Lần duy nhất quân đội Mông Cổ thất bại trong trận đánh dàn quân "sòng phẳng" là ở đâu?

PV Thứ sáu, ngày 20/01/2023 20:30 PM (GMT+7)
Có nhiều người tin rằng, chiến thắng Ain Jalut không chỉ cứu thế giới đạo Hồi mà còn thay đổi toàn bộ lịch sử thế giới…
Bình luận 0

Quân đội Mông Cổ được coi là một trong những đạo quân mạnh nhất thế giới từng xuất hiện trong lịch sử. Trang bị kỹ càng tới tận “chân răng”, nguồn lương thực hậu cần cực tốt, khả năng cưỡi ngựa bắn cung siêu hạng, chiến thuật hoàn hảo cùng tư chất dũng mãnh, không biết sợ chết đã khiến cho đội quân Mông Cổ được coi là bất khả chiến bại vào thời điểm đó. Họ tàn phá gần nửa triệu quân của Đế chế Hoa Lạc Tử Ngô, phá tan 8 vạn liên quân Nga bên bờ sông Kalka, chinh phục nhà Tống “nhẹ như trở bàn tay”.

Lần duy nhất quân đội Mông Cổ thất bại trong trận đánh dàn quân "sòng phẳng" là ở đâu? - Ảnh 1.

Tranh vẽ trận Ain Jalut năm 1260.

Thế nhưng trong lịch sử, người Mông Cổ cũng biết tới thất bại. Tuy nhiên, thất bại trong 3 cuộc viễn chinh Đại Việt hay sự kiện Thần Phong hủy diệt đội chiến thuyền của Hốt Tất Liệt đều không phải là những trận mà người ta dám đối đầu 1 đối 1 với quân Mông Cổ.

Ở cuộc viễn chinh Đại Việt, sức nóng khủng khiếp của miền Bắc vào dịp đầu hè, cộng thêm chiến thuật “vườn không nhà trống” của Đại tướng Trần Hưng Đạo khiến cho những chiến binh phương Bắc của Ngột Lương Hợp Thai hay Toa Đô không thể chịu nổi mà rút lui.

Những trận chiến đó chưa thể hiện đúng thực lực của người Mông Cổ do sang đến thời kỳ này, quân đội Mông Cổ đã “lai tạp” rất nhiều, không còn giống như thời Thành Cát Tư Hãn vẫn còn làm Đại Hãn nữa. Còn nếu Thần Phong không xuất hiện và hủy diệt đội quân viễn chinh Mông Cổ tại Nhật Bản thì biết đâu mọi chuyện đã rất khác.

Đội quân duy nhất đánh bại Mông Cổ “một đấu một”

Chỉ có duy nhất một đội quân chiến thắng người Mông Cổ ở địa hình bằng phẳng, đấu “1 đối 1”, ngay trong giai đoạn họ đạt “phong độ đỉnh cao” ngang tài ngang sức mà giành chiến thắng. Chiến thắng của họ không chỉ cứu một nước khỏi họa diệt vong và nô lệ mà còn cứu cả thế giới đạo Hồi vào thời điểm đó. Đó là trận Ain Jalut năm 1260.

Mông Kha lên ngôi Đại Hãn Mông Cổ năm 1251 và ngay lập tức chỉ định Húc Liệt Ngột, người anh em của mình làm thống lĩnh quân đội viễn chinh các nước Hồi giáo.

Tôn chỉ của Mông Kha là hủy diệt tất cả những kẻ chống đối, kẻ nào hàng thì tha. Thành Baghdad sụp đổ dưới chân quân Mông Cổ, 50.000 quân của vương quốc 500 tuổi Abbasid bị tàn sát không còn ai. Lúc đó, cả thế giới đạo Hồi “rung chuyển” trước vó ngựa Mông Cổ.

Năm 1260, lần lượt Aleppo, Syria chịu số phận giống như Baghdad, còn Damascus, Nablus và Gaza mở cửa thành đầu hàng quân Mông Cổ. Duy chỉ có Quốc vương của Mamluk Sultanate (Ai Cập) Qutuz là trường hợp ngoại lệ…

Đầu năm 1260, Húc Liệt Ngột cho sứ giả đến gặp Qutuz gửi cho Quốc vương một bức thư đầy mùi hăm dọa:

“Từ Vua của các vị Vua phía Đông và Tây, Đại Hãn gửi tới Qutuz, kẻ bỏ chạy để thoát khỏi lưỡi gươm của chúng ta. Ngươi nên nghĩ về kết cục của những nước khác và đầu hàng chúng ta đi. Ngươi đã nghe cách mà chúng ta chinh phục một đế chế rộng mênh mông và thanh tẩy mặt đất khỏi những thứ ô uế rồi đó. Chúng ta đã chinh phục những vùng đất rộng lớn, tàn sát tất cả mọi người. Ngươi không thể thoát khỏi sự kinh hoàng của quân đội chúng ta đâu. Ngươi chạy đi đâu? Người sẽ chạy trên con đường nào để thoát? Ngựa của chúng ta nhanh, tên của chúng ta sắc bén, lưỡi gươm của chúng ta như sét đánh, trái tim chúng ta cứng như núi đá, quân của chúng ta đông như cát. Nước mắt hay sự ủy mị không lay động được chúng ta. Chỉ có những kẻ cầu xin chúng ta che chở mới được an toàn. Trả lời nhanh lên trước khi ngọn lửa chiến tranh bùng lên. Chống cự và ngươi sẽ chịu số phận thảm khốc nhất. Chúng ta sẽ đập bỏ những đền thờ, lôi ra sự yếu hèn từ Chúa của các người và sau đó, sẽ giết cả người già, trẻ nhỏ. Hiện tại, ngươi là kẻ thù duy nhất chúng ta sẽ phải chinh phục mà thôi”.

Qutuz phân vân một lúc và bỏ vào trướng trong cùng các tướng lĩnh Mamluk, để lại sứ giả Mông Cổ với nụ cười mỉm trên môi. Qutuz thừa nhận rằng, quân đội của ông chẳng là gì so với Mông Cổ, các tướng lĩnh cũng đồng tình như vậy nhưng đột ngột, vị Quốc vương dũng cảm nói: “Ai Cập cần một chiến binh làm vua. Nếu không ai theo, một mình ta sẽ đi và đương đầu với quân Tatars”.

Qutuz gầm lên một tiếng, cho quân lính bắt giữ sứ thần Mông Cổ, ra lệnh chém ngang lưng, cắt đầu và treo lên cổng Zuwila tại Cairo. Với người Mông Cổ, sứ thần là nhân vật được tôn trọng và đối xử rất tốt cho dù 2 nước có đang chiến tranh, hành động này của Qutuz là không thể tha thứ được. Do đó, quyết định về cuộc chiến tranh giữa Mamluk Sultanate và Mông Cổ đã được định đoạt.

Cùng lúc đó, Đại Hãn Mông Kha qua đời trong khi đang tiến hành chiến tranh với nhà Tống, theo quy định, tất cả phải quay về Mông Cổ để bầu chọn Đại Hãn mới. Điều đó khiến cho Húc Liệt Ngột phải rút phần lớn quân đội của mình (khoảng gần 30 vạn quân) trở về.

Ông chỉ để lại 20 nghìn quân do tướng lĩnh số 1 của ông lúc đó – Khiếp Đích Bất Hoa nắm giữ. Bởi theo ông, mảnh đất Hồi giáo đã hoàn toàn bị khuất phục dưới vó ngựa Mông Cổ rồi.

Tuy nhiên đó lại là sai lầm lớn nhất cuộc đời của Húc Liệt Ngột. Điều này để lại một vết nhơ trong lịch sử bất bại vô địch của người Mông Cổ, khiến cho muôn đời sau, mảnh đất Hồi giáo được bình yên, hình thành nên những Đế chế xưng bá cả châu Âu như nhà Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho dù không tận diệt được Hồi giáo thì những ảnh hưởng của người Mông Cổ khi cai trị vùng đất này khiến lịch sử thay đổi rất nhiều. Đế chế Mông Cổ thống trị tốt đến nỗi sử sách ghi lại rằng: “Một trinh nữ trần truồng đầu đội một hũ vàng có thể đi bộ từ Damascus tới Karakorum mà không bị làm hại”. Người Mông Cổ lúc đó chỉ coi thế giới bao gồm 2 phần “Những kẻ bị thống trị” và “Những kẻ chưa bị thống trị”.

Ngày 3/9/1260, Khiếp Đích Bất Hoa dẫn 20.000 quân Mông Cổ về phía Tây, vượt qua Jordan tiến về ngọn đồi cao hướng xuống bình nguyên Esdraelon. Cùng lúc đó, 20.000 quân Mamluk do Qutuz chỉ huy thiết lập thế trận tại Ain Jalut (cái tên này có nghĩa là Dòng Suối của Goliath, ám chỉ sự thất bại của gã khổng lồ Goliath trước chú bé David, cũng giống như Đế chế Mông Cổ trước quân Mamluk).

Quân Mamluk bước vào trận chiến chỉ với duy nhất một suy nghĩ mà Qutuz đã nói trước khi giao chiến “Hoặc là các ngươi chiến thắng hoặc là các ngươi và gia đình ngươi sẽ chết thảm khốc”. Điều đó khiến cho quân Mamluk trở nên mạnh mẽ hơn vì họ biết, không còn đường lùi nữa trước kẻ thù chưa bao giờ biết tới thất bại trước mặt.

Baibars – tướng lĩnh của Qutuz xua quân đánh trực diện với quân của Khiếp Đích Bất Hoa ngay tại Ain Jalut. Tưởng rằng đó là toàn bộ quân Mamluk, vị tướng Mông Cổ tự mình dẫn quân đánh thẳng. Baibars đột ngột rút lui và quân Mông Cổ thừa thắng xông lên. Tiếc thay, người Mông Cổ lại rơi vào cái cái bẫy mà chính họ rất hay sử dụng: Giả vờ thua trận.

Khi đến vùng trũng, Qutuz ra lệnh cho đội kỵ binh Mamluk tấn công vào cánh của quân Mông Cổ. Đến lúc này, trận chiến mới thực sự bắt đầu. Khiếp Đích Bất Hoa là một tướng tài, ông không dễ dàng bị lung lay vì cuộc tấn công bất ngờ đó, ngay lập tức ông chỉ huy một đạo kỵ binh khác vòng sang tấn công cánh trái của quân Mamluk, gần như xé nát cánh này nếu như không có sự xuất hiện của Qutuz.

Vị quốc vương đáng kính vứt bỏ mũ xuống đất và hô lớn 3 tiếng “Ôi đạo Hồi ơi”, điều kỳ diệu đã xảy ra, cánh trái của quân Mamluk bỗng dưng trở nên sắt đá lạ thường. Ngay sau đó, Qutuz tự mình thống lĩnh đội kỵ binh phá tan nát cánh quân Mông Cổ này.

Đối diện với thất bại khó tin ngay trên chiến trường trực diện – nơi chưa bao giờ Mông Cổ thất bại, Khiếp Đích Bất Hoa vẫn bình tĩnh lạ thường. Khi người hầu cận của ông khuyên bỏ chạy, vị tướng này đã nói: “Chúng ta sẽ chết ở đây và như thế là hết. Chúc Đại Hãn trường thọ an vui”.

Khiếp Đích Bất Hoa chiến đấu tới cùng cho đến khi bị một mũi tên bắn trúng ngựa và ngã xuống đất. Giữa trận chiến, người ta bắt sống ông và giải đến trước Qutuz.

Mất đi thủ lĩnh, quân Mông Cổ như rắn mất đầu và dần dần bị đánh tan tác. Khiếp Đích Bất Hoa bị xử trảm và treo đầu lên cổng thành Cairo, đánh dấu chiến thắng quân Mông Cổ của Ai Cập.

Vì đâu Mông Cổ bách chiến bách thắng thất bại?

Tại sao quân Mamluk có thể đánh ngang sức với quân Mông Cổ, tại sao các kỵ binh nặng Hồi giáo chưa bao giờ đánh tay đôi ngang với kỵ binh Mông Cổ chứ đừng nói chiến thắng lại có thể áp đảo tại Ain Jalut? Tại sao những mũi tên vô địch của Mông Cổ không thể đánh bại quân Mamluk? Đó có thể là bởi:

Ý chí chiến đấu: trận Bối Thủy của Hàn Tín từng cho thấy khi một người lính rơi vào tình cảnh không thể quay đầu, anh ta sẽ có sức 1 địch 10. Trong trường hợp này, người Mamluk không thể bỏ chạy, họ chỉ có thể chiến đấu hoặc là chết. Trong khi đó, quân Mông Cổ lại đang mang tư tưởng bất bại và là kẻ xâm lược.

Trang bị của Mông Cổ cực tốt nhưng quân Mamluk cũng không hề thua kém. Giáp Mông Cổ tốt, giáp Mamluk còn bền hơn thế. Người Mông Cổ cưỡi ngựa bắn tên xa cực tốt, quân Mamluk bắn tên không xa bằng nhưng họ bắn cực nhanh (sử sách ghi lại rằng một chiến binh Mamluk có thể bắn 3 mũi tên trong 1 giây rưỡi). Cả hai bên đều sống trên lưng ngựa từ bé. Khi còn là một đứa trẻ, các chiến binh đã học cách cưỡi ngựa và chiến đấu/bắn cung trên lưng ngựa.

Rõ ràng xét về binh lực đây là một trận chiến ngang tài ngang sức. Và bên có ý chí chiến đấu tốt hơn đã giành chiến thắng.

Chiến thắng của quân Ai Cập đã khiến cho Mông Cổ mãi bao nhiêu năm sau đó vẫn không thể thâm nhập sâu hơn vào vùng đất Hồi giáo. Sau sự kiện Đại Hãn Mông Kha chết, Đế chế Mông Cổ không còn là một khối thống nhất, dẫn đến việc họ không thể tập trung vào sự nghiệp chinh phạt như trước.

Có thể nói, chiến thắng Ain Jalut đã thay đổi toàn bộ lịch sử thế giới, mà có thể, ảnh hưởng đến tận chiến sự Trung Đông ngày nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem