Lấy người dân làm trung tâm của chính sách
Phát biểu tại diễn đàn, TS.Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thành viên Liên minh Nông nghiệp cho biết, những năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã từng bước phát triển, bước đầu được công nghiệp hóa, phát huy tốt vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh cảnh khó khăn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành đang giảm dần và bộc lộ những yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp, trong khi cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt.
Toàn cảnh cuộc thảo luận bàn tròn về kiện toàn thể chế hướng tới nền nông nghiệp bền vững và có trách nhiệm tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017 ngày 28.3. Ảnh: Trần Quang
Theo đó, một trong những nút thắt quan trọng cần tháo gỡ để tạo động lực cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới là thể chế, bao gồm các thể chế chính thức (chính sách, pháp luật) và phi chính thức (các tập quán, nhận thức chung, hoạt động của các hội, hiệp hội trong nông nghiệp…).
TS.Andrew Wells – Dang, cố vấn cấp cao Tổ chức Oxfam Việt Nam cho rằng: “Để đưa tầm nhìn về một nền nông nghiệp bền vững, chúng ta cần củng cố sự hợp tác hiện tại giữa các cơ quan Nhà nước ở T.Ư và địa phương, các viện nghiên cứu, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông tạo nên xã hội dân sự và các doanh nghiệp nông nghiệp thuộc mọi quy mô và ngành nghề. Đặc biệt cần có tiếng nói của những người nông dân trong các cuộc thảo luận kỹ thuật và chính sách.
TS. Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NNPTNT) phát biểu tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017 ngày 28.3. Ảnh: Trần Quang
“Chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi rõ rệt trong suy nghĩ của các nhà làm chính sách và các nhà đầu tư về nông nghiệp trong vài năm qua. Trước đây, nền nông nghiệp chưa được chú trọng trong cách tiếp cận phát triển của Việt Nam, thì nay cả chính phủ lẫn doanh nghiệp đều cho rằng nông nghiệp là ưu tiên chiến lược, là lợi thế cạnh tranh của cả nước”-TS. Andrew Wells – Dang chia sẻ.
Xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa của các hộ nông dân. Ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng: “Cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, năng lực quản trị kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ”.
Theo GS. Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, sau nhiều năm đổi mới, cuộc sống của người nông dân vẫn còn nghèo, trong đó hơn 50% do người nông dân. Đất đai ngày càng manh mún, năng suất cây trồng không cao, người nông dân trình độ học vấn thấp, trong khi ở nước ngoài, người nông dân không có học không cho phép làm ruộng.
Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam còn chịu nhiều rủi ro do thời tiết, thị trường…(ảnh: Bà Nguyễn Thị Hậu chăm sóc ngô xuân trên cánh đồng thuộc xã Sơn Lai, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Ảnh: Trần Quang
“Nếu tinh thần công nghiệp hóa nền nông nghiệp được thực hiện một cách cực đoan có thể đẩy những hộ sản xuất nhỏ lẻ thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Giải pháp hiện nay là làm sao lựa chọn những chính sách nông nghiệp lấy người dân làm trung tâm, cũng như những chính sách bền vững nhằm giúp giảm bất bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực”.
TS.Andrew Wells – Dang
|
Theo bà Lê Thị Hà Liên - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, cần định hướng và xây dựng thể chế cho ngành nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường và thu nhập cho người nông dân; nông nghiệp xanh, sạch ứng phó với biến đổi khí hậu; nông nghiệp sử dụng nguồn lực tiết kiệm và nông nghiệp thông minh, công nghệ cao.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, trong đó tôn trọng và đảm bảo đầy đủ các quyền lợi và lợi ích của hộ nông dân trong sử dụng ruộng đất, định rõ cơ sở pháp lý cho sự vận động của các quyền đó trong cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, cần cần hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính, tín dụng trong nông nghiệp để hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa và đảm bảo đời sống của người nông dân…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.