18g ngày 14/8, trên Youtube xuất hiện clip dài 7 phút 21 giây với tựa đề “Mổ bụng Vsmart Live 1 so sánh nội thất Meizu 16Xs: giống 100%”. Với tựa đề “Mổ bụng Vsmart Live 1 so sánh nội thất Meizu 16Xs: giống 100%”, chủ clip này có vài nhận xét sơ sài nhưng “chết người” về thiết kế bên ngoài, nắp lưng, hình dáng của những con ốc bên trong, tản nhiệt, thông tin trên pin… của 2 sản phẩm trên rồi đi đến kết luận: made in Việt Nam sao mà giống made in China quá, như “anh em song sinh”! Chỉ trong vòng 6h, clip này đã có trên 42.000 lượt xem.
Đối chiếu mức độ giống nhau giữa Vsmart Live 1 và Meizu 16Xs trên clip.
Trước đó, hôm 11/8, VinSmart vừa chính thức mở bán dòng Live 1 với hai phiên bản: 4GB RAM - 64GB ROM có giá 6,99 triệu đồng và 6GB RAM - 64GB ROM có giá 7,99 triệu đồng.
Nhiều cách làm
Hiện nay, để tiếp thị sản phẩm, chủ các thương hiệu chỉ cần công bố vài thông tin cơ bản của sản phẩm theo hướng có lợi cho hãng với người tiêu dùng. Với ngành hàng smartphone, các hãng chỉ cần nhắc đến dăm ba thông tin: CPU, cảm biến camera… của hãng nào đã là quá đủ. Chưa thấy hãng nào nói về quy trình, cách thức sản xuất theo dạng nào vì đó là một việc làm vô ích và không cần thiết.
Ông Đỗ Khoa Tân, nguyên Tổng giám đốc Thương hiệu điện tử Belco, nói: “Nhà sản xuất chịu trách nhiệm về chất lượng, giá, dịch vụ hậu mãi của sản phẩm với người tiêu dùng. Còn về phía người tiêu dùng, chỉ cần biết vài thông số về cấu hình, giá cả, dịch vụ chăm sóc khách hàng… để so sánh với các mặt hàng khác đã là quá đủ. Họ (người tiêu dùng) không cần phải biết cách thức sản xuất mặt hàng đó, lô hàng đó theo cách nào”.
Theo ông Tân, hiện nay, có 3 cách sản xuất nhóm hàng điện tử theo trình tự từ thấp đến cao, đó là: OBM (Original Brand Manufacturing, tạm dịch là nhà sản xuất thương hiệu gốc), ODM (Original Design Manufacturing, nhà thiết kế gốc), OEM (Original Equipment Manufacturing, nhà sản xuất thiết bị gốc), gần đây có thêm cách: EMS (Electronic Manufacturing Service, nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ điện tử) như Apple đang làm với Foxconn.
“Tùy theo năng lực của từng hãng mà chọn cách phù hợp. Nhưng cho dù cách nào, hãng sở hữu thương hiệu đó chịu trách nhiệm về sản phẩm cuối cùng, từ kinh doanh đến chính sách hậu mãi”, ông Tân chia sẻ.
VinSmart làm kiểu nào?
Vậy, trong 4 cách sản xuất trên, VinSmart lựa chọn cách nào cho sản phẩm Live 1?
Ông Nguyễn Minh Việt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết bị di động của VinSmart, xác nhận VinSmart và hãng điện thoại khác cùng đầu tư chi phí nghiên cứu phát triển sản phẩm và đặt hàng theo cách ODM để thiết kế mẫu điện thoại mới.
"Đây là cách làm VinSmart lựa chọn trong trong giai đoạn đầu vì chúng tôi cần ra mắt rất nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian nhanh nhất. Ngoài việc tương đồng về hình thức vì cùng chia sẻ một mẫu ý tưởng thiết kế, Vsmart Live và mẫu điện thoại trên khác nhau hoàn toàn về bản chất. VinSmart sử dụng bản vẽ đó, điều chỉnh các chi tiết nhưng quan trọng nhất là thiết kế hệ điều hành do chính đội ngũ nghiên cứu của Vsmart tự phát triển và sản xuất tại nhà máy Vsmart với linh kiện, như : chip, bo mạch của Qualcomm, màn hình AMOLED của Samsung…”, ông Việt cho biết.
Từ những nhận định trên, hình thức nội - ngoại thất của Vsmart Live 1 có giống Meizu 16Xs cũng là chuyện bình thường. Quan trọng nhất, theo lời ông Việt, những giá trị như: viết riêng hệ điều hành VOS 2.0, tinh chỉnh camera, tích hợp các thuật toán… mới là “linh hồn” của Live 1.
Ngày 14/8, trên Youtube xuất hiện clip dài 7 phút 21 giây với tựa đề “Mổ bụng Vsmart Live 1 so sánh nội thất Meizu 16Xs: giống 100%”.
Ai "chủ mưu"?
Sau khi clip nói trên được tung lên Youtube, nhiều ý kiến cho rằng, “chuyên gia trong clip đã dũng cảm và giàu có khi dám chi hơn 12 triệu đồng mua 2 chiếc smartphone để truy tìm gia phả”. Nhưng sau đó vài tiếng đồng hồ, có nguồn tin cho rằng, “chàng trai dũng cảm” đó chính là một quản lý tầm trung của BKAV đã đến cửa hàng mua một chiếc Live 1. Dù không kết luận nhưng nguồn tin cho rằng, “cách chia sẻ thông tin của clip đó trên mạng xã hội, diễn đàn… rất bài bản, có ai đó đạo diễn”.
Chỉ trong 6h, clip này đã có trên 42.000 lượt truy cập
Trao đổi với Dân Việt, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc truyền thông của BKAV, xác nhận là có mua một sản phẩm như vậy nhưng để “nghiên cứu sản phẩm, nhất là hệ điều hành của họ làm như thế nào. Với dòng máy nào mới ra chúng tôi đều mua để test. Về clip so sánh Vinsmart và Meizu, chúng tôi không biết thông tin gì”, bà Thu Hằng nói ngắn gọn.
BKAV là một thương hiệu lớn của làng công nghệ Việt Nam, bắt đầu sản xuất smartphone từ năm 2016. Mỗi năm, BKAV sản xuất một dòng sản phẩm. Cách đây vài tuần, dòng smartphone Bphopne 3 đã xuất hiện tại thị trường Myanmar qua kênh bán lẻ của Mytel!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.