Làm sao để học và ôn hiệu quả môn Lịch sử thi vào lớp 10?

Tuệ Nguyên Thứ sáu, ngày 12/03/2021 19:15 PM (GMT+7)
Theo nhiều giáo viên, việc Sở GD-ĐT Hà Nội chọn Lịch sử là môn thứ 4 thi vào lớp 10 THPT năm 2021 là phù hợp với tình hình thực tế. Việc còn lại là làm sao để các em đạt kết quả cao nhất trong kì thi sắp tới.
Bình luận 0

Chọn môn Lịch sử thi vào lớp 10 là phù hợp

Hôm nay (12/3), Sở GD-ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ 4 của kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2021 - 2022 là Lịch sử. Các thí sinh sẽ phải trải qua 4 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. 

Làm sao để học và ôn hiệu quả môn Lịch sử thi vào lớp 10? - Ảnh 1.

Năm 2021, các thí sinh sẽ thi vào lớp 10 THPT 4 môn gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Ảnh: Tuệ Nguyên.

Năm học 2020 - 2021, kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội chỉ có 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thay vì 4 môn như các năm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Giống như năm học 2019 - 2020, Hà Nội tiếp tục chọn Lịch sử là môn thứ 4 thi vào lớp 10 năm học 2021 - 2022. Nhiều giáo viên cho rằng điều này là phù hợp với tình hình thực tế của năm 2021. 

Chia sẻ với PV Dân Việt chiều 12/3, thầy giáo Nguyễn Thế Hảo, Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn, quận Hà Đông đồng tình với lựa chọn của Sở GD-ĐT Hà Nội khi chọn Lịch sử là môn thi vào lớp 10. 

Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cả thầy và trò phải tạm dừng đến trường trong một vài tuần. Điều này không làm ảnh hưởng quá lớn đến thời gian học tập và chương trình học của học sinh. 

Hơn nữa, Lịch sử là môn có tính giáo dục cao về lòng yêu nước, truyền thống lịch sử và tinh thần tự tôn dân tộc cho học sinh. Việc lựa chọn môn này để thi vào lớp 10 là rất hợp lý. 

Nội dung kiến thức môn Lịch sử có sự liên kết giữa cả môn Địa lí cũng như Giáo dục công dân. Kho học liệu môn Lịch sử hiện giờ khá phổ biến để cả giáo viên và học sinh có thể tham khảo thông qua sách vở, báo đài, internet. 

Cũng theo thầy Hảo, Lịch sử là môn học không đòi hỏi tư duy quá nhiều, đặc biệt là hình thức thi trắc nghiệm cũng phần nào giảm bớt áp lực cho học sinh. 

"Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên môn Lịch sử chủ động lên kế hoạch ôn tập cho học sinh. Giáo viên đã có kinh nghiệm về ôn thi Lịch sử ở năm học 2019 - 2020. Đến nay, nguồn tài liệu, đề cương sẵn có sẽ biên soạn lại cho phù hợp hơn với thực tế. Việc còn lại là các em tập trung học và ôn thật tốt thì mới đạt kết quả như ý muốn", thầy Hảo chia sẻ thêm.

Cần nâng cao hiệu quả học môn Lịch sử 

Làm sao để học và ôn hiệu quả môn Lịch sử thi vào lớp 10? - Ảnh 2.

Thầy giáo Nguyễn Khánh Vân (bìa phải) trong một lần tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: KV.

Là một giáo viên Lịch sử tại trường THPT Sơn Tây, thầy giáo Nguyễn Khánh Vân cho biết, để nâng cao hiệu quả học và ôn môn Lịch sử thi vào lớp 10 đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều bên. Trong đó, vai trò quyết định đó là phụ thuộc vào việc dạy của thầy cô và việc học của học sinh. 

Trước hết cả thầy và trò đều phải nhận thức đúng và thấy rõ được sự quan trọng lịch sử với bản thân với mọi người, mọi ngành, từ đó tạo ra động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho hoạt động học. 

Các thầy cô cần nắm sâu, chắc kiến thức lịch sử, đặc biệt những kiến thức cơ bản, kiến thức liên quan đến việc học và thi của các em. Đây là thời điểm học sinh phải học rất nhiều môn, nhiều kiến thức, áp lực tâm lý là có. Do vậy, thầy cô dạy cần phải hiểu tâm lý các em ở lứa tuổi, ở thời điểm đó. 

Thầy Vân cho rằng, về mặt phương pháp, giáo viên nên diễn giải đơn giản, súc tích, dễ hiểu, lồng ghép kể chuyện lịch sử giúp các em nắm chắc được kiến thức cơ bản, nắm được bản chất của các vấn đề lịch sử, các sự kiện lịch sử. Hiểu được mối liên hệ trong lịch sử rồi thì có thể nâng dần ôn thi giúp các em nắm được những kiến thức cao hơn và khó hơn. 

Song song với việc dạy kiến thức, giáo viên phải giúp các em rèn luyện kĩ năng làm bài thi bằng cách luyện đề theo nội dung, chủ đề đã được học… 

Từ đó không chỉ giúp các em ôn thi hiệu quả vào lớp 10 và quan trọng hơn giúp các em bồi dưỡng thêm tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước, yêu môn Lịch sử, yêu lịch sử Việt Nam. 

Các em học sinh cần có tính tích cực, chủ động, vì thời điểm này các em phải học nhiều môn, nên tránh tâm lý chủ quan, nước đến chân mới nhảy. Chủ động học Lịch sử xen kẽ cùng các môn thi khác để nắm bài chắc không bị động. 

Trong quá trình học, không tham kiến thức, chủ động học và nắm chắc kiến thức cơ bản, liên kết được các sự kiện trong lịch sử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem