Ở thôn Khoa Trường, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, Bình Định, nhắc đến ông Ngô Đức Trung, 50 tuổi, người dân ở đây ai cũng biết. Ông Trung từng là một lâm tặc có tiếng trong vùng, nhưng nhiều năm nay ông “rửa tay gác kiếm” và trở thành nông dân sản xuất giỏi được nhiều người nể phục.
|
Ông Ngô Đức Trung bên trang trại chăn nuôi vịt siêu trứng |
Ông “trùm” về nuôi vịt
Trước đây, ông Trung là trùm vận chuyển gỗ lậu từ huyện miền núi Hoài Ân xuống các xưởng cưa Hoài Nhơn. Lực lượng chức năng canh phòng chặt đến đâu, trạm gác dày mức nào, hễ ông đã muốn là gỗ vẫn “chui lỗ kim” như thường. Chính sự tiếp tay của ông đã làm biết bao cánh rừng ngã xuống.
Nhưng rồi đến một ngày... “Chứng kiến trên ti vi những cơn lũ kinh hoàng, người chết, nhà trôi, tự dưng lòng tôi rúng động. Tôi thấy trong nỗi đau chất chồng mỗi khi lũ về miền xuôi có một phần do mình gây nên. Tự dưng không còn ham muốn gì nữa, tôi tuyên bố nghỉ. Có trả bao nhiêu tiền tôi cũng không làm, dọa giết tôi cũng không làm” - ông Trung kể.
Ông không làm lâm tặc thì nhà ông túng bấn thấy rõ. Nhưng ông chấp nhận. Ông tìm đến Hội Nông dân xã tâm sự. Thấy ông Trung lâm tặc gãi đầu gãi tai “xin làm người lương thiện”, cán bộ Hội mừng quá, giúp cho ông vay ngay ít vốn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi vịt siêu trứng.
Ban đầu ông Trung chỉ dám nuôi 100 con. Nhờ chịu khó tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, tuân thủ các quy trình phòng bệnh nên đàn vịt của ông phát triển tốt, đẻ đều. Hiện đàn vịt siêu trứng của ông Trung đang ổn định số lượng 500 con và hiệu quả từ việc chăn nuôi năm sau luôn cao hơn năm trước.
Không chỉ chăn nuôi vịt, ông Trung còn xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi heo nái và heo thịt. Hiện trại chăn nuôi của ông đang có 2 heo nái và hơn 50 heo lứa chuẩn bị xuất chuồng.
Ông nhẩm tính, trong năm 2009, từ việc nuôi 500 con vịt siêu trứng, xuất bán 50 heo thịt đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 40 triệu đồng. Năm 2010 này, dự kiến thu nhập từ chăn nuôi của ông sẽ đạt ở mức 150 triệu đồng, lãi từ 50-60 triệu đồng.
|
Ông Trung (giữa) trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi với khách tham quan |
Vận động lâm tặc bỏ nghề
Cũng chọn nghề chăn nuôi để phát triển kinh tế, nhiều năm nay, ông Nguyễn Đình Thục ở xã Hoài Xuân (Hoài Nhơn) là nông dân sản xuất giỏi ở địa phương. Trước đây, ông Thục có hơn 8 năm hành nghề buôn bán, vận chuyển gỗ lậu.
Hiện nay, ông Nguyễn Đình Thục đang nuôi 500 con gà thả vườn, 7 heo nái. Mỗi năm từ chăn nuôi gà, heo ông có thu nhập hơn 50 triệu đồng. Ông đang tính toán sẽ đầu tư vốn để phát triển nghề chăn nuôi nhím để tăng hiệu quả sản xuất.
Ông Thục tâm sự: “Hồi đó, do cuộc sống khó khăn, không có công việc làm ổn định nên tôi làm liều. Bây giờ, nghĩ lại thấy việc làm của mình không lương thiện, khi được ngành chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ vốn, kỹ thuật để phát triển chăn nuôi tôi quyết định chuyển nghề”.
Nguyễn Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.