhân vật thì sẽ có những độ hấp dẫn và thú vị riêng của nó so với các thể loại khác.

Nếu dựa theo cuốn tiểu thuyết của nhà văn Hoàng Minh Tường thì bộ phim có bối cảnh gói gọn trong 30 năm (từ những năm 70 đến năm 2000). Vậy liệu rằng người xem của thời hiện đại có thấy được những hơi thở và dấu ấn của ngày hôm nay trong câu chuyện và thông điệp phim?

img

Bối cảnh những năm 70 được đoàn làm phim tái hiện

- Đương nhiên, khi làm phim đạo diễn phải thường xuyên chuyển tải ý tưởng của mình cho các thành phần đoàn phim như diễn viên, quay phim thì tất cả anh em mới có thể nắm rõ được sự xuyên suốt trong cả quãng thời gian cách nhau khoảng chừng 30 năm, từ thời bao cấp chuyển sang thời hiện tại.  Nhưng đến thời hiện đại, vẫn là câu chuyện về làng quê nhưng thái độ của những con người đã được mảnh đất đó sinh ra đã khác.

Thái độ của họ với vùng quê như thế nào thì đó lại là một bước nhảy khác về mặt tư duy cũng như cách khai thác của bộ phim. Sự khác đó vẫn là sự gắn kết của những con người ở làng quê nhưng cũng có những sự thay đổi, mà chính khán giả chắc cũng sẽ tìm để thấy được mảnh đất mình đã sinh ra, mình làm được gì cho họ? mình đã làm được gì cho mảnh đất ấy? hay chỉ là mình quay về phá tiếp.  Đó cũng là một trong những điều tôi muốn chuyển tải đến khán giả xem truyền hình.

Bộ phim có bám sát hoàn toàn theo nguyên mẫu tác phẩm của nhà văn Hoàng Minh Tường hay trong quá trình thực hiện đoàn phim vẫn đưa vào đó những câu chuyện thời sự nóng của ngày hôm nay?

- Từ xưa tới nay chúng ta luôn nghĩ chuyển thể là tuân thủ theo nguyên tác. Thế nhưng, cá nhân tôi không quan niệm chuyển thể là chuyển một cách máy móc, tiểu thuyết viết ra cái gì là chúng ta làm đúng những cái đó. Trước đây, tôi cũng đã làm nhiều phim chuyển thể từ tác phẩm văn học như "Mùa lá rụng", "Ngõ lỗ thủng",... Đương nhiên mình phải giữ và không được xuyên tạc tinh thần của tiểu thuyết. Thế nhưng có những thời điểm, tiểu thuyết viết ra có thể phù hợp lúc đó, nhưng ở góc nhìn của ngày hôm nay thì có thể không còn phù hợp nữa. Tôi cùng với anh em tác giả tìm ra được những cách chuyển tải ý tưởng theo một hướng khác gần gũi với đời sống ngày hôm nay. Tôi coi đó nó là lần sáng tạo thứ hai mà đạo diễn được quyền làm. Miễn là anh không phá hoại tiểu thuyết, hay không làm hỏng tiểu thuyết, còn khi anh nâng cao tiểu thuyết lên thì tôi nghĩ đấy cũng là một điều thú vị.

 Ví dụ như "Gia phả của đất" gồm hai tiểu thuyết gộp lại là "Thủy hỏa đạo tặc" và "Đồng sau bão" . "Thủy hỏa đạo tặc" là cuốn sách xuất sắc, khá tốt và rất tuyệt về mặt nông thôn của một thời kỳ duy ý chí. Chúng tôi gần như là giữ nguyên, có thay đổi một chút xíu do điều kiện quay cũng như để phù hợp với bối cảnh. Còn với tiểu thuyết "Đồng sau bão" thì tôi đã ngồi cùng tác giả tiểu thuyết và anh Tất Bình (NSƯT Đặng Tất Bình tham gia bộ phim với vai trò biên kịch - PV) để tranh luận khá quyết liệt nhằm tìm ra một góc nhìn khác vẫn trên cơ sở của "Đồng sau bão". Tác giả Hoàng Minh Tường viết nó ở góc nhìn chống tham nhũng, còn cá nhân tôi thì không phải nhằm mục đích như vậy. Bởi khi nối từ "Thủy hỏa đạo tặc" sang thì tôi vẫn phải đi theo thân phận của các nhân vật. Chính vì thế cho nên tôi phải tranh luận và tìm ra hướng cuối cùng. Cũng rất vui là anh em đều thống nhất và nhất trí với cách khai thác khác của tôi. Vì thế ở phần nửa sau phim có khá nhiều cái khác so với tiểu thuyết "Đồng sau bão".

img

NSƯT Hoàng Hải - NSND Minh Châu - MC, diễn viên Danh Tùng trong một cảnh quay

Bộ phim được quay rất công phu với thời gian thực hiện tận 2 năm, xin đạo diễn chia sẻ đôi chút về những vất vả mà đoàn phim gặp phải?


"Cứ chờ lúa chín để quay thì có lẽ là đến ba vụ lúa chưa chắc đã quay xong vì tất cả các ảnh đều dính tới lúa, kể cả lúa xanh lẫn lúa chín. Rất may là VFC đã được đầu tư những thiết bị mới sử dụng công nghệ chỉnh màu hiện đại nên có thể "nhuộm màu" cho lúa. Lúc ấy, chúng tôi rất yên tâm là lúa vừa cấy xong cũng đã có thể mang ra đập được. Chúng tôi có được những cảnh quay mưa bão xối xả cũng là nhờ sử dụng hiệu ứng kỹ thuật"
- đạo diễn Trần Quốc Trọng tiết lộ.
 

- Chúng tôi phải làm rất nhiều cảnh vất vả mà yêu cầu đông người. Đoàn làm phim đã phải quay, bỏ tiền ra mua mấy sào lúa làm đạo cụ để quay. Bà con nông dân bây giờ rất hiện đại, nếu không quay nhanh thì chỉ cần 10 phút với một cái máy gặt là xong hàng sào ruộng. Như vậy, sẽ không có lúa mà quay cho nên chúng tôi phải mua lại hàng sào lúa của bà con để làm đạo cụ. Khi lúa chín phải tranh thủ "cắm đầu cắm cổ" vào quay cho xong. Thế mà bỗng nhiên một ông diễn viên ở trong cảnh đó lại diễn sai nữa thì đúng là bọn tôi đi "cắn lưỡi". Để có được một sự phối hợp nhịp nhàng, chỉn chu đông người thực sự rất vất vả.

Trong quá trình quay phim, chúng tôi phải căn từng thời điểm, thậm chí có những phân cảnh lúa chưa chín thì bọn tôi lại chuyển về những cảnh ở thành phố và dặn bà con là hôm nào các ông các bà gặt thì ới cho chúng tôi một câu. Khi nhận được thông báo lúa chín thì cả đoàn lại dẹp hết mọi việc sang một bên rồi ào ào về quê như "đi ăn cướp", khẩn trương quay những cảnh gặt bởi vì mình hoàn toàn phụ thuộc vào vụ mùa.

Có những việc tưởng chừng không phải khó khăn những hóa ra lại là khó khăn khá lớn với đoàn làm phim, ví dụ như việc huy động diễn viên quần chúng. Bà con nông dân bây giờ làm nông rất nhàn, cấy xong là ở nhà nên cứ nghĩ dễ mời họ đi đóng quần chúng , đi ra tí buổi sáng thôi cũng được trăm nghìn nhưng ai dè bà con bảo: “Nắng thế này chỉ có các bác mới ra đồng chứ thôi bọn em ở nhà”. Giời ơi, đi huy động quần chúng khổ không thể tưởng được!

img

Một cảnh quay đông người huy động nhiều diễn viên quần chúng

Khán giả thưởng thức có xu hướng thích "hoài cổ", việc được xem lại và hồi tưởng lại những khung cảnh xa xưa chắc hẳn sẽ khiến nhiều người thích thú và háo hức, nhưng ngược lại nếu "bắt lỗi" phải những chi tiết chưa đạt, chưa chuẩn thì họ cũng sẽ chê được ngay. Điều này có phải là áp lực đối với đạo diễn và đoàn làm phim?

- Thứ nhất là khi làm phim anh cần cẩn trọng đến hết mình, đó là nguyên tắc bất di bất dịch của tất cả những người làm phim, phải luôn luôn phải cận trọng đến mức tối đa. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi được những sơ suất bởi vì làng quê bây giờ đã khác nhiều. Về quê giờ hỏi thanh niên nam nữ cái néo lúa là cái gì họ không biết bởi hiện tại máy thì gặt tại đồng, tuốt ngay tại chỗ và đóng bao, nông dân chỉ việc ra chở thóc về thôi.

Đến khi đó cá nhân tôi cũng như đoàn làm phim phải tìm lại những người già và đặt họ làm những chiếc néo lúa. Và những người già ấy phải hướng dẫn lại cho diễn viên chúng tôi để tập thế nào là néo lúa, thế nào là đập lúa. Nói gì thì nói, chúng ta vẫn không thể thành thục được như bà con nông dân thực sự, cho nên cũng có thể có những cái vụng dại những cái sơ sểnh nào đó ở một cảnh quay.

Nếu bộ phim được khán giả đón nhận và ủng hộ thì liệu đạo diễn và đoàn làm phim có dự định làm tiếp "Gia phả của đất" phần 2 với bối cảnh từ sau năm 2000 đến nay như một số bộ phim đề tài nông thôn vẫn mở ra phần 2 không?

- Tôi không bao giờ có quan niệm về làm phim xong được khán giả ủng hộ rồi lại nối tiếp phần hai bởi vì phần 2 đó có hay không, không phải do tôi quyết mà do cuộc sống quyết định, có đáng làm  hay không làm chứ không phải do một cá nhân thích, khán giả đang thích, anh nối ra anh bịa ra thêm thì tôi không có thói quen làm cách đó.

Vì thế nên nếu phần 1 tốt thì cũng nên có điểm dừng. Còn phần 2 nếu thích chúng ta có thể chọn một phim khác cũng vẫn đề tài nông thôn nhưng theo những cách khác đi, những câu chuyện, những vùng đất khác đi. Tại sao lại cứ phải nối dài thêm phần 2 khi mà tôi tin là những cái nối dài như thế, khán giả xem đến một nửa là khán giả chán.  Các cụ có một câu là "nói dài nói dai thành nói dại".

Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài THVN chia sẻ: “Những năm qua, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) luôn cố gắng và nỗ lực sản xuất những bộ phim như "Gia phả của đất" với bối cảnh ở những vùng nông thôn, những câu chuyện ở nông thôn. Tôi cho rằng đây là một bộ phim được "xếp hạng 4K" ở chỗ: đề tài thì KHÔ, quay phim và kịch bản viết thì KHÓ làm, đội ngũ diễn viên và sáng tác thì rất KHỔ, nhưng khi phát sóng thì rất KÉN khán giả. Nhưng chúng tôi vẫn coi những bộ phim như "Gia phả của đất" sẽ góp phần tạo nên giá trị cho phim Việt”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem