Lần đầu tiên giá cà phê có tuần giảm, doanh nghiệp vẫn lo lắng kinh doanh thua lỗ
Lần đầu tiên giá cà phê có tuần giảm, doanh nghiệp vẫn lo lắng kinh doanh thua lỗ
Nguyễn Phương
Chủ nhật, ngày 16/06/2024 15:37 PM (GMT+7)
Đồng USD mạnh lên hôm giao dịch cuối tuần đã góp phần đẩy giá cà phê xuống thấp cùng với làn sóng thanh lý vị thế mua do lo ngại áp lực tất toán vị thế tháng 7 sắp đến. Giá cà phê ngày 16/6 giảm trở lại 4.000 đồng/kg tại thị trường trong nước và có tuần giảm đầu tiên suốt một thời gian dài...
Giá cà phê trong nước có tuần giảm suốt một thời gian dài...
Thị trường Arabica tháng 9 kết thúc vào thứ sáu giảm 1,85 cent/pound và cà phê Robusta đóng cửa giảm 84 USD nằm ở mức 4.006 USD/tấn. Như vậy là giá Robusta đã đóng cửa ở mức thấp nhất nhiều tuần trở lại đây, khẳng định thị trường đi vào giai đoạn yếu kém.
Sự phục hồi của đồng USD hôm thứ sáu lên mức cao nhất trong 6 tuần đã làm giảm giá cà phê.
Vào thứ tư, giá cà phê Arabica có lúc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần sau khi Cecafe báo cáo rằng xuất khẩu cà phê nhân trong tháng 5 của Brazil đã tăng 90% so với cùng kỳ lên 4 triệu bao. Giá cà phê cũng bị áp lực bởi vụ thu hoạch cà phê nhanh hơn của Brazil, điều này đã thúc đẩy nguồn cung cà phê.
Safras & Mercado ước tính gần 37% vụ cà phê mới của Brazil đã được thu hoạch. Vụ thu hoạch năm nay có tốc độ nhanh hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái, được báo cáo là khoảng 34%. Dựa trên dự báo về sản lượng vụ mùa mới là 69,50 triệu bao (1 bao là 60kg), báo cáo cho thấy rằng đến nay, khoảng 25,72 triệu bao cà phê vụ mới đã được thu hoạch, trong đó, khoảng 11,83 triệu bao là cà phê Conillon Robusta.
Điều kiện thời tiết được dự báo sẽ mát mẻ và khô ráo trong khi vụ thu hoạch cà phê có sản lượng cao theo chu kỳ hai năm một lần của Brazil đang diễn ra.
Hôm thứ sáu, các dự báo từ Cơ quan Thời tiết Quốc gia của Chính phủ Hoa Kỳ đã báo cáo rằng có 65% khả năng điều kiện thời tiết La Niña sẽ phát triển vào tháng 9 và tiếp tục diễn ra trong thời gian còn lại của năm, cho đến đầu năm 2025. Điều này diễn ra sau những gì đã được dự báo trước đó, được phân loại là một trong 5 kiểu thời tiết El Niño hàng đầu được ghi nhận.
Trong trường hợp La Niña xuất hiện, thì sẽ có hiện tượng làm mát, gây ra thời tiết khô hơn ở các khu vực thuộc lục địa phía nam châu Mỹ và lượng mưa quá mức ở các khu vực xích đạo có thể ảnh hưởng đến các quốc gia thuộc Vành đai Thái Bình Dương.
Thị trường cà phê Arabica ở New York sẽ đóng cửa vào thứ tư tới để kỷ niệm Ngày lễ Liên bang lần thứ 16 và thị trường cà phê Robusta ở London sẽ giao dịch một mình trong ngày này.
Tồn kho cà phê Arabica đã qua chế biến được chứng nhận được nắm giữ trên thị trường New York được cho là đã tăng 3.189 bao vào ngày hôm qua, đạt mức tồn kho là 808.067 bao.
Các nhà sản xuất được vốn hóa tốt nhờ bán cà phê còn lại từ mùa vụ 2023 của Brazil trong những tháng đầu năm, đặc biệt là vào tháng 4, khi họ tận dụng được đợt tăng giá mạnh. Điều này giúp giải phóng hàng tồn kho và bảo đảm nguồn lực để trang trải chi phí thu hoạch, bên cạnh việc duy trì dòng vận chuyển dồi dào được quan sát thấy trong những tháng gần đây ở Brazil.
Giờ đây, Brazil quản lý việc bán hàng một cách bình tĩnh hơn, theo dõi mùa đông và bình tĩnh chuẩn bị cà phê mới thu hoạch.
Theo khảo sát của SAFRAS, cho đến ngày 11/6, chỉ có 22% tiềm năng vụ mùa năm 2024 của Brazil được các nhà sản xuất bán ra. Tiến độ chậm chạp này khiến doanh số bán hàng bị trì hoãn so với cùng kỳ năm ngoái, khi 26% sản lượng đã được bán và dưới mức trung bình 5 năm là 32%.
Những kỳ vọng về mùa đông sắp tới cùng với những thất vọng gần đây về các cuộc đàm phán giá cả giải thích cho sự chậm trễ xuất bán hàng này.
Doanh số bán cà phê conillon của Brazil vụ 2024 đến lúc này chỉ đạt 20% sản lượng, so với mức 24% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với mức trung bình 5 năm là 29%.
Như vậy kết thúc giá cả tổng kết sau một tuần, thì thị trường Arabica ở New York đóng cửa tuần xem như không thay đổi ở mức 224,4 cent/pound so với 224,9 cent của tuần trước. Đây là sự chững lại đáng kể sau 5 tuần tăng liên tục trên thị trường này. Về mặt kỹ thuật thị trường này được dự báo là sẽ có một tuần mới giao dịch giảm sụt trước khi có điều gì đó mới khi mà Brazil đi vào mùa đông.
Đối với thị trường Robusta, sự chững lại của thị trường không hứa hẹn điều sáng sủa trong tuần mới nhất là khi thời hạn thanh lý tháng 7 đang gần kề.
Giá cà phê trong nước tuần này giảm 4.000 đồng/kg tại các địa phương. Trong đó, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk cùng điều chỉnh giao dịch về chung mốc 120.000 đồng/kg. Thương lái tại Lâm Đồng và Đắk Nông đang thu mua cà phê với giá thấp nhất và cao nhất lần lượt là 119.000 đồng/kg và 120.200 đồng/kg.
Doanh nghiệp than khó, lo lắng kinh doanh thua lỗ dù giá giảm
Giá cà phê thời gian qua đã tăng vọt và hiện quanh mốc 120.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng nhiều thập kỷ qua. Đây là lần đầu tiên sau 30 năm người nông dân trồng cà phê có được lợi ích tốt nhất nhờ mức giá cao kỷ lục mà so với trước đây-biến động thường chỉ trong khoảng từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, nhưng năm nay đã tăng hơn gấp đôi.
Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết những biến động tăng về giá đã tạo ra một số thách thức cho ngành cà phê, đó là sự “bội tín” trong việc thực thi các hợp đồng thương mại với các đối tác liên quan, vào thời điểm ký và giao hàng cho đến thời điểm thanh khoản đã xảy ra hàng loạt các vấn đề liên quan trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Theo ông Tuấn, về mặt luật pháp thì ngành hàng cần phải hoàn thiện hơn nữa những điều kiện bồi thường hợp đồng, nhưng không chỉ đơn thuần bồi thường ở mức giá mà phải bồi thường doanh thu hay một phương thức nào đó, để bảo đảm hợp đồng được thực thi cho dù đó là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn hay các nhà cung ứng nhỏ và thông thường thì việc hủy hợp đồng lại xảy ra ở các nhà cung ứng nhỏ.
Đối với lĩnh vực tài chính, đứng về góc độ thương mại Vicofa đề nghị Bộ Công Thương cần có những chính sách quốc gia, vì với ngành nông sản thì cơ chế tài chính của Việt Nam và điều kiện thanh khoản “rơi” vào thời gian khoảng ngày 31/12 và có những bước bắt buộc khi ngân hàng yêu cầu phải thu hồi xong các khoản vay cũ rồi mới tiến hành cho vay mới. Điều này đã gây khó cho DN trong việc đảm bảo có nguồn vốn.
Tháng 12 thường là thời điểm thu hoạch rộ vụ cà phê mới nguồn cung hàng hóa ra thị trường dồi dào, là lúc các doanh nghiệp cần lượng tiền mặt để mua được hàng nhiều nhất, nhưng buộc phải trả nợ vay xong mới được vay mới. Việc này vô tình tạo nên một khoảng trống trên thị trường khi lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường dồi dào nhưng tài chính của doanh nghiệp không đủ đáp ứng.
Thực tế cho thấy, việc giá cà phê cao trong dài hạn thì người nông dân không phải lo nghĩ nhiều nếu như có nguồn dự trữ mạnh nên giá cao sẽ mạnh dạn bán ra. Thế nhưng, với những doanh nghiệp thu mua nguyên liệu để chế biến cà phê xuất khẩu lại là chuyện khác khi giá thu mua cao dẫn đến chi phí tăng cao, lẽ đương nhiên là sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận, thậm chí là thua lỗ vì “mua cao bán thấp”.
Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu cà phê, chủ yếu là cà phê Robusta, trong tháng 5/2024 đã đạt 95.000 tấn, trị giá 400 triệu USD, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê đạt 833.000 tấn, trị giá 2,9 tỷ USD, giảm 3,9% về lượng, nhưng tăng 43,9% về trị giá so với cùng kỳ. Không những vậy, một số DN lớn trong ngành hàng này đến thời điểm hiện tại đã ký kết đơn hàng với các khách hàng tại châu Âu đến tháng 9/2024.
Tuy thế, dù cho tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhưng dấu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ lời lỗ thế nào khi xuất theo kỳ hạn đã hợp đồng trước đó giữa lúc giá thu mua nguyên liệu đầu vào tăng cao?
Dù xuất khẩu tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê lại phải nếm vị đắng. Bởi vì họ ký hợp đồng bán trước với giá thấp, nhưng khi thu mua hàng thì thị trường tăng giá dẫn đến thua lỗ. Nhất là các doanh nghiệp phải bỏ vốn nhiều hơn trong quá trình thu mua khi cà phê tăng giá, trong khi nguồn vốn lại là điểm hạn chế của họ.
Những doanh nghiệp kinh doanh cà phê lớn như CTCP Cà phê Gia Lai (Mã: FGL) đều lỗ hơn 2 tỷ đồng quý I/2024, vợ chồng chủ tịch Cà phê Gia Lai còn muốn thoái hết vốn. Quý II này dự báo tình hinh kinh doanh của Cà phê Gia Lai cũng không có gì sáng sủa hơn. Bởi, cuối quý I, hàng tồn kho của công ty gấp gần 16 lần đầu năm, đạt 2,7 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn vẫn không thay đổi đáng kể, ở mức 33 tỷ đồng, chiếm 1/5 tổng tài sản.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc thương hiệu Cà phê nông sản Meet More cho hay, giá cà phê giảm tuần này song vẫn là giá cao, doanh nghiệp từ đầu đã trở tay không kịp.
Theo ông Luận, chưa bao giờ, Công ty rơi vào cảnh khó khăn như hiện tại khi càng bán càng lỗ. Doanh nghiệp không dám nhập nguyên liệu dự trữ khi giá đang cao, mà chỉ nhập đủ số lượng để giao nốt những đơn hàng đã ký. “Hiện tại, chúng tôi không dám ký mới với những đơn hàng giá thấp”, ông Luận nói.
Các doanh nghiệp cho rằng, trong câu chuyện giá cà phê cao như hiện nay thì các cơ quan quản lý cũng cần quản lý sát sao nhằm tránh nhiễu loạn thị trường, tránh xảy ra vấn nạn mua bán khống, cũng như hạn chế tình trạng phá vỡ các hợp đồng, cam kết đã ký giữa nông dân và doanh nghiệp.
Đã có hiện tượng đại lý thu mua và doanh nghiệp thu mua giao hàng không đúng thời hạn quy định trong hợp đồng gây thiệt hại lớn cho người mua và làm mất uy tín của ngành cà phê Việt Nam. Thậm chí, tình trạng này có dấu hiệu lan rộng, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh ngành cà phê. Có doanh nghiệp còn phản ánh tình trạng một số nhà cung ứng không giao hàng theo hợp đồng mà bán cho đối tác khác với giá cao hơn. Đây là một tiền lệ xấu cần phải lên án vì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành cà phê Việt Nam...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.