Làm việc 12 tiếng một ngày
15 giờ, thời tiết dù cuối xuân nhưng nắng nóng oi bức, chị Đặng Thị Thủy (38 tuổi) - chủ vườn hoa loa kèn tất bật cắt hoa, chuẩn bị hoa để tối chở đi bán ở chợ đầu mối. Chị Thủy cho hay, hiện tại gia đình chị có tới 9 sào trồng hoa, hầu hết trồng cúc và hoa hồng thơm. Chỉ có một sào được chị dùng trồng hoa loa kèn.
Theo chị Thủy, dù chưa vào chính vụ hoa loa kèn, nhưng nắm bắt được thị hiếu người chơi, năm nào gia đình chị cũng tổ chức trồng hoa sớm để phục vụ khách hàng.
Chị Đặng Thị Thuỷ thu hoạch hoa loa kèn
“Trồng hoa loa kèn vất vả lắm. Thời gian trồng khá dài, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ. Tính ra trồng kèn này lời lãi không bằng hoa cúc (1 sào hoa loa kèn chỉ thu được tầm 20 triệu đồng/năm) và hoa hồng, nhưng vì mình cũng yêu hoa loa kèn nên cứ trồng thôi” – chị Thủy tâm sự.
Theo chị Thủy, việc trồng hoa loa kèn khá vất vả. Như vụ hoa này, chị đã phải trồng củ từ tháng 8.2018, đến giờ, sau 8 tháng mới được thu hoạch. Sau thời gian thu hoạch hoa, những củ hoa loa kèn lại được ủ trong đất đến gần cuối năm mới đào lên hong khô rồi tiếp tục ủ để trồng vụ mới.
“Không chỉ thời gian dài, việc chăm sóc hoa loa kèn cũng khá mệt. Sau khi cây hoa nhú lên khỏi mặt đất, các chủ vườn phải thắp bóng điện, chăng lưới để kích thích cây mọc nhanh, dài hơn, đồng thời ánh sáng cũng giúp phòng trừ sâu bọ làm hỏng hoa” – chị Thủy cho hay.
Anh Dũng - chồng chị Thủy cho biết, công chăm bón đã vất vả, nhưng công thu hái, bán buôn hoa cũng vất vả không kém. Thời tiết thuận lợi không sao, gặp phải cơn mưa dông đầu mùa thì cả ruộng hoa đổ rạp. Nhiều hôm anh chị phải làm quần quật cả ngày để chăm bón, cắt bán hoa.
Chị Đặng Thị Thuỷ đang thu hoạch hoa loa kèn chuẩn bị cho việc đi bán hoa ở chợ đầu mối. Ảnh: M.N
Theo báo cáo, toàn quận Bắc Từ Liêm có diện tích đất quy hoạch cho sản xuất hoa khoảng 500ha, chiếm gần 1/3 diện tích nông nghiệp. Ngoài ra, người dân Tây Tựu còn mở rộng diện tích trồng hoa bằng cách thuê đất nông nghiệp của các xã lân cận thuộc 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức (khoảng gần 300ha).
|
“Sáng sớm vợ hcồng tôi phải cắt tỉa các ruộng hoa, rồi tưới nước. Trưa chỉ kịp ăn miếng cơm rồi lại ra ruộng cắt hoa, đóng hoa để kịp giờ đi bán ở các chợ đầu mối. Hai vợ chồng lại chở nhau trên chiếc xe Cub 81 đi bán hoa. Hôm đắt khách thì tầm 11-12 giờ tối là bán hết, có hôm không gặp khách, hoa ế lại phải mang về hôm sau đi bán tiếp” – anh Dũng nói.
Anh Dũng nhẩm tính, với 9 sào đất trồng hoa, cả năm thu về được 300-400 triệu đồng nhưng trừ chi phí mua phân bón, cây giống, thuốc trừ dịch bệnh... đi thì chỉ lãi được khoảng 1 nửa. Thu nhập không cao, thời gian làm việc lại nhiều gần gấp đôi đi làm công ăn lương nhưng những lao động ở đây như anh Dũng - chị Thủy vẫn gắn bó với nghề của ông cha để lại.
Nguy cơ đối mặt với nhiều bệnh tật
Có mặt tại cánh đồng bạt ngàn với đủ các loại hoa ở Tây Tựu, phóng viên NTNN không chỉ ghi nhận được không khí lao động khẩn trương mà còn chứng kiến được cả sự vất vả, mệt nhọc của người trồng hoa.
Bà Nguyễn Thị Lan (58 tuổi) cùng con gái đang cắt tỉa những luống cúc vừa nảy mầm xanh tốt, cho biết: “Công việc này bắt buộc phải ngồi nhiều giờ. Ngồi làm việc nhiều dưới trời nắng nóng, oi bức khiến cơ thể mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt. Bao nhiêu năm làm nông nghiệp, giờ sức khoẻ cũng suy giảm nhiều khiến tôi hay mắc bệnh đau xương khớp, bệnh ngoài da”.
Cũng như bà Lan, nhiều lao động làng hoa cũng đối mặt với những căn bệnh nghề nghiệp vì phải thức khuya, dậy sớm, thường xuyên tiếp xúc với phân bón hoá học và thuốc trừ sâu.
Anh Dũng cho biết: “Làm nông nghiệp, không bê vác, không vất vả sớm hôm thì biết phải làm sao. Có đôi lần thấy đau mỏi xương sống, đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị giãn dây chằng vì mang vác nặng. Thêm vào đó, vợ chồng tôi cũng thường xuyên bị đau đầu, dị ứng mũi... do việc thường xuyên phải tiếp xúc với hoá chất, thuốc trừ sâu”.
Ông Nguyễn Anh Thơ – Cục phó Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, trên thực tế, tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp mà bà con nông dân thường gặp phải là do các dụng cụ cắt gây ra, ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật… dẫn đến bệnh ngoài da; tổn thương do sử dụng điện, máy móc, vật tư nông nghiệp chưa đúng cách...
Trong khi đó, phần lớn lao động nông nghiệp chưa được qua đào tạo nghề, làm việc theo kinh nghiệm. Nhiều người thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng máy nông nghiệp. Bà con mua máy về tự học, tự làm mà không có người giảng dạy, hướng dẫn bài bản, do vậy dễ dẫn đến những tai nạn thương tâm.
Cũng theo ông Thơ, tới đây Cục An toàn lao động và Bộ LĐTBXH cũng có nhiều chương trình hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực trong việc đảm bảo an toàn trong quá trình lao động sản xuất cho nông dân. Trong đó đặc biệt chú trọng tới tăng cường năng lực cho nông dân các làng nghề, như làng nghề trồng hoa, làng nghề trồng cây cảnh...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.