Thị trường cà phê vẫn trong trạng thái thiếu hụt nguồn cung

Nguyễn Phương Thứ sáu, ngày 14/06/2024 11:56 AM (GMT+7)
Một số ước tính sơ bộ cho thấy, mặc dù sản lượng cà phê năm nay của Brazil có thể tăng nhẹ so với niên vụ trước, nhưng vẫn thấp hơn các dự báo ban đầu và thị trường cà phê toàn cầu vẫn trong trạng thái thiếu hụt nguồn cung.
Bình luận 0

Cà phê giữ mức giá cao, tồn kho cạn kiệt 

Giá cà phê trong nước hôm nay giao dịch quanh mức 120.600 – 121.800 đồng/kg. Giá Robusta và Arabica trên hai sàn giao dịch thế giới hồi phục, do dự báo thời tiết cho thấy, khả năng mưa chưa xuất hiện ở các vùng trồng cà phê của Brazil trong tuần tới.

Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn London tăng 0,17% chốt ở 4.093 USD/tấn (cập nhật lúc 11h20 hôm nay). Giá Arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York tăng tiếp 0,62% chốt mức 226,25 US cent/lb (cập nhật lúc 11h20 hôm nay).

Cà phê Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong thị trường cà phê toàn cầu, đặc biệt là với sản phẩm cà phê Robusta. Việt Nam không chỉ là một trong những nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, mà còn có ảnh hưởng đến giá cà phê toàn cầu thông qua sản lượng xuất khẩu của mình. 

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, để xuất khẩu bền vững, ngành cà phê cần tiếp tục tái cơ cấu, đẩy mạnh chế biến sâu, tạo thương hiệu lớn mạnh cho cà phê Việt trên thị trường thế giới nhằm tận dụng bối cảnh giá cà phê đang nóng như hiện nay.

Trong 1 tuần trở lại đây, giá cà phê bắt đầu dao động trong biên độ hẹp và duy trì ở mức nền giá cao so với hàng năm. Theo các chuyên gia, những diễn biến giá cả thời gian qua thể hiện những bước đi, thăm dò và giám sát thị trường của các nhà đầu tư, trong đó có cả giới đầu cơ.

Một số ước tính sơ bộ cho thấy, mặc dù sản lượng cà phê năm nay của Brazil có thể tăng nhẹ so với niên vụ trước, nhưng vẫn thấp hơn các dự báo ban đầu và thị trường cà phê toàn cầu vẫn trong trạng thái thiếu hụt nguồn cung. Nhu cầu cà phê tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… đang tăng nhanh.

Thị trường cà phê vẫn trong trạng thái thiếu hụt nguồn cung- Ảnh 1.

Giá cà phê trong nước hôm nay giao dịch quanh mức 120.600 – 121.800 đồng/kg.

Theo ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), việc giá cà phê tăng rõ ràng mặt tích cực làm cho đời sống của người sản xuất cà phê được tăng lên. Người nông dân tái đầu tư cho cà phê tốt hơn và không chạy theo những cây trồng khác.

Để duy trì được chất lượng, sản lượng và giữ vững tính bền vững của ngành hàng cà phê chúng ta phải có những chính sách, những đầu tư thích đáng để cho mối liên kết giữa người sản xuất - nhà rang - nhà thương mại bền vững, thực chất và giờ ngành cà phê đặc sản đang đi theo hướng đó.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, ngành cà phê thế giới đã qua rồi thời kỳ cà phê giá rẻ. Giờ việc tăng giá như vậy là lẽ công bằng thì người nông dân mới ở lại được với cây cà phê được. Và giải pháp quan trọng nhất là chúng ta quảng bá, xúc tiến thương mại ở thị trường thật tốt để người tiêu dùng biết đến ngành cà phê của mình.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã nghiên cứu, đưa ra nhận định, mức giá 3 USD/kg mới đảm bảo thu nhập đủ sống cho người trồng cà phê toàn cầu. Song lâu nay giá cà phê ở Việt Nam khá thấp (40.000-50.000 đồng/kg) và chỉ bắt đầu tăng trong vòng 2 năm trở lại đây. Do đó, mức giá hiện tại là lẽ công bằng để “buộc chân” nông dân với cây cà phê. 

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm liên tiếp, doanh nghiệp lo lắng 

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, nên sản lượng cà phê giảm sút. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023 - 2024, sản lượng hụt khoảng 10%.

Các cuộc xung đột trên thế giới, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng cũng đẩy giá cà phê lên cao. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư trên thế giới bắt đầu chọn cà phê để đầu cơ (sau dầu mỏ và vàng), khiến giá cà phê tăng nóng.

Trong khi đó, tồn kho cà phê của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến từ mùa vụ trước ở mức thấp, dẫn tới cán cân cung - cầu có sự chênh lệch lớn.

Theo Chủ tịch Vicofa, thời gian tới, giá cà phê chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nên doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để cân đối nguồn hàng và đưa ra chiến lược mua - bán hợp lý.

Thị trường cà phê vẫn trong trạng thái thiếu hụt nguồn cung- Ảnh 2.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm liên tiếp trong 4 tháng trở lại đây, dấu hiệu cho thấy tồn kho trong nước không còn nhiều.

Có một thực tế, các doanh nghiệp lại e dè, chưa nhận đơn hàng vì sợ rủi ro. Lý do, giá cà phê đang cao, thậm chí cao hơn giá xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đang nợ đơn hàng cũ nên chưa nhận đơn hàng mới. Không ít doanh nghiệp đang xoay xở đủ cách để trả nợ đơn đã ký trước đó.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm liên tiếp trong 4 tháng trở lại đây, dấu hiệu cho thấy tồn kho trong nước không còn nhiều.

Số liệu được công bố bởi Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5 chỉ đạt 79.358 tấn, giảm mạnh 47,8% so với tháng trước và 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Đánh dấu sự sụt giảm trong tháng thứ 4 liên tiếp so với cùng kỳ và tháng thứ 6 kể từ đầu niên vụ đến nay. Dấu hiệu cho thấy tồn kho cà phê trong nước không còn nhiều.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 817.154 tấn với trị giá thu về hơn 2,8 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2023 giảm 5,8% về lượng nhưng tăng tới 40,9% về trị giá nhờ giá tăng cao.

Kết thúc 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10/2023 đến tháng 5/2024) Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn cà phê, tương đương 80% sản lượng của niên vụ hiện tại và giảm 7% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 có thể giảm 20% xuống 1,47 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm, do hạn hán. Con số này thấp hơn dự báo giảm 10% xuống còn 1,6 – 1,7 triệu tấn của Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (Vicofa) đưa ra trước đó.

Đại diện của một doanh nghiệp cho biết do tồn kho từ năm ngoái thấp, cộng thêm sản lượng giảm dẫn đến tình trạng khan hàng năm nay diễn ra sớm hơn ngay từ tháng 2. Đến nay, lượng dự trữ của nhiều doanh nghiệp không đủ để bán đến vụ thu hoạch mới, có doanh nghiệp tạm ngưng xuất khẩu kéo dài vì hết hàng.

Thậm chí một số doanh nghiệp phải mua nguyên liệu từ nước ngoài để phục vụ sản xuất.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, biến động giá cả bất thường của ngành cà phê còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều doanh nghiệp đã tính đến việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế, dù vẫn đánh giá cao chất lượng hạt cà phê Robusta của Việt Nam.

Đại diện Công ty Neumann Gruppe Việt Nam, cho biết công ty đã phải đối mặt với tình trạng nhà cung ứng chậm giao hàng, hủy không giao hàng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cả các bạn hàng trong lĩnh vực rang xay.

Doanh nghiệp này chia sẻ một số người bán hàng hủy hợp đồng đã ký trước đó để tìm kiếm khách hàng mới nhằm bán được giá cao hơn, nhưng chưa bị chế tài xử lý. Trong khi đó, vì bị chậm giao, hủy hợp đồng, các doanh nghiệp rang xay, chế biến buộc phải đi tìm nhà cung ứng khác, nhập khẩu cà phê nguyên liệu từ Brazil để duy trì hoạt động sản xuất.

Đây là tiền lệ xấu, gây nguy hại cho uy tín của ngành cà phê Việt Nam với nhiều đối tác trên thế giới. Nếu kéo dài tình trạng này, cà phê Việt Nam sẽ đánh mất khách hàng, kể cả khách hàng truyền thống, doanh nghiệp bày tỏ lo ngại.

Còn theo chia sẻ của đại diện Công ty NestléViệt Nam, trong 2 năm qua, do đứt gãy chuỗi cung ứng, Nestlé phải chuyển một phần sản lượng thu mua sang các nước khác. Doanh nghiệp đều mong nguồn cung cà phê từ Việt Nam ổn định hơn. Cà phê Robusta Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng lớn trong công thức của NestléViệt Nam. Mục tiêu của NestléViệt Nam đến năm 2025, doanh nghiệp sử dụng toàn bộ sản phẩm cà phê bền vững từ Việt Nam.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 được dự báo vào khoảng 26,85 triệu bao (1 bao là 60kg), giảm khoảng 5% so với niên vụ trước. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuống 26,5 triệu bao trong niên vụ tới.

Nguyên nhân là tồn kho cà phê của Việt Nam giảm mạnh từ mức 3,6 triệu bao của niên vụ 2022-2023 xuống chỉ còn 892 nghìn bao trong niên vụ 2023-2024 và chỉ còn 492 nghìn bao vào niên vụ 2024-2025.

Ghi nhận mới nhất hôm nay, giá cà phê trong nước tăng 200 đồng/kg tại các địa phương. Cụ thể, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk cùng điều chỉnh giá thu mua lên chung mức 121.600 đồng/kg. Mức giao dịch thấp nhất hiện đang có mặt tại tỉnh Lâm Đồng là 120.600 đồng/kg. Thương lái tại Đắk Nông đang giao dịch cà phê với giá cao nhất là 121.800 đồng/kg.

Theo ghi nhận mới nhất, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng trở lại. Nguồn cung cà phê của Việt Nam đang cạn dần trong khi triển vọng vụ mùa tới cũng không mấy khả quan. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây dự báo giá cà phê sẽ tăng trở lại, chủ yếu đến từ việc giới đầu tư gia tăng lo ngại đối với triển vọng nguồn cung từ Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem