|
Lao động nông thôn cần được học nghề bài bản (ảnh chụp tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội). |
Cần khai thác hiệu quả các trung tâm dạy nghề sẵn có
Cá nhân tôi cho rằng, việc triển khai xây dựng và đầu tư cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện là rất nên, nhưng cần lưu ý vì ở cấp huyện đã có khá nhiều cơ sở liên quan đến đào tạo, như trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm bồi dưỡng chính trị, dịch vụ nông nghiệp, các doanh nghiệp, trường dạy nghề.
Ngoài ra còn có trung tâm học tập cộng đồng tại xã. Do đó việc nên hay không nên xây dựng trung tâm dạy nghề mới cũng nên tính toán hợp lý. Nếu địa phương đã có các trường làm tốt công tác dạy nghề rồi thì nên giao cho các trường, vì họ có đủ điều kiện vật chất và cơ sở để dạy nghề. Còn nếu vùng chưa có trung tâm dạy nghề thì cũng nên thành lập, tuy nhiên còn phải xét thực tế nhu cầu của địa phương và năng lực của địa phương. Địa phương nào có quy hoạch và mô hình cụ thể rồi thì đầu tư xây dựng, địa phương nào chưa có mô hình dạy nghề cụ thể nên lùi lại để xem xét, hoặc đầu tư giai đoạn sau. Không nên tiến hành đầu tư xây dựng đồng loạt, theo kiểu phong trào vì như thế là rất nguy hiểm.
Đặc biệt với những khu vực vùng sâu vùng xa chưa có trung tâm dạy nghề, do điều kiện vùng miền không cần thiết phải xây dựng cơ sở vật chất nhà học lớn, trang thiết bị quá hiện đại mà nên ưu tiên đầu tư cho các trung tâm học tập cộng đồng tại địa phương để tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi học.
Quan trọng nhất là hiệu quả
Phương pháp giảng dạy và cơ cấu tổ chức của các trung tâm dạy nghề cấp huyện cũng là điều cần bàn. Riêng với ngành nông nghiệp nên sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực là lấy nông dân dạy nông dân, lấy những vùng sản xuất làm mô hình học tập trực tiếp sẽ vừa hiệu quả lại tiết kiệm chi phí.
Trong quá trình tiếp xúc với các địa phương, tôi nhận thấy một thực tế, đa phần các trung tâm dạy nghề cấp huyện của chúng ta hiện nay hoạt động chưa hiệu quả. Theo tôi, để các trung tâm hoạt động hiệu quả cần đảm bảo những điều kiện như:
Thực hiện tốt nhiệm vụ liên kết: Chúng ta đã có một hệ thống gồm nhiều "kênh" để đào tạo nghề cho lao động nông thôn rồi. Điều quan trọng là phải biết tận dụng hệ thống cơ sở sẵn có ấy, thực hiện liên kết với các cơ sở đào tạo hiện có trên địa bàn, liên kết với các doanh nghiệp. Có vậy việc dạy nghề cho lao động nông thôn mới không chồng chéo và kém hiệu quả.
Thứ hai, nâng cao trình độ đội ngũ quản lý và giáo viên. Điều mà tôi lo ngại là có cơ sở vật chất rồi nhưng nếu đội ngũ quản lý kém, giáo viên không giỏi chắc chắn việc thu hút lao động học nghề sẽ khó khăn. Trong Quyết định 1956 có dành 76 tỷ đồng để bồi dưỡng nâng cấp cho giáo viên, tuy nhiên nếu có thể nên đầu tư theo chiều sâu. Nên chăng ngay từ khâu đầu tư cơ sở vật chất dành một phần nào đó đầu tư cho người sử dụng cơ sở vật chất ấy.
Thứ ba, cần phải thay đổi cách quản lý, đào tạo. Lấy việc dạy và học nghề theo định hướng thị trường, xác định nhu cầu người học làm trọng tâm. Từ đó có thể trả lời các câu hỏi dạy nghề gì? Dạy ai? Ai dạy? Dạy bằng cách nào?... để có mô hình dạy nghề phù hợp với từng ngành nghề.
Phạm Thanh Hải
(Hiệu trưởng Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc Bộ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.