Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nhà văn Thảo Trang, Tết ở làng Địa Ngục tái hiện sống động ngôi làng quỷ dị ẩn mình trong núi rừng hoang vu, nơi an cư của hậu duệ băng cướp khét tiếng dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Dân làng nơi đây phải gánh chịu đại nạn vào một dịp Tết cổ truyền bởi nghiệp chướng từ tổ tiên gây nên. Phim phơi bày tội ác man rợ từ oán khí sâu đậm và quan niệm nhân quả - nghiệp báo của người Việt qua các phù thuật dân gian ghê rợn như rượu sọ người, hình nhân thế mạng, câu hồn nhập xác…
Tết ở làng Địa Ngục gồm 12 tập, mỗi tập 45 phút, được Truyền hình K+ đầu tư sản xuất, với sự tham gia của "cặp bài trùng" nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn chuyên trị dòng phim kinh dị - Trần Hữu Tấn, từng gây tiếng vang với các tác phẩm "Chuyện ma gần nhà", "Bắc Kim Thang", "Rừng thế mạng".
Phim được đầu tư mạnh vào bối cảnh, phục trang, hóa trang và dàn diễn viên thực lực cả hai miền Nam, Bắc… Bối cảnh ngôi làng cổ được dày công tìm kiếm và dàn dựng giữa những ngọn núi cheo leo, sương phủ trắng rừng, tạo cảm giác kỳ bí chân thật cho cả diễn viên và khán giả.
Dự án quy tụ dàn diễn viên đa thế hệ, thực lực từ hai miền Bắc - Nam, với màn "lột xác" của Quang Tuấn (ông Thập), Nguyên Thảo (Thị Thập), Võ Tấn Phát (Tam Quỷ), Lan Phương (Thập Nương)... Đặc biệt, sự trở lại màn ảnh của những gương mặt gạo cội: NSƯT Phú Đôn (lão ăn mày), NSƯT Văn Báu (cụ Khảm), NSƯT Hạnh Thúy (Thị Lam), NSƯT Chiều Xuân (bà Phong), NS Viết Liên (thầy Đồ Lam) rất được chờ đợi.
Dàn diễn viên trẻ Hải Nam (cậu Đức), Đình Khang (Đại kẻ điên), Huỳnh Như Đan (cô Mây) cũng được quan tâm. Họ đã cùng nhau nỗ lực, sống cùng nhân vật khi mang lớp hóa trang trong thời gian dài, diễn xuất nhập thần dưới điều kiện thời tiết Hà Giang khắc nghiệt, thiếu thốn trăm bề để "thổi hồn" vào series kinh dị cổ trang mang chất lượng điện ảnh đầu tiên của Việt Nam.
Lần đầu đóng một dự án kinh dị cổ trang, nhiều diễn viên trong ekip không tránh khỏi sự e ngại ban đầu. Nhưng sau khi nhận được sự chia sẻ tâm huyết từ đạo diễn, ấn tượng bởi kịch bản, tất cả đã hào hứng tham gia, dành nhiều nỗ lực cho vai diễn.
Quang Tuấn đặc biệt "tìm nhiều tư liệu về lời ăn, tiếng nói của người xưa để nhập vai hoàn hảo nhất". NSƯT Phú Đôn sau nhiều đắn đo cũng quyết định "bán linh hồn cho đạo diễn".
Vượt qua e ngại ban đầu, nhiều diễn viên cho biết bất ngờ, phấn khích bởi trải nghiệm quay phim dài tập chưa từng có. Chia sẻ về vai Thập Nương, Lan Phương nhấn mạnh: "Đây là vai dữ dội nhất tôi từng nhận trong nhiều năm làm nghề, bởi sự giằng xé giữa con quỷ khát máu và con người mang đầy uất hận, nội tâm đầy phức tạp của nhân vật".
Cô còn hài hước chia sẻ quãng đường di chuyển đến Hà Giang, quá trình quay hình cũng dữ dội không kém. "Có những ngày quay người vấy đầy máu, lấm lem mà quãng đường đi đến toilet dài gần 1km không có điện và hoàn toàn hoang vu, vừa tẩy trang, vừa run lẩy bẩy, tê dại vì lạnh".
Bối cảnh được đầu tư kỹ lưỡng chính là điều giúp nhiều diễn viên thăng hoa trong quá trình nhập vai. NSƯT Hạnh Thúy cho biết chỉ cần đặt chân vào set quay là đã cảm nhận được nhân vật hoàn toàn khác với mường tượng khi đọc kịch bản, "lần đầu bị ám ảnh bởi vai diễn đến vậy".
Nguyên Thảo và Võ Tấn Phát đều bật khóc khi lần đầu nhìn thấy bối cảnh làng Địa Ngục chân thực, hệt như khi đọc tiểu thuyết, tự nhiên trở thành một người dân trong làng.
NSƯT Chiều Xuân còn tiết lộ vì mê mẩn những hình ảnh trên set quay mà đã sung sướng nhận vai ngay khi được đạo diễn gọi, bắt xe lên Hà Giang ngay trong đêm để không bỏ lỡ cảnh quay.
Như vậy, K+ đã ra mắt 5 loạt phim, gồm: "Mẹ ác ma, cha thiên sứ" (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), "Trại hoa đỏ" (đạo diễn Victor Vũ), "Bếp trưởng tới!" (đạo diễn Văn Công Viễn), "Nhà mình lạ lắm!" (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) và "Tết ở làng Địa Ngục" (đạo diễn Trần Hữu Tấn).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.