Thủ tướng giao Bộ NNPTNT nghiên cứu, có giải pháp điều hành phù hợp về thông tin Dân Việt nêu
Thủ tướng giao Bộ NNPTNT nghiên cứu, có giải pháp điều hành phù hợp về thông tin Dân Việt nêu
P.V
Thứ sáu, ngày 26/03/2021 18:24 PM (GMT+7)
Liên quan đến thông tin báo điện tử Dân Việt nêu trong bài: "Giá lúa đang tăng cao kỷ lục tại sao lại đề xuất giảm diện tích trồng lúa?", Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NNPTNT nghiên cứu, có giải pháp điều hành phù hợp để xử lý thông tin báo nêu.
Cụ thể, ngày 24/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1949/VPCP-NN gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo nêu.
Công văn nêu rõ, Báo Điện tử Dân Việt ngày 12/3/2021 có đưa tin: "Theo các chuyên gia về Đồng bằng sông Cửu Long, dù thời điểm này giá lúa Đông Xuân đang ở mức cao kỷ lục, các vùng ven biển nên giảm diện tích lúa và thay thế cây lúa bằng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, vùng không có nước mặn xâm nhập chỉ nên tập trung làm lúa chất lượng cao".
Từ thông tin Dân Việt đăng tải, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT nghiên cứu, đánh giá và có giải pháp điều hành phù hợp để xử lý thông tin nêu trên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trước đó, trước thềm Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, báo điện tử Dân Việt đã tổ chức loạt bài đánh giá về hiệu quả thực hiện Nghị quyết, ý kiến của các chuyên gia về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt.
Ngày 12/3, trong bài viết: "Giá lúa đang tăng cao kỷ lục tại sao lại đề xuất giảm diện tích trồng lúa?", báo điện tử Dân Việt dẫn ý kiến của PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
Một trong ý kiến đề xuất của ông Tuấn là giảm diện tích lúa ở ĐBSCL. Cụ thể là làm 1 vụ lúa ở vùng có nguy cơ bị thiệt hại do hạn mặn hoặc bỏ cây lúa luôn, chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Ở những khu vực khác, trồng lúa cho năng suất thấp thì làm lúa 2 vụ.
Ông Tuấn cho biết, hiện nay, sản lượng lúa ở ĐBSCL rất nhiều nên không lo về vấn đề an ninh lương thực.
"Trước đây, mùa khô năm 2015-2016, ĐBSCL bị thiệt hại về cây lúa rất nhiều nhưng sản lượng gạo xuất khẩu đạt rất cao, khoảng 4 triệu tấn gạo" - ông Tuấn dẫn chứng.
Khi phóng viên hỏi, hiện nay giá lúa tăng kỷ lục, có nơi nông dân bán được từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, vậy việc giảm diện tích thời điểm này có phù hợp không, ông Tuấn nói: "Giá lúa tăng hiện vẫn chưa cao, nó chỉ là đỡ hơn những năm có giá thấp hơn. Hơn nữa, giá tăng ở vụ Đông Xuân sớm thôi, còn các vụ lúa khác thì chưa chắc vẫn giữ ở mức như hiện nay" - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn nói tiếp: "Nếu so với giá cả của các mặt hàng chung, mức sinh hoạt, dịch vụ tăng thì người dân trồng lúa vẫn...nghèo".
ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cũng cho rằng: "Cần giảm diện tích trồng, không coi trọng sản lượng mà hãy chú trọng vào thu nhập của người dân. Trồng lúa vùng ven biển sẽ bị thiệt hại, vậy nên chuyển sang cây - con khác. Không nên chống mặn để duy trì sản lượng lúa gạo".
"Số lượng ít thôi nhưng thu nhập cao hơn, như giống lúa của anh hùng lao động Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng bán ra gấp nhiều lần so với giá bình thường nhưng sản lượng lúa này không cao" - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL nói.
GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia về cây lúa ở ĐBSCL cũng thống nhất quan điểm, không nên giữ diện tích lúa ở vùng ven biển, có nguy cơ bị thiệt hại khi nước mặn xâm nhập vào mùa khô.
Theo GS Võ Tòng Xuân, ngành chức năng các địa phương nên mạnh dạn chuyển đổi sản xuất sang cây trồng khác và mời gọi doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.