Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Người dân phải được tiếp cận các giống sắn sạch bệnh, phục vụ ngành hàng tỷ đô
Hoàng Lộc
Thứ sáu, ngày 08/04/2022 14:18 PM (GMT+7)
Ngày 8/4, tại TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai), Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị "Thực trạng và định hướng phát triển sắn bền vững tại Việt Nam".
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh; đại diện lãnh đạo một số tỉnh có diện tích trồng sắn lớn và hiệp hội, doanh nghiệp chế biến sắn.
Cây sắn hàng hóa cho giá trị tỷ đô
Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, năm 2021 diện tích sắn cả nước đạt 528.000 ha, tập trung chủ yếu tại 5 vùng chính gồm Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Tổng sản lượng sắn cả nước ước đạt gần 10,7 triệu tấn với năng suất bình quân 20,3 tấn/ha. Các giống sắn được trồng phổ biến hiện nay là KM94, KM95, HLS-11, KM98-1, KM140, KM419 và KM98-7...
Đến nay, có 27 tỉnh, thành phố có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 8,62 triệu tấn/năm.
Sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Thái Lan.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm từ 90-94%; còn lại các thị trường như Hàn Quốc, Đông Nam Á, Đài Loan, Nhật Bản.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 494.380 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 205,77 triệu USD, giảm 24% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, theo ông Cường, dù là ngành tỷ đô, nhưng ngành sắn đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển bền vững, đặc biệt là tình hình dịch bệnh khảm lá sắn. Tính đến hiện tại, diện tích nhiễm bệnh khảm lá là 65.453 ha (tăng 9.525 ha so với cùng kỳ năm 2021); trong đó nhiễm nặng 16.152 ha (tăng 9.668 ha so với cùng kỳ năm 2021).
Theo đánh giá, mức độ giảm năng suất theo thời gian nhiễm bệnh thì giống bị nhiễm bệnh trước trồng làm giảm năng suất từ 50-100%; giống bị nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu từ 20-30%; giống bị nhiễm bệnh sau 3 tháng từ 10-15%.
Để phòng chống dịch bệnh, Bộ NNPTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Di truyền thực hiện các mô hình trồng giống sắn sạch bệnh, phối hợp với các tổ chức quốc tế chọn tạo, khảo nghiệm và nhân 6 giống sắn: HN3, HN5, HN36, HN97, HN80, HN1 có khả năng kháng bệnh khảm lá, kịp thời phục vụ sản xuất. Cục Trồng trọt đã ban hành quy trình canh tác sắn sạch bệnh và kháng bệnh khảm lá sắn.
Phát triển sắn bền vững đến năm 2030
Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam,trong 10 năm gần đây, tốc độ phát triển ngành sắn của Việt Nam gia tăng nhanh.
Cây sắn là cây lương thực quan trọng thứ 3 của nước ta sau cây lúa và cây ngô. Cây sắn được trồng chủ yếu ở vùng trung du miền núi, vùng khó khăn đồi núi dốc, các vùng đất có thổ nhưỡng kém, không phù hợp với cây trồng khác, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, số lao động trong ngành hơn 1,2 triệu người.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, vai trò của cây sắn không chỉ dừng lại ở xóa đói giảm nghèo mà đã trở thành loại cây hàng hóa.
Để có thể phát triển bền vững cây sắn trong tương lai, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các đơn vị tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tìm ra các giống sắn sạch bệnh và kháng bệnh mới, qua đó, góp phần giảm chi phí sản xuất đầu vào.
"Chúng ta phải làm sao để người nông dân tiếp cận được các giống sắn đó. Tôi giao Cục Bảo vệ thực vật đề xuất thêm quy trình sản xuất để tạo ra chuỗi giống sắn sạch bệnh và kháng bệnh" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến sắn và các sản phẩm từ sắn cần đổi mới công nghệ chế biến để phát triển một cách đa dạng các sản phẩm sắn, tăng cường mở rộng thêm vùng nguyên liệu, giải quyết triệt để vần đề xử lý chất thải trong chế biến sắn đảm bảo an toàn môi trường.
Tăng cường liên kết giữa vùng sản xuất và nhà máy chế biến, tổ chức lại sản xuất tập trung phát triển HTX tại các vùng sản xuất sắn; đầu tư xây dựng nhà máy phải gắn với xây dựng vùng nguyên liệu.
Giao Cục Trồng trọt phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án phát triển sản xuất sắn một cách bền vững; đồng thời huy động các nguồn lực sẵn có của các địa phương và định hướng từ diện tích, chế biến, giải pháp công nghệ để phát triển sắn bền vững đến năm 2030.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.