Nguy cơ tai nạn lao động
Giữa trưa 9/1, trong cái nắng hanh cuối đông, anh Vũ Văn Nam (quê Thanh Hóa) ngồi tựa tường trên đường Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội, để nghỉ trưa. Gương mặt lấm tấm mồ hôi, thoáng chút mệt mỏi, anh gọi một cốc trà đá và ăn vội chiếc bánh mì để tiếp tục chở thêm 5 gốc đào chủ vườn thuê chở cho khách.
Anh Nam cho biết, từ 2 tháng nay anh cùng vợ anh ra Hà Nội làm thêm với mong muốn kiếm cái tết ấm no, nhưng phải hai tuần nay công việc mới nhiều. Công việc nhiều, tiền thuê theo công ngày cũng tăng nên anh thường làm cố. "Biết là công việc vất vả, mệt lắm nhưng toàn làm cố vì cả năm mới có cái tết, phải tranh thủ kiếm tiền chứ" - anh Nam chia sẻ.
Mỗi chuyến chở đào cây, anh Vũ Văn Nam nhận được từ 200.000 - 300.000 đồng. (ảnh: Nguyệt Tạ)
Anh Nam cho biết, một ngày anh chở được 20 gốc đào, tùy từng gốc to nhỏ, khoảng cách chuyên chở xa gần mà tính tiền. Cuốc nào gần được 150.000 đồng tiền công, cuốc nào xa, cây to cũng phải 200 - 300.000 đồng. Nếu nhẩm tính, trung bình mỗi ngày anh thu được 1-2 triệu đồng tiền công. Nghe thu nhập có vẻ phấn khởi, nhưng thực tế ít người có thể hiểu được sự vất vả của anh.
"Nghe tới tiền thì ai cũng thích nhưng không phải ai cũng chở được đào quất đâu. Không chỉ chở, còn phải hỗ trợ nâng, vác, trồng cây. Nhiều lúc bê chậu đào quất 30-40kg mà đau sụn cả lưng" - anh Nam tâm sự.
Đó là chưa kể tới những rủi ro khi tham gia giao thông bởi đường phố ngày cuối năm rất đông. Chuyện té ngã, va chạm, thậm chí rơi vỡ cây phải đền bù tiền hoàn toàn có thể xảy ra.
“Như năm trước, có lần tôi chở quất to cồng kềnh, đường đông, đi vội thế là va chạm, ngã xe khiến bình quất 2 triệu đồng rơi vỡ, phải đền tiền. May còn chưa bị phạt tiền đấy" - anh Nam kể.
Thu nhập cao, nhưng tính ra mỗi ngày anh phải làm việc tới 13 tiếng, từ 7 giờ tới 19-20 giờ mới được nghỉ. Nhiều hôm khách gọi đông thì làm tới khuya. Không chỉ chạy xe ôm, chở đào quất, anh Nam còn nhận trông đào thuê, đánh gốc đào thuê. "Tết nhất, mình là dân lao động, xác định đi làm kiếm tiền thì ai thuê gì làm đó. Miễn là công việc lương thiện, có thu nhập là được. Tôi mong có thêm ít tiền về lo tết, chịu khó vất vả 1-2 tháng rồi sau này nghỉ ngơi" - anh Nam chia sẻ.
Dễ “dính” bẫy lừa
Làm việc với cường độ cao, công việc vất vả khiến nhiều lao động phổ thông gặp phải các tai nạn lao động như: Ngã xe, chấn thương cột sống, gãy tay, chân... thậm chí là bị xâm hại, nguy cơ tai nạn lao động...
Để hạn chế tai nạn lao động, nguy cơ bị lừa đảo, các lao động tự do nên nắm được các thông tin cơ bản và thỏa thuận cụ thể về mức tiền công, thời giờ, công việc cần làm trước khi đi làm...”.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động, việc làm
|
Cũng như nhiều lao động tự do khác từ quê lên Hà Nội tìm việc, đợt này chị Nguyễn Thị Thu (45 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) hy vọng sẽ nhận được nhiều việc làm. Vì không có thông tin, chỉ qua lời giới thiệu của người quen, chị qua công ty giới thiệu việc làm trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) tìm việc. Tại đây chị đã nộp 500.000 đồng và chứng minh nhân dân với hy vọng được giới thiệu một công việc tốt. Tuy vậy, sau một tuần chờ đợi, chị vẫn không được giới thiệu việc, tiền mất, giấy tờ tùy thân không tìm thấy. Chính bởi vậy, hiện giờ chị chỉ có thể nhận các công việc thời vụ, làm tự do. Muốn làm cho các công ty, cửa hàng rất khó vì không có chứng minh thư.
So với những lao động khác, chị Thu còn may mắn hơn rất nhiều những lao động khác. Có nữ lao động di cư vừa ra thành phố làm việc còn gặp phải trường hợp trớ trêu hơn nhiều. Điển hình như chị Vũ Thị N (Hậu Lộc, Thanh Hóa) - lao động đi thu mua đồng nát. Chị Nhung e dè kể lại: "Cách đây mấy ngày, trong một lần đi mua đồng nát ở khu vực Long Biên, tôi được một người đàn ông nói có đồ cần bán, qua ông ấy bán cho. Sau khi mua xong mớ lon bia, chai lọ, ông ấy nói nhà bẩn quá và hỏi tôi có nhận dọn nhà thuê không, dọn giúp ông ấy căn nhà 2 tầng trả 500.000 đồng nếu tôi dọn xong. Tôi nhận lời bởi vì nghĩ mình có đi làm cả ngày cũng khó có thể được 500.000 đồng, đằng này chỉ cần làm 3-4 tiếng lại có được khoản tiền lớn đến vậy. Không ngờ được đó chỉ là trò lừa đảo của ông ấy".
Sau khi chị N dọn nhà xong, ông này gạ gẫm chị... quan hệ tình dục. Bị chị từ chối, ông ta liền trở mặt không trả tiền công còn doạ gọi công an phường vì chị đột nhập nhà lấy cắp đồ. Quá uất ức, chị N liền dời đi, coi như mất trắng nửa ngày công...
Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng (Mạng lưới lao động di cư), thời điểm cuối năm cung - cầu lao động tăng cao. Đây cũng là thời điểm nhiều lao động tự do di cư từ nông thôn ra thành thị tìm công việc để kiếm tiền chi tiêu cho gia đình. Mong muốn có việc làm là mong muốn chính đáng, thế nhưng vì không có thông tin chính thống và đầy đủ nên nguy cơ bị lừa đảo, thậm chí gặp tai nạn lao động và rủi ro cũng nhiều hơn. Mặc dù vậy, không phải lao động nào cũng có thông tin, hiểu biết và lường trước được những nguy cơ này để phòng tránh.
"Vấn đề là lao động tự do thường thiếu kiến thức, nhưng lại đề cao thu nhập. Chính bởi vậy, họ sẵn sàng từ bỏ công việc ổn định, an toàn để làm công việc khác miễn là công việc ấy có thu nhập cao hơn" - bà Ngọc Anh nói.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động, việc làm: Hiện nay các lao động di cư, lao động tự do không được ký kết hợp đồng lao động, vì thế để hạn chế tai nạn lao động, nguy cơ bị lừa đảo, các lao động tự do nên nắm được các thông tin cơ bản và thỏa thuận cụ thể về mức tiền công, thời giờ, công việc cần làm trước khi đi làm. “Thêm vào đó, lao động cũng không nên tham công, tiếc việc mà làm việc quá sức, tránh gặp phải tai nạn lao động khi làm việc. Khi đi làm việc ở thành phố mỗi người cần phải khai báo tạm trú, tạm vắng để khi gặp bất trắc, lừa đảo còn được cơ quan công an, chính quyền địa phương hỗ trợ” - bà Hương khuyến cáo...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.