Quân chủng Phòng không - Không quân đưa thần tượng B-52 xuống bùn đen

Thứ sáu, ngày 13/01/2023 12:32 PM (GMT+7)
Bắn rơi B-52 của Mỹ cho thấy hiệu suất chiến đấu cao của tên lửa Phòng không Việt Nam.
Bình luận 0

Khi bước vào trận đánh sinh tử với B-52 vào 12 ngày đêm cuối năm 1972, nếu tính thêm cả những yếu tố phụ thì SAM-2 trong nhiều trường hợp đã đứng ở vị thế trên, vì lúc đó nanh vuốt của con "ngáo ộp" B-52 đã không còn nhọn nữa, các điểm yếu của nó đã bị phơi bày mà những người sử dụng SAM-2 đã khai thác được một cách tuyệt vời.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa của Hà Nội đã làm cho B-52 tưởng như bất khả xâm phạm đã hiện nguyên hình trên nền nhiễu của bản thân nó. Trong khi SAM-2 và những người sử dụng SAM-2 đã được chuẩn bị kỹ càng, trong tay có cẩm nang làm bửu bối, có phương tiện không bị nhiễu để vạch mặt B-52. Việc quật đổ B-52, đưa thần tượng B-52 xuống bùn đen theo nghĩa bóng và xuống bùn đen ở Ngọc Hà theo nghĩa đen, là điều dễ hiểu và khá thú vị.

Quân chủng Phòng không - Không quân bước vào chiến dịch với một tư thế sẵn sàng và tự tin. Trực ban chỉ huy ở sở chỉ huy Quân chủng ngày khởi đầu chiến dịch, ngày 18/12/1972, là phó tư lệnh Nguyễn Quang Bích và phó chính ủy Nguyễn Xuân Mậu. Tuy vậy, từ chập tối đêm 18/12/1972, tư lệnh Lê Văn Tri, chính ủy Hoàng Phương và gần như toàn bộ Bộ Tư lệnh Quân chủng đều có mặt ở sở chỉ huy Quân chủng.

Hai mươi chín trận bắn rơi B-52 trong đó có 16 trận bắn rơi B-52 tại chỗ, mỗi trận một vẻ, đều là những trận thắng đẹp, đều đáng được vinh danh để rút kinh nghiệm. Dưới đây, tôi xin lược ghi lại 16 trận mà tên lửa Phòng không ta đã bắn rơi tại chỗ B-52, để thấy được tính đa dạng về cách đánh B-52 của tên lửa Phòng không Việt Nam và không chút hoài nghi về những đánh giá trên.

Chiếc B-52 thứ nhất:

Lúc 20 giờ 13 phút ngày 18/12/1972, tốp B-52 từ sườn Tam Đảo xuống đánh Đông Anh, tiểu đoàn 59, trung đoàn 261, dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng cùng sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận, kíp trắc thủ đã bình tĩnh dũng cảm bám sát chính xác giữa dải nhiễu B-52, dùng phương pháp bắn ba điểm, với hai đạn. Chiếc B-52 trúng đạn bốc cháy như một bó đuốc khổng lồ rơi xuống cánh đồng Chuôm thuộc xã Phủ Lỗ, huyện Đông Anh, cách trận địa chưa đầy 10 km.

Chiếc B-52 thứ hai:

Đêm ngày 18/12/1972 rạng sáng ngày 19/12/1972 lúc 4 giờ 39 phút, nhiều tốp B-52 từ hướng tây bắc vào, tiểu đoàn 77 trung đoàn 257 từ trận địa Chèm, dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn, sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức cùng kíp trắc thủ radar và trắc thủ PA-00 đã phát hiện tốp B-52, với tham số khoảng cách đường bay lớn (trên 10 km). Tiểu đoàn trưởng ra lệnh phát sóng từ cự ly 40 km, phát hiện rất rõ 3 tín hiệu B-52 trên nền dải nhiễu và hạ quyết tâm bắn bằng phương pháp bắn đón, bám sát tự động, với hai đạn, ở cự ly phóng là 36 km. Quỹ đạo đạn bay rất ổn định và đạn nổ trùm lên mục tiêu. Chiếc B-52 bốc cháy sáng rực, rơi xuống cánh đồng xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

Chiếc B-52 thứ ba:

Lúc 20 giờ 02 phút ngày 20/12/1972, hai tốp B-52 vào ném bom khu vực Yên Viên, Gia Lâm, tiểu đoàn 93 trung đoàn 257, dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hạ lệnh phát sóng nhưng không bắt được mục tiêu nên đã bắn tốp thứ nhất bằng phương pháp ba điểm, với hai đạn, ở cự ly 38 km. Đạn đã vượt mục tiêu tự hủy. Nhưng ngay lúc đó, sĩ quan điều khiển và kíp trắc thủ đã phát hiện ba tín hiệu B-52 của tốp thứ hai trên nền dải nhiễu. Tiểu đoàn trưởng nhanh chóng ra lệnh chuyển phương pháp bắn ba điểm sang phương pháp bắn đón và phóng tiếp quả đạn thứ ba. Chiếc B-52 bốc cháy sáng rực, đâm đầu xuống địa phận xã Yên Thường gần nhà ga Yên Viên lúc 20 giờ 10 phút.

Quân chủng Phòng không - Không quân đưa thần tượng B-52 xuống bùn đen - Ảnh 1.

Tên lửa SAM-2 trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Nguồn: baotintuc.

Chiếc B-52 thứ tư:

Lúc 20 giờ 30 phút ngày 20/12/1972, một tốp B-52 từ tây bắc xuống, tiểu đoàn 77 trung đoàn 257 tại trận địa Chèm, dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn cùng sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức và kíp trắc thủ vẫn tận dụng đường bay có tham số khoảng cách lớn, phát sóng ở cự ly 35 km, phát hiện rõ tín hiệu phản xạ của ba B-52 trên nền dải nhiễu. Tiểu đoàn trưởng hạ quyết tâm đánh bằng phương pháp bắn đón, bám sát mục tiêu tự động, quỹ đạo đạn bay rất đẹp. Đạn nổ trùm mục tiêu, chiếc B-52 bốc cháy, rơi xuống khu vực tỉnh Hòa Bình.

Chiếc B-52 thứ năm:

Đêm 20/12/1972, rạng sáng 21/12/1972 lúc 5 giờ 10 phút, một tốp B-52 từ ngã ba sông Việt Trì bay vào Hà Nội, có đường bay với tham số khoảng cách lớn. Cũng tương tự như hai trận đánh thắng trước, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 77 trung đoàn 257 Đinh Thế Văn vẫn cho phát sóng sớm và tín hiệu B-52 nổi trên nền nhiễu, sử dụng phương pháp bắn đón, với hai đạn, đã bắn rơi một B-52 xuống thị xã Phúc Yên.

Chiếc B-52 thứ sáu:

Lúc 5 giờ 14 phút ngày 21/12/1972, một tốp B-52 từ hướng Việt Trì đột nhập Hà Nội, tiểu đoàn 79 trung đoàn 257 dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Chiến, đã sử dụng radar K8-60 hỗ trợ phát sóng phát hiện mục tiêu, sử dụng phương pháp bắn đón, với hai đạn. Chiếc B-52 bốc cháy, đâm đầu xuống khu vực Chí Linh, Hải Dương.

Chiếc B-52 thứ bảy:

Lúc 5 giờ 19 phút ngày 21/12/1972, một tốp B-52 bay vào, tiểu đoàn 57 trung đoàn 261 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt chỉ huy, phát sóng không bắt được mục tiêu, đã tận dụng radar K8-60, đánh bằng phương pháp ba điểm, với một đạn (quả đạn cuối cùng còn trên bệ phóng). Chiếc B-52 bốc cháy, rơi xuống khu vực chợ Thá gần núi Đôi.

Chiếc B-52 thứ tám, thứ chín, thứ mười:

Sau thất bại nặng nề trong đêm 20/12 rạng sáng 21/12/1972, cường độ đánh của B-52 trong đêm 21/12/1972 giảm đáng kể nhưng bộ đội tên lửa Phòng không đã lập công xuất sắc. Trong 14 phút, ba tiểu đoàn tên lửa 57, 93, 78 đã bắn rơi tại chỗ ba B-52: một chiếc rơi ở chợ Bến (Hòa Bình), một chiếc rơi ở Quỳnh Côi (Thái Bình), một chiếc rơi ở Thanh Miện (Hải Dương).

[…]

Mười sáu B-52 trên bị tên lửa Phòng không bắn rơi tại chỗ đã được xác định rõ tác giả các "công trình" của từng chiến tích, thời gian và địa điểm bị rơi. Không quân chiến lược Mỹ không có cách nào che giấu được mà phải thừa nhận thất bại cay đắng của mình. Đó là chưa kể những chiếc B-52 bị rơi ngoài lãnh thổ Việt Nam, bị thương và bị loại khỏi thực lực chiến đấu.

Nếu nhìn ra ngoài thế giới, Mỹ đã can thiệp vào nhiều nơi, từ Kosovo, Trung Đông, đến Afghanistan, Iraq, Libya... không ở đâu bắn rơi được B-52 của Mỹ, dù chỉ là một chiếc, càng thấy hiệu suất chiến đấu cao của tên lửa Phòng không Việt Nam và thắng lợi của chúng ta là rất to lớn.

PV (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem