TP.HCM: Vẫn thiếu phòng học để dạy 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mới
Bạch Dương
Thứ sáu, ngày 12/03/2021 15:54 PM (GMT+7)
Làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM đã kiến nghị hàng loạt chính sách để phát triển giáo dục. Phòng học vẫn thiếu cục bộ vì thế việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới dạy 2 buổi/ngày rất khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã kiến nghị hàng loạt chính sách để phát triển giáo dục, đặc biệt những khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm 2003, UBND TP đã có quyết định về quy hoạch đến năm 2020 TP có 1.904ha đất về giáo dục. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đến năm 2021, TP mới chỉ có 1.000ha, chiếm khoảng 57% tổng số đất được quy hoạch.
Con số 300 phòng học/10.000 dân số, hiện giờ bình quân đã đạt được 292 phòng học nhưng tại một số quận, huyện chỉ có khoảng 200 phòng học/100.000 dân như quận Tân Phú, quận Gò Vấp, quận 12. Có xã có 180.000 dân, 3 trường tiểu học không thể đáp ứng, trường lớp vẫn thiếu cục bộ vì thế việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới dạy 2 buổi/ngày rất khó khăn.
Bên cạnh đó, TP.Thủ Đức và các quận, huyện chưa xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học với lộ trình và các giải pháp cụ thể, phải thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp song song với quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế - xã hội.
Tại cuộc họp, ông Hiếu cũng kiến nghị UBND TP sớm giải quyết chế độ hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất – khu công nghiệp, sớm tháo gỡ các vướng mắc về tuyển dụng nhân viên y tế và kế toán trường học kịp thời tuyển dụng viên chức.
Bên cạnh đó, UBND TP quan tâm trong việc phân bổ chỉ tiêu biên chế của các cơ sở giáo dục, đảm bảo đủ giáo viên theo quy định, nhất là đối với các địa phương có trường học được xây mới.
Sở đề nghị UBND TP sớm phê duyệt 2 đề án lớn của ngành để kịp thời tham mưu triển khai thực hiện đúng tiến độ theo Nghị quyết, sớm thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 của TP.
Cần đặc biệt quan tâm biên chế giáo viên tiếng Anh, tin học, mỹ thuật
Ông Hiếu kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm sửa đổi Thông tư 16/2017 về ban hành danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập, phù hợp với Nghị quyết 102 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Đặc biệt, quan tâm giáo viên các môn tiếng Anh, tin học, công nghệ, nhạc, họa, mỹ thuật...
Hiện nay, do vướng Thông tư 16, các trường học ở TP.HCM rất khó tuyển nhân viên y tế, giáo viên tiếng Anh, tin học, công nghệ...
Sở GD-ĐT TP cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn bằng văn bản, làm cơ sở pháp lý xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, xác định môn tự chọn ở cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận, xác định bán trú là khâu dịch vụ trong trường học để thực hiện xã hội hóa.
Sở còn kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh các quy định liên quan đến trường mầm non trong Thông tư số 13/2020. Cụ thể, quy định về diện tích đất/trẻ tối thiểu của trường mầm non 10-12m2 không phù hợp tình hình TP.HCM. Sở kiến nghị giữ nguyên mức 8m2/trẻ.
Sở GD-ĐT cho rằng quy định trường mầm non có tối thiểu 9 nhóm, lớp không phù hợp với các thành phố lớn. Do đó, kiến nghị giữ nguyên quy định các nhóm - lớp mầm non có từ 70 trẻ trở xuống, nhiều hơn phải xây dựng trường mầm non, nhằm khuyến khích xây trường để nâng chất lượng và tăng hiệu quả quản lý.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP phải quan tâm đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong đó chú trọng đến sách giáo khoa và học 2 buổi/ngày. Sở GD-ĐT TP chủ động phối hợp với UBND quận, huyện rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, làm cơ sở xây dựng quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030.
"Sắp tới các địaphương sẽ tuyển sinh đầu cấp, tôi đề nghị Sở GD-ĐT cùng các đơn vị phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ tránh tình trạng như năm trước. Làm thế nào chúng ta có thể tạo điều kiện tốt nhất để con em tới trường", ông Đức nhấn mạnh.
Liên quan đến chế độ hỗ trợ giáo viên dạy ngoài giờ ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và giáo viên dạy trẻ hòa nhập, khuyết tật, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở GD-ĐT rà soát và có đề xuất cụ thể để có thể sớm ban hành chính sách luôn. Riêng chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đã được UBND TP thông qua và sẽ trình Hội đồng nhân dân TP vào kỳ họp giữa tháng 3.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.