Làm thế nào để tôm, cá, củ, quả...Việt bán chạy ở “chợ” thế giới?

Anh Thơ (thực hiện) Thứ tư, ngày 09/10/2019 11:30 AM (GMT+7)
Một trong những hoạt động nổi bật có ý nghĩa thiết thực trong khuôn khổ Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2019 là Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 4 với chủ đề “Từ CPTPP đến EVFTA - Cùng Nông dân đi chợ thế giới”.
Bình luận 0
img

Trước thềm Diễn đàn, Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Trần Công Thắng (ảnh nhỏ) – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thưa ông, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA được đánh giá sẽ mang lại những cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam, cơ hội đó là gì?

- Nhìn chung, quan hệ xuất nhập khẩu với các quốc gia CPTPP và EU đóng vai trò quan trọng đối với thương mại nông sản quốc tế của Việt Nam. Cả kim ngạch xuất khẩu (XK) và nhập khẩu giữa Việt Nam với CPTPP và EVFTA đều tăng trưởng mạnh trong 10 năm qua. Trong đó, kim ngạch XK Việt Nam vào CPTPP và EU có độ lớn hơn và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn kim ngạch nhập khẩu. Điều này cho thấy Việt Nam có lợi thế tương đối về nông nghiệp so với hầu hết các quốc gia trong CPTPP và EU. Nếu tận dụng được các cơ hội mở rộng thị trường từ CPTPP và EU, nông nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục duy trì được mức độ thặng dư thương mại.  

img

Nông dân Việt Nam muốn ra “Chợ thế giới” phải có tâm lý chủ động và sẵn sàng tham gia các chuỗi giá trị. Ảnh: A.T

Xét về các mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam vào CPTPP và EU, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản là hai mặt hàng có kim ngạch XK lớn.

Một cơ hội khác lớn hơn mở rộng thương mại là hoạt động đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Đã ký kết CPTPP và EU, một số nước không có lợi thế về nông nghiệp, khi giảm hàng rào bảo hộ nông nghiệp có thể họ sẽ chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam. Khi có đầu tư nước ngoài, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ được khoa học kỹ thuật mới, thay đổi được cách làm truyền thống kém hiệu quả.

Về trung và dài hạn, CPTPP và EVFTA sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện cải cách thể chế, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh.

Nhưng với một nền sản xuất còn nhỏ lẻ, chắc chắn những hàng rào kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm cũng sẽ là thách thức không nhỏ của nông sản Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Hiện nay, Việt Nam vẫn còn 8,6 triệu hộ nông dân nhỏ, tuy nhiên liên kết ngang và liên kết dọc còn yếu. Trong sản xuất và tiêu thụ, thực sự chưa thiết lập được các chuỗi giá trị khép kín và bền vững, chuỗi cung ứng yếu kém và không đủ sức để cạnh tranh và bước vào thị trường các nước EU và CPTPP. Sản phẩm nông sản chưa đảm bảo được chất lượng và khối lượng ổn định, vẫn ở các phân khúc thấp, hàm lượng chế biến thấp và giá trị thấp.

Để xâm nhập và chiếm lĩnh được những thị trường giá trị cao và quy mô lớn như Nhật Bản, Canada những sản phẩm Việt Nam đang có lợi thế XK như gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản… cần được sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn để đáp ứng các hàng rào kỹ thuật (TBT) và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), truy xuất nguồn gốc xuất xứ để chiếm lĩnh được các thị trường này. Nếu không, dù thuế suất nhập khẩu của các thị trường này cắt giảm xuống mức 0% thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng khó có thể tiếp cận được.

Theo ông, để hóa giải những thách thức này, cần nhóm giải pháp gì?

- Thứ nhất, cần nâng cao hiểu biết, nhận thức của các tác nhân trong ngành nông nghiệp về yêu cầu mới, tiêu chuẩn mới khi tiếp cận thị trường, tập trung vào nhà quản lý cấp tỉnh, huyện, xã, doanh nghiệp, hợp tác xã, và người sản xuất trung bình và nhỏ.

Cần phải đi từng thị trường cụ thể để đáp ứng yêu cầu của từng nước thành viên. Cần phải nắm được yêu cầu về VSATTP, văn hóa, gu tiêu dùng, độ lớn của từng phân khúc thị trường (cao, trung, thấp cấp) từ đó xây dựng các chiến lược sản phẩm và hình thành các bộ quy tắc để tiếp cận thị trường tốt hơn. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư vào chế biến.

Thứ hai, đối với những sản phẩm có lợi thế XK, thúc đẩy các hoạt động mở rộng thương mại, xúc tiến đầu tư giữa nhà đầu tư CPTPP, EU với Việt Nam, giữa nhà đầu tư Việt Nam với các nước CPTPP và EU để tìm kiếm các cơ hội hợp tác tận dụng các cơ hội của các hiệp định này mang lại, hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu và thương hiệu quốc gia của các nông sản Việt.

Thứ ba, rà soát kỹ các ngành hàng dễ bị tổn thương như chăn nuôi; đánh giá về mức độ ưu tiên, có những chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp người sản xuất có thể đối phó, hoặc ít nhất là giảm thiểu thiệt hại khi phải cạnh tranh với các nông sản từ các nước CPTPP, EU. Giải pháp chính là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các nông sản Việt Nam, từng bước xây dựng các chuỗi giá trị hàng Việt Nam khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm nhập khẩu.

Thứ tư, tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, gắn chặt với các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng theo các cam kết quốc tế.

CPTPP đã chính thức được 11 nước ký kết tại Chile ngày 8/3/2018. Dù Mỹ quyết định không tham gia TPP vào tháng 1/2017 nhưng với sự thúc đẩy của các quốc gia còn lại như Nhật Bản, Australia và cả Việt Nam, CPTPP đã được hình thành.
6/2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); 30/6/2019: EVFTA và IPA được ký kết chính thức sau 9 năm đàm phán. 

Có nhận định cho rằng, chúng ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng dường như chưa tận dụng hết cơ hội, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia hội nhập tích cực nhất châu Á với 16 FTA. Nông nghiệp và nông dân đã sớm đương đầu với thị trường khi thuế nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp ở mức thấp, thuế XK gần như được xóa bỏ từ sớm, trợ cấp nông nghiệp thấp, đầu tư cho nông nghiệp thấp.

Giá nông sản, vật tư nông nghiệp theo sát thị trường thế giới. Người sản xuất và kinh doanh dần phải quen với những biến động thị trường. Hội nhập cũng đã thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh nông, lâm, thủy sản và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rất nhiều cơ hội Việt Nam cũng đã phát huy được tốt và có thể nói hội nhập, mở rộng thị trường là yếu tố vô cùng quan trọng thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết cơ hội từ hội nhập thì còn rất nhiều điểm mà ngành nông nghiệp cũng như các nông sản, doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện về cả chất lượng, thương hiệu sản phẩm, yêu cầu trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp hay phải đáp ứng tốt các điều kiện khác của các nước nhập khẩu.

Trở lại với chủ đề của Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 4: Từ CPTPP đến EVFTA-Cùng nông dân đi chợ thế giới, theo ông để nông sản Việt, nông dân Việt tham gia "chợ" thế giới cần những điều kiện gì?

- Chắc chắn rằng để tham gia vào thị trường (chợ) thế giới, nông dân Việt Nam sẽ cần phải thay đổi theo hướng “chủ động”, “chuyên nghiệp”, “cùng liên kết”. Đặc biệt phải xây dựng liên kết với các doanh nghiệp XK. Doanh nghiệp sẽ là cầu nối giữa người nông dân với người tiêu dùng nước ngoài, đưa sản phẩm Việt Nam vào chuỗi toàn cầu.

Nông dân sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo VSATTP và các điều kiện của nước nhập khẩu. Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, liên kết với các nhà nhập khẩu đưa sản phẩm Việt Nam vào chuỗi toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem