Làm sao xử lý hơn 6.000 tấn hải sản đông lạnh tồn kho?

Hữu Anh- Phan Phương Thứ tư, ngày 09/11/2016 17:07 PM (GMT+7)
Tại các kho đông lạnh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình hiện vẫn còn tồn kho trên 6.000 tấn hải sản chưa tiêu thụ được sau sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua.
Bình luận 0

Ngày 9.11, trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Văn Quảng- Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Đến thời điểm này, Hà Tĩnh vẫn còn 2.037 tấn hải sản tồn kho tại các kho đông lạnh trên địa bàn, do hậu quả của sự cố ô nhiễm môi trường biển. Trong số đó, có 300 tấn cá bị nhiễm độc kim loại nặng như phenol, cadimi... vượt ngưỡng cho phép đã được cơ quan chức năng Hà Tĩnh lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành niêm phong chờ tiêu hủy”.

img

Cán bộ chuyên môn của tỉnh Hà Tĩnh lấy mẫu cá trước khi các chủ kho đông lạnh ở Thạch Kim thu mua cho ngư dân cấp đông chờ tiêu thụ.

Nói về hướng xử lý số hải sản còn tồn kho ông Nguyễn Văn Việt-Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh cho biết: “Nếu số hải sản trong các kho đông lạnh đảm bảo an toàn nhưng vẫn không tiêu thụ được thì có 2 cách là phối hợp với các ngành như Sở Công thương tuyên tuyền để đẩy nhanh tiêu thụ. Về việc này tỉnh cũng đang trình Chính phủ để có chính sách trợ giá cho các lô hàng hải sản tồn kho đảm bảo an toàn bán ra không bị lỗ. Còn giải pháp thứ 2, là số hải sản không bị nhiễm độc nhưng tồn kho quá lâu không tiêu thụ được thì lập danh sách hàng không đảm bảo chất lượng để đưa vào diện tiêu hủy”.

img

Hàng chục tấn cá thu mua cho ngư dân theo lời kêu gọi của tỉnh đến nay không tiêu thụ được gần hết hạn sử dụng ở kho đông lạnh Thạch Kim (ảnh chụp tại kho đông lạnh Hồng Phượng). Ảnh: Hữu Anh

Ông Việt cho biết thêm: “Hiện, tỉnh Hà Tĩnh đã áp dụng chính sách của Chính phủ là hỗ trợ cho các chủ kho đông lạnh 70% giá trị tài sản tiêu hủy, trong khi đó, các hộ kinh doanh muốn được Nhà nước hỗ trợ 100% giá trị tài sản. Hiện nay tỉnh Hà Tĩnh đang lập dự thảo góp ý gửi Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, xin ý kiến chỉ đạo và phương án tháo gỡ vướng mắc nhằm thống nhất chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh, sau đó tiến hành tiêu hủy theo quy định”.

Cũng liên quan đến việc xử lý hải sản tồn kho sau sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung, ngày 9.11, trao đổi với PV Dân Việt, ông Mai Văn Minh – PGĐ Sở NNPTNT Quảng Bình cho biết, đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Trung ương để tiến hành tiêu hủy gần 4.000 tấn hải sản tồn kho sau sự cố môi trường biển do Formosa xả thải gây ra. “Nếu có hướng dẫn cụ thể thì việc tiêu hủy số hải sản tồn kho sẽ được tiến hành ngay…” – ông Minh nói.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao Sở Y tế được giao chủ trì phối hợp Sở NNPTNT, Sở Công thương và các địa phương liên quan thành lập các đoàn công tác thực hiện kiểm tra, phân lô và lấy mẫu xét nghiệm để có hướng giải quyết các lô hàng nêu trên và kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn hải sản. Kết quả đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy 130 mẩu hải sản tồn động tại các kho đông lạnh của các cơ sở kinh doanh thu mua hải sản trên địa bàn gửi đi xét nghiệm. Kết quả, có 30/130 mẩu không đạt yêu cầu an toàn thực phẩm vì có chất cadimi vượt ngưỡng cho phép tồn tại trong mẩu hải sản.

img

Hải sản tồn tại các kho đông lạnh ở Quảng Bình đang chờ xử lý. Ảnh : Phan Phương

Trao đổi với Dân Việt, bà Trương Thị Mười - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu (doanh nghiệp thu mua hải sản trên địa bàn tỉnh Quảng) cho biết, hiện vẫn chưa nhận được công văn, thông báo, hướng dẫn cụ thể nào từ phía cơ quan chức năng về việc tiêu hủy số hải sản tồn kho.

“Hiện trong kho đông lạnh ở cảng cá Nhật Lệ (Quảng Bình) của công ty chúng tôi tồn kho hơn 640 tấn cá, trị giá khoảng 30 tỉ đồng. Chúng tôi đề nghị Nhà nước sớm có hướng dẫn cụ thể  để các doanh nghiệp hủy toàn bộ số cá tồn kho nêu trên. Bởi vì, sau khi kiểm nghiệm, các lô hàng hải sản các lô hàng hải sản dù được xác nhận là an toàn thì nói thiệt bán cũng không ai mua, bởi tâm lý của người dân họ vẫn rất lo ngại. Mặt khác, phần lớn số cá tồn kho nêu trên đều được đánh bắt trước tháng 6.2016, dù đều là cá đánh bắt xa bờ, nhưng vì cấp đông quá lâu nên hiện tại chất lượng cá đã không còn đảm bảo nữa rồi. Sau khi hủy toàn bộ số cá này, số hải sản mới ngư dân đánh bắt vào các cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát, kiểm nghiệm chất lượng, có như vậy người tiêu dùng mới yên tâm mà quay trở lại ăn hải sản trở lại ” – Bà Mười đề nghị.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem