Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, chia sẻ như thế bên lề Hội thảo nâng cao vai trò quản lý an toàn chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) tổ chức tại TP.HCM hôm nay (9.11).
Quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm chuẩn quốc tế không đơn giản. Ảnh Nguyên Vỹ.
Ông Ngọc cho rằng, việc làm chứng nhận rất gian khổ vì chưa được học trước đó. Việc tiếp cận chuyên gia quốc tế với hơn 300 tiêu chuẩn chăn nuôi phải học thuộc và làm theo không phải chủ trại hay quản lý nào cũng làm được.
Nhưng bù lại, những người đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tiên tiến sẽ nhận được một ưu đãi: “Kiểm tra đột xuất không báo trước”. Câu nói của ông Ngọc tưởng như đùa nhưng thực chất, thông tin của những trại này sau khi kiểm tra đột xuất sẽ được đưa lên mạng. Lúc đó, các tập đoàn lớn và cả cộng đồng người tiêu dùng thế giới sẽ biết đến.
Chi phí đầu tư chuồng trại tốn kém. Ảnh Nguyên Vỹ
“Cái lợi đó to lớn gấp nhiều lần chứ không phải là giấy khen hay huy hiệu. Chỉ có cách làm yếu kém chạy theo hình thức mới phải báo trước để chuẩn bị đối phó trước khi kiểm tra”, ông Ngọc chia sẻ.
Bản thân trại gà của ông Ngọc đã phải phải loại bỏ 50% công nhân vì hoặc không biết chữ hoặc không chịu học hoặc là học không nổi. “Chứng nhận quốc tế yêu cầu nhân lực cũng phải đạt chuẩn từ nhận thức đến tác phong. Vì khi kiểm tra, họ hỏi người làm chứ không cần hỏi người chủ trại”, ông Ngọc kể.
Cái khó thứ hai là phải có trại nuôi đạt chuẩn. Ông Ngọc kể khi thuê chuyên gia tư vấn quốc tế, phải mất 18 tháng mới hoàn thiện cả xong quy trình. Riêng chi phí cho chuyên gia quốc tế tư vấn là khoảng 15.000 USD cho 1 trại.
Thức ăn chăn nuôi phải được kiểm soát nghiêm ngặc. Ảnh Nguyên Vỹ.
Trang trại cũng phải đạt chuẩn thì đơn vị cấp phép mới đánh giá đạt GlobalGAP. Kinh phí sửa chữa, cải tạo thì tốn cả tỷ bạc mới chuyển được từ “nhà trọ lên khách sạn”.
“Cả nước hầu như chưa có mô hình chuẩn nhưng lại quy định bắt buộc nhiều tiêu chí tuân theo. Chính sách phải hoạch định mỗi tỉnh ít nhất một mô hình để mọi người làm theo mới được”, ông Ngọc gợi ý.
Thêm một cái khó thứ ba là đơn vị tư vấn cũng như đơn vị cấp chứng nhận phải thật đồng bộ vì hiện mỗi khâu còn độc lập nhau. “Để có miếng thịt sạch và chuẩn cần phải có lộ trình và bắt đầu thay đổi từ tư duy của người chăn nuôi chứ không thể vội vàng”, ông Ngọc nói.
Cơ sở giết mổ phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh Nguyên Vỹ.
Chia sẻ ý về tính đồng bộ, ông Nguyễn Hữu Phước, phụ trách hệ thống quản lý chất lượng Công ty Cỏ May cho rằng hiện tại, 90% doanh nghiệp Việt Nam phải nhờ chuyên gia tư vấn.
Nhưng bản thân người tư vấn có nắm hết các tiêu chuẩn ngành hay tình hình thực tế tại địa phương hay không thì chưa chắc. Bản thân doanh nghiệp phải tự mày mò tìm hiểu qua tài liệu.
“Người tư vấn bảo đúng nhưng đơn vị cấp chứng nhận bảo sai thì không phải chưa từng có ví dụ. Hội DN HVNCLC cần tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tư vấn cho doanh nghiệp”, ông Phước đề nghị.
Để có miếng thịt sạch đạt chuẩn quốc tế không hề đơn giản. Ảnh Nguyên Vỹ.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho rằng dù doanh nghiệp có "ca 6 bài vọng cổ", Hội cũng phải lắng nghe để chia sẻ và giúp các đơn vị khác tránh bớt những đoạn trường mà người đi trước đã “qua cầu mới hay”.
Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập mới đây mà Hội DN HVNCLC xây dựng cũng chính là để doanh nghiệp trong nước tiếp cận chuẩn quốc tế trong bối cảnh hội nhập đặt ra yêu cầu cạnh tranh gay gắt.
Bà Hạnh cho rằng chuỗi chăn nuôi trong nước đang thực hiện lâu nay ít quan tâm đến vấn đề thức ăn chăn nuôi (TACN), trong đó có kháng sinh nên lâu nay không ít không ít lô hàng xuất khẩu đã bị trả lại.
Tiêu chuẩn GPM+ sẽ là sự bổ sung cho quản ý ISO trong TACN và HACCP cho chế biến. Tất cả mọi khâu đều yêu cầu phải chuẩn chặc chẽ để hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hội DN HVNCLC và Tổ chức tiêu chuẩn GMP+ International sẽ tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp Việt để hướng dẫn chi tiết.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.